Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng
Sáng 1/3, tại Hà Nội, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng long trọng tổ chức Lễ đón nhận Huân chương Chiến công hạng Nhì, kỷ niệm 65 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959 – 3/3/2024), 35 năm Ngày Biên phòng toàn dân (3/3/1989 – 3/3/2024). Đồng chí Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng và an ninh tới dự và phát biểu ý kiến tại buổi lễ.
Tới dự, có đồng chí Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Quốc phòng; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; lãnh đạo Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, các tổng cục, quân khu, quân chủng, binh chủng; các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; đại diện lãnh đạo thành phố Hà Nội và 44 tỉnh, thành phố có biên giới; các đại biểu điển hình tiên tiến trong phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia; đại diện lãnh đạo, chỉ huy Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng.
Trung thành tuyệt đối với Đảng, tận tụy với nhân dân
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những chiến công, thành tích xuất sắc, sự trưởng thành vượt bậc mà các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng đã nỗ lực phấn đấu đạt được trong suốt 65 năm qua, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch nước khẳng định: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ, sự quan tâm phối hợp của các cấp, các ngành, địa phương, sự thương yêu, đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân, 65 năm qua, Bộ đội Biên phòng luôn trung thành tuyệt đối với Đảng, tận tụy với nhân dân, mưu trí, dũng cảm, vượt mọi khó khăn, gian khổ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; tích cực tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, phát triển kinh tế-xã hội vùng biên giới, xây dựng nền biên phòng toàn dân vững mạnh, góp phần giữ vững từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Bằng trách nhiệm và tấm lòng cao cả, Bộ đội Biên phòng đã sáng tạo nhiều chương trình, phong trào, mô hình, cách làm hay, như: Nâng bước em tới trường – Con nuôi đồn Biên phòng; thầy giáo quân hàm xanh; thầy thuốc quân hàm xanh; cán bộ biên phòng tăng cường xã; điểm sáng văn hóa vùng biên; mái ấm cho người nghèo và chiến sĩ nơi biên giới, hải đảo; xuân biên phòng ấm lòng dân bản .
Mỗi hành động đẹp, việc làm tốt của người chiến sĩ biên phòng nơi biên giới, biển, đảo xa xôi đã góp phần tăng thêm niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ, làm sáng đẹp hơn hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.
Trước yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ biên giới, biển, đảo trong tình hình mới, Chủ tịch nước đề nghị Bộ đội Biên phòng, các cấp, các ngành, nhất là các địa phương biên giới quan tâm thực hiện một số nội dung sau:
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo vệ Tổ quốc, quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới; các Điều ước quốc tế có liên quan đến biên giới quốc gia. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật về biên giới quốc gia và Bộ đội Biên phòng. Nắm chắc, dự báo chính xác tình hình, nhất là tình hình ngoại biên liên quan đến công tác bảo vệ biên giới, chủ động có đối sách, biện pháp xử lý đúng, phù hợp, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Thứ hai, nâng cao chất lượng công tác huấn luyện, đào tạo gắn với thực tế chiến đấu, công tác; chủ động ứng dụng thành tựu của khoa học-công nghệ trong quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia. Duy trì nghiêm chế độ sẵn sàng chiến đấu, quản lý, bảo vệ vững chắc an ninh biên giới, chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho giao lưu, hợp tác, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước theo chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng, Nhà nước.
Quan tâm đầu tư xây dựng, hoàn thiện hệ thống đồn, trạm biên phòng, cửa khẩu, công trình chiến đấu liên hoàn, khép kín, kiên cố, vững chắc, bảo đảm đủ khả năng quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia và phòng thủ trong mọi tình huống.
Thứ ba, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân vững mạnh; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, xây dựng lực lượng bảo vệ biên giới rộng khắp, trong đó nhân dân là chủ thể, lực lượng vũ trang làm nòng cốt, Bộ đội Biên phòng là lực lượng chuyên trách, trực tiếp.
Phát huy vai trò đội quân công tác, Bộ đội Biên phòng tiếp tục tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo… trên địa bàn biên giới, hải đảo; là cầu nối vững chắc và tin cậy giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân. Phối hợp với các cấp, các ngành duy trì và nâng cao hiệu quả các chương trình, phong trào, mô hình hay trong bảo vệ biên giới, chăm lo, giúp đỡ đồng bào các dân tộc nơi biên giới.
