tpnest.asia - Chