Chủ động nguồn cung thực phẩm dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024
Sắp đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hiện các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nông hộ cả nước đang tập trung sản xuất để có nhiều sản phẩm chăn nuôi phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao của người dân trong dịp này.
Theo Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi Phạm Kim Đăng, năm 2023, đàn vật nuôi phát triển ổn định, tổng đàn lợn tăng 4,2%, đàn gia cầm tăng 2,6% so với cùng kỳ năm 2022; tổng sản lượng thịt hơi các loại ước đạt hơn 7,6 triệu tấn, sản lượng trứng ước đạt 18,98 tỷ quả…
Do vậy, nguồn cung thực phẩm sẽ đáp ứng được nhu cầu thị trường trong nước. Tuy nhiên, trong dịp Tết, khi nhu cầu tiêu dùng tăng cao, giá sản phẩm chăn nuôi có thể sẽ tăng nhẹ. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết thêm, các trang trại, doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn đang đẩy mạnh sản xuất. Nhìn chung, công việc khá thuận lợi do tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát.
Tổng đàn lợn của Hà Nội đạt gần 1,5 triệu con, đàn gia cầm 41,9 triệu con, thành phố tiếp tục chú trọng phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm tại các huyện: Thanh Oai, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Ba Vì… và một số vùng chăn nuôi hữu cơ. Hiện Hà Nội có 32 cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, trong đó có 3 cơ sở chăn nuôi bò, 2 cơ sở chăn nuôi dê, 16 cơ sở chăn nuôi lợn, 11 cơ sở chăn nuôi gia cầm. Chia sẻ với chúng tôi, Giám đốc Hợp tác xã Chăn nuôi Hoàng Long Nguyễn Trọng Long cho biết, hợp tác xã chăn nuôi theo hướng bền vững, an toàn, với chuỗi liên kết khép kín từ khâu sản xuất tới khâu giết mổ, chế biến…, gồm các sản phẩm thịt lợn, giò nạc, giò mỡ, chả, xúc xích bảo đảm an toàn thực phẩm để phục vụ nhu cầu của người dân.
Không chỉ Hà Nội, việc sản xuất chăn nuôi ở nhiều địa phương cũng đạt kết quả khả quan. Tại Đồng Nai, “thủ phủ” chăn nuôi lợn của cả nước, với đàn lợn khoảng 2,42 triệu con, trong đó chăn nuôi trang trại chiếm hơn 90% tổng đàn, đáp ứng việc cung cấp thịt lợn trong tỉnh và thị trường lân cận như: TP Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu.
Ở Bắc Giang, có đàn lợn 930 nghìn con, đàn gia cầm 20,5 triệu con; có 98 hợp tác xã chăn nuôi, 2.245 cơ sở chăn nuôi quy mô trang trại. Dự báo sẽ có đủ nguồn thực phẩm phục vụ dịp Tết sắp tới trong tỉnh và xuất bán ra thị trường các địa phương: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn… Đơn cử như Hợp tác xã Phú Cường (huyện Sơn Động), đang nuôi 2-3 nghìn con gà thương phẩm, sản phẩm trứng gà đạt OCOP 3 sao.
Hợp tác xã đang chuẩn bị cung cấp ra thị trường Tết gần 2 tấn gà thương phẩm. Tại tỉnh Hải Dương, ước tính năm 2023: tổng đàn lợn đạt 440 nghìn con, tổng đàn gia cầm có 16,7 triệu con; sản lượng thịt hơi các loại là 140.050 tấn, sản lượng trứng gia cầm đạt 610 triệu quả. Theo đại diện Hợp tác xã Dịch vụ gà lai chọi thương phẩm xã Gia Lương (huyện Gia Lộc), để chuẩn bị phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, hợp tác xã có khoảng 430 nghìn con để cung ứng cho thị trường. Tại tỉnh Nghệ An, tổng đàn trâu, bò có hơn 800 nghìn con, đàn lợn hơn 988 nghìn con; với 970 trang trại chăn nuôi.
Chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao phát triển khá mạnh, năng suất và chất lượng các loại sản phẩm như thịt, trứng, sữa ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng. Ở Đắk Lắk, số lượng đàn gia súc, gia cầm ước đạt 14,98 triệu con. Tỷ trọng chăn nuôi theo quy mô trang trại được nâng cao, tập trung nhiều ở chăn nuôi gà hướng thịt và gà hướng trứng. Tại tỉnh Ninh Thuận, tổng đàn gia súc là hơn 513 nghìn con, đàn lợn có hơn 162 nghìn con; trong đó Công ty cổ phần Chăn nuôi CP chi nhánh Ninh Thuận thông qua hệ thống 19 cửa hàng, quầy bán thịt lợn và sản phẩm chăn nuôi trên các huyện, thành phố đã góp phần ổn định nguồn cung, bình ổn giá đáp ứng nhu cầu thực phẩm trên địa bàn…
Các chuyên gia cho rằng, để bảo đảm nguồn cung thực phẩm, cần tổ chức sản xuất gắn với thị trường, phù hợp thực tiễn của từng vùng; tạo điều kiện thuận lợi trong lưu thông, tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Nhân rộng mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, thực hành chăn nuôi tốt trên các đối tượng vật nuôi. Xây dựng thêm các chuỗi sản xuất tuần hoàn, truy xuất được nguồn gốc và theo hướng hữu cơ để nâng giá trị gia tăng sản phẩm chăn nuôi, trong đó lấy doanh nghiệp làm yếu tố chủ đạo, lấy hợp tác xã và tổ hợp tác là yếu tố kết nối nông dân.
Cùng với đó, ngành chăn nuôi có hướng dẫn các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nông hộ điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp điều kiện thời tiết và tình hình thực tế; khuyến khích doanh nghiệp tham gia, nâng cao vai trò của mình trong khâu chuyển giao, áp dụng khoa học-công nghệ vào hoạt động sản xuất chăn nuôi. Các nông hộ nên chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi hiệu quả, đẩy mạnh công tác tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm, bảo đảm tỷ lệ tiêm phòng vắc-xin đạt tỷ lệ ít nhất hơn 80% tổng đàn. Theo Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến, đàn vật nuôi hiện giữ được nhịp tăng trưởng tốt, cho nên sẽ bảo đảm đủ nguồn cung thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.