Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội
Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

 

Chiều ngày 4/6, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã giải đáp câu hỏi của các ĐBQH liên quan đến vấn đề quản lý, giám sát, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong hoạt động thương mại điện tử; đẩy mạnh xuất khẩu, thúc đẩy việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do; phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp cơ khí, nhất là trong phục vụ chế biến nông, lâm, thủy sản, phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Ghi nhận sau phiên chất vấn, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã có một số ý kiến về phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên.

Lĩnh vực Công Thương là lĩnh vực quan trọng, có tác động rất lớn đối với phát triển kinh tế – xã hội và đời sống của người dân, doanh nghiệp. Qua phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chiều ngày 4/6, các vấn đề mà đại biểu Quốc hội nêu cơ bản được trả lời đầy đủ. Bộ trưởng cũng đã đưa ra hệ thống các giải pháp về hoàn thiện thể chế; tuyên truyền, nâng cao nhận thức tới các chủ thể sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi cung ứng trong nước; hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp trong nước với các tập đoàn đa quốc gia…

Đặc biệt với nhóm vấn đề mà hoạt động của các chủ thể không nằm “gọn” trong sự quản lý của ngành Công Thương, tôi nhận định Bộ trưởng đã đưa ra giải pháp mang tính khả thi trong phối hợp với các Bộ ngành, cơ quan trung ương, cũng như nâng cao vai trò của chính quyền địa phương trong thanh tra, kiểm tra, xử lý và cảnh báo, phòng ngừa vi phạm nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp và bảo vệ người tiêu dùng.

Cũng cần nhấn mạnh thêm, thời gian qua, trong bối cảnh tình hình kinh tế – xã hội trong nước vẫn còn nhiều gặp khó khăn khi kinh tế toàn cầu tăng trưởng yếu, lạm phát vẫn neo ở mức cao, đứt gãy nguồn cung, xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và bất ổn địa chính trị xảy ra tại nhiều khu vực trên thế giới, ngành Công Thương đã nỗ lực, phấn đấu, có nhiều đổi mới, đạt được những kết quả tích cực trên các mặt công tác, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế của đất nước, có thể kể đến như:

– Sản xuất công nghiệp đã vượt qua giai đoạn khó khăn sau đại dịch, từng bước phục hồi phát triển, có sự bứt phá từ quý 3/2023 đến nay, đặc biệt trong 4 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) 4 tháng tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023 (cùng kỳ giảm 2,5%), trong đó ngành chế biến, chế tạo tăng 6,3% so với cùng kỳ (cùng kỳ giảm 2,9%), tiếp tục duy trì vai trò động lực tăng trưởng của nền kinh tế đất nước.

– Thương mại trong nước tăng trưởng khá mạnh, vượt mục tiêu đề ra và là trụ đỡ cho nền kinh tế trong bối cảnh chung còn nhiều khó khăn thách thức; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước; hàng hóa cơ bản cung cấp được đầy đủ với giá cả tương đối ổn định. Bên cạnh đó, chính sách pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã và đang được hoàn thiện, nhất là trong hoạt động thương mại điện tử.

– Việc khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam tham gia ký kết đã góp phần quan trọng vào kết quả xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng cao. Xuất nhập khẩu 8 năm liền đạt được kỷ lục mới về kim ngạch và thặng dư thương mại; đặc biệt, năm 2023 đạt mức xuất siêu 28 tỷ USD, cao gấp 3 lần so với năm trước; 5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu tiếp tục tăng trên 15% so với cùng kỳ năm trước, thặng dư thương mại đạt trên 8,1 tỷ USD, góp phần nâng cao dự trữ ngoại hối, ổn định tỷ giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô.

– Và thêm một điểm nữa là thương mại điện tử phát triển rất mạnh với tốc độ tăng bình quân 20-25%/năm, thuộc nhóm 5 nước dẫn đầu thế giới về tốc độ tăng trưởng; quy mô thương mại điện tử hiện nay đạt trên 20 tỷ USD/năm, chiếm 8% tổng doanh thu hàng hóa tiêu dùng cả nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn những công tác, những mặt cần tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thiện. ‎Trong giai đoạn tới, ngành Công Thương cần tập trung phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan tiếp tục hoàn thiện pháp luật liên quan đến thương mại điện tử, bảo vệ người tiêu dùng; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng, đa dạng hóa thị trường quốc tế gắn với nâng cao chất lượng sản phẩm; nghiên cứu, xây dựng luật công nghiệp trọng điểm, chương trình công nghiệp hỗ trợ, tập trung phát triển công nghiệp thông minh, công nghiệp xanh…