Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng 0,07% so với tháng trước
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2024 tăng 0,07% so với tháng trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2024, CPI tăng 3,93% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 2,81%.
Số liệu công bố ngày 29/4 của Tổng cục Thống kê cho biết, trong mức tăng 0,07% của chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2024 so với tháng trước có 08 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng, 03 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.
08 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng
Nhóm giao thông tăng cao nhất với 1,95% (làm CPI chung tăng 0,19 điểm phần trăm), chủ yếu do: Giá xăng trong nước tăng 4,78%; giá dầu diezel tăng 2,01% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng. Phí học bằng lái xe tăng 0,26%; giá dịch vụ bảo dưỡng phương tiện đi lại tăng 0,47%; dịch vụ trông giữ xe tăng 1,09% do nhu cầu cao. Giá vận tải hành khách bằng đường hàng không tăng 10,42%; đường thủy tăng 0,06%; đường bộ tăng 0,13%; xe buýt tăng 0,21% và taxi tăng 0,56% do giá xăng dầu tăng. Riêng giá xe ô tô mới giảm 0,24%; dịch vụ thuê ô tô, xe máy tự lái giảm 0,1%; dịch vụ giao nhận hành lý giảm 0,03%.
Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,92% do thời tiết giao mùa, các loại vi rút gây bệnh sinh sôi, số ca viêm phổi, thủy đậu, tay chân miệng tăng nhanh nên người dân có nhu cầu mua các loại thuốc tăng cường hệ miễn dịch. Trong đó, giá nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt, chống viêm tăng 0,19%; nhóm thuốc chống dị ứng và các trường hợp quá mẫn cảm tăng 0,13%; nhóm thuốc tim mạch và một số mặt hàng khác tăng 0,07%.
Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,27% chủ yếu do tăng giá các mặt hàng đồ dùng cá nhân (tăng 0,6%). Trong đó, giá đồ trang sức tăng 5,4% theo giá vàng trong nước; dịch vụ sửa chữa đồng hồ đeo tay, đồ trang sức tăng 0,42%; dịch vụ phục vụ cá nhân tăng 0,52%; dịch vụ hiếu hỉ tăng 0,12%.
Nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,21% do các nguyên nhân: Giá điện sinh hoạt tăng 0,27% do nhu cầu sử dụng điện tăng khi thời tiết nắng nóng gay gắt ở các địa phương phía Nam (Chỉ số giá điện sinh hoạt tháng 4/2024 phản ánh biến động trễ một tháng so với các mặt hàng khác do được tính dựa trên doanh thu và sản lượng tiêu dùng của tháng 3/2024); giá dầu hỏa tăng 1,35% trước do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng; giá thuê nhà tăng 0,41% do nhu cầu thuê nhà ở tăng; giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,29% do giá cát, thép tăng cao theo nhu cầu tiêu thụ.
Ngoài ra, dịch vụ điện sinh hoạt tăng 0,86%, dịch vụ về nước sinh hoạt tăng 0,47%; dịch vụ sửa chữa nhà ở tăng 0,35% do chi phí nguyên vật liệu và chi phí nhân công tăng. Ở chiều ngược lại, giá gas trong tháng giảm 1,08% so với tháng trước do từ ngày 01/4/2024, giá gas trong nước điều chỉnh giảm khoảng 5.000 đồng/bình 12 kg sau khi giá gas thế giới giảm 18 USD/tấn so với tháng trước xuống mức 617,5 USD/tấn.
Nhóm may mặc, mũ nón và giày dép tăng 0,12% do nhu cầu tiêu dùng một số loại cho mùa hè tăng. Trong đó, giá dịch vụ giày dép tăng 0,38%; mũ nón tăng 0,17%; vải các loại tăng 0,16%; quần áo may sẵn tăng 0,13%; giày dép tăng 0,12%.
Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,11%, trong đó, giá một số mặt hàng tăng: Giá máy hút bụi tăng 0,92% so với tháng trước; máy đánh trứng, trộn đa năng tăng 0,71%; điều hòa tăng 0,48%; tủ lạnh tăng 0,34%; dịch vụ sửa chữa thiết bị gia đình tăng 0,41%. Một số mặt hàng giảm giá so với tháng trước như: Trang thiết bị nhà bếp giảm 0,45%; máy giặt giảm 0,38%; bếp ga giảm 0,27%; đệm giảm 0,19%.
Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,09% do thời tiết chuyển nắng nóng nên nhu cầu tiêu dùng đồ uống giải khát tăng, trong đó giá nước khoáng tăng 0,25%; nước quả ép tăng 0,12%; nước uống tăng lực đóng chai, lon tăng 0,07%. Rượu các loại và thuốc lá lần lượt tăng 0,14% và 0,1% so với tháng trước.
03 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá giảm
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 0,13%, trong đó: Lương thực giảm 0,63%; thực phẩm giảm 0,18%; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,21%.
Đáng chú ý, giá gạo trong nước giảm theo giá gạo xuất khẩu và các địa phương đang trong đợt thu hoạch vụ đông xuân nên nguồn cung gạo tăng. Chỉ số giá nhóm gạo giảm 0,76% (Gạo tẻ thường giảm 0,84%; gạo tẻ ngon giảm 0,51%; gạo nếp giảm 0,54%). Bên cạnh đó, giá khoai lang giảm 6,65%; sắn giảm 0,27%. Ở chiều ngược lại, giá các mặt hàng lương thực chế biến như giá bánh mì tăng 0,32%; bột ngô tăng 0,18%; bún, bánh phở, bánh đa tăng 0,16%; mỳ sợi, mỳ, phở, cháo ăn liền tăng 0,12%; ngũ cốc ăn liền tăng 0,06%.
Giá thịt bò giảm 0,23% so tháng trước; thịt gà giảm 0,39%; trứng các loại giảm 2,76%; dầu mỡ động thực vật giảm 0,12%; giá thủy sản tươi sống giảm 0,59%; giá quả tươi và chế biến giảm 1,67%. Bên cạnh các mặt hàng giảm giá, một số mặt hàng trong tháng có giá tăng so với tháng trước: Giá thịt lợn tăng 0,49%; giá rau tươi, khô và chế biến tăng 0,16%; giá sữa, bơ, phô mai tăng 0,05%; giá chè, cà phê, ca cao tăng 0,31%.
Giá nhân công phục vụ và chi phí thuê mặt bằng tăng. Trong đó, giá uống ngoài gia đình tăng 0,31%; giá ăn ngoài gia đình tăng 0,22%; đồ ăn nhanh mang đi tăng 0,12%.
Nhóm bưu chính, viễn thông giảm 0,17% chủ yếu do các doanh nghiệp thực hiện chương trình khuyến mại giảm giá đối với một số loại điện thoại di động mẫu mã cũ.
Nhóm giáo dục giảm 2,93% so với tháng trước, góp phần giảm CPI chung giảm 0,18 điểm phần trăm, trong đó dịch vụ giáo dục giảm 3,32%. Nguyên nhân chủ yếu do ngày 31/12/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 97/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ, trong đó yêu cầu các địa phương giữ ổn định mức thu học phí từ năm học 2023-2024 bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022 đối với giáo dục mầm mon, giáo dục phổ thông công lập, theo đó một số trường học đã điều chỉnh giảm mức học phí sau khi đã thu theo Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.
Các địa phương có chỉ số giá dịch vụ giáo dục tháng 4/2024 giảm so với tháng trước: Hà Nội giảm 11,2%; Hòa Bình giảm 22,56%; Quảng Ninh giảm 6,64%; Nam Định giảm 22,42%; Ninh Thuận giảm 30,98%; Long An giảm 37,55%.
4 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá vàng tăng 20,75%
Lạm phát cơ bản tháng 4/2024 tăng 0,17% so với tháng trước và tăng 2,79% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,81% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,93%), chủ yếu do giá lương thực, xăng dầu và giá dịch vụ y tế là yếu tố tác động tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính toán lạm phát cơ bản.
Giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá vàng thế giới. Tính đến ngày 25/4/2024, bình quân giá vàng thế giới ở mức 2.322,36 USD/ounce, tăng 8,54% so với tháng 3/2024 do căng thẳng địa chính trị leo thang ở Trung Đông thúc đẩy các nhà đầu tư tìm đến vàng như một kênh trú ẩn an toàn. Trong nước, chỉ số giá vàng tháng 4/2024 tăng 6,95% so với tháng trước; tăng 17,01% so với tháng 12/2023; tăng 28,62% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 4 tháng đầu năm 2024 tăng 20,75%.
Trên thế giới, giá đồng USD tăng do Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) chưa đưa ra thời gian cụ thể nới lỏng chính sách tiền tệ, giảm lãi suất nên giá trị đồng USD tăng cao. Tính đến ngày 25/4/2024, chỉ số giá USD trên thị trường quốc tế đạt mức 104,95 điểm, tăng 1,4% so với tháng trước.
Trong nước, nhu cầu USD của các doanh nghiệp nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu tăng, giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 25.120 VND/USD. Chỉ số giá USD tháng 4/2024 tăng 1,2% so với tháng trước; tăng 3,03% so với tháng 12/2023; tăng 6,51% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 4 tháng đầu năm 2024 tăng 4,6%.