Thứ tư, thực hiện công tác đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng, đối ngoại nhân dân linh hoạt, sáng tạo và hiệu quả; đẩy mạnh hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa lực lượng quản lý, bảo vệ biên giới và nhân dân hai bên biên giới, mở rộng quan hệ hợp tác về biên phòng với các nước trong khu vực.
Thứ năm, tập trung xây dựng Đảng bộ Bộ đội Biên phòng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên. Xây dựng Bộ đội Biên phòng theo hướng tinh, gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả, khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ công tác biên phòng và xây dựng Quân đội trong tình hình mới.
Bảo đảm tốt hậu cần, kỹ thuật, kịp thời phục vụ cho sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ công tác biên phòng; đẩy mạnh tăng gia, sản xuất, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho bộ đội.
Dịp này, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục quan tâm, có những hành động, việc làm thiết thực, chung tay với Bộ đội Biên phòng bảo vệ vững chắc biên cương Tổ quốc, xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, ổn định và phát triển.
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã trao Huân chương Chiến công hạng Nhì tặng Bộ đội Biên phòng, vì đã lập chiến công xuất sắc trong đấu tranh phòng, chống tội phạm sản xuất, mua bán, vận chuyển, tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tự hào truyền thống 65 năm
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, ôn lại truyền thống, Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn, Chính ủy Bộ đội Biên phòng nêu rõ: Cách đây tròn 65 năm, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 3/3/1959, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Nghị định số 100/TTg thành lập lực lượng Công an nhân dân vũ trang – nay là Bộ đội Biên phòng.
Ngày 28/3/1959, tại buổi lễ thành lập lực lượng, cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng rất vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự. Người đã huấn thị: “Đoàn kết cảnh giác; liêm chính, kiệm cần; Hoàn thành nhiệm vụ; Khắc phục khó khăn; Dũng cảm trước địch; Vì nước quên thân; Trung thành với Đảng; Tận tụy với dân”. Đây là sự kiện quan trọng, đánh dấu sự ra đời của Bộ đội Biên phòng, lực lượng vũ trang chuyên trách bảo vệ biên giới quốc gia, khẳng định bước trưởng thành, phát triển của lực lượng vũ trang nhân dân trong sự nghiệp củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc.
Ngày 3/3 hằng năm đã trở thành ngày truyền thống của lực lượng.
Qua 35 năm thực hiện “Ngày Biên phòng toàn dân”, Đảng, Nhà nước đã quan tâm sâu sắc và có nhiều chủ trương, chính sách sát đúng; các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và địa phương đã chung tay, góp sức hướng về biên giới, biển đảo; quần chúng nhân dân trong cả nước nói chung, ở khu vực biên giới nói riêng đồng tình ủng hộ, tham gia tích cực vào sự nghiệp bảo vệ biên giới.
Các hoạt động Ngày Biên phòng toàn dân được tổ chức thường xuyên, rộng khắp; tạo khí thế sôi nổi, trở thành ngày hội của nhân dân cả ở tuyến sau và trên biên giới. Các phong trào chương trình, mô hình giúp nhân dân phát triển kinh tế-xã hội góp phần củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, Quân đội.
Góp phần xây dựng nền biên phòng toàn dân, thế trận biên phòng toàn dân vững chắc trong nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, gắn với thế trận an ninh vững mạnh, quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác và phát triển.
Trung tướng Nguyễn Anh Tuấn khẳng định, những thành tích và truyền thống vẻ vang của lực lượng Bộ đội Biên phòng đạt được là nhờ sự quan tâm lãnh đạo, giáo dục, rèn luyện của Đảng, của Bác Hồ kính yêu; từ truyền thống của dân tộc, của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân.
Sự thương yêu đùm bọc cưu mang của đồng bào các dân tộc biên giới và nhân dân cả nước; sự giúp đỡ to lớn của cấp ủy, chính quyền, các ban, bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và địa phương. Đặc biệt là, công lao của những người mẹ, người cha, người chị, người anh, người vợ, người em nơi hậu phương đã âm thầm chịu đựng khó khăn, vất vả, lo toan mọi việc để những người cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh vững vàng làm nhiệm vụ nơi biên cương, hải đảo.
Với những thành tích đạt được, Bộ đội Biên phòng vinh dự được Đảng, Nhà nước ghi nhận và tặng thưởng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý: 2 lần được phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; được tặng thưởng 1 Huân chương Sao vàng; 3 Huân chương Hồ Chí Minh; 2 Huân chương Độc lập; 3 Huân chương Quân công; 3 Huân chương Lao động; 156 lượt tập thể và 67 cá nhân được Đảng, Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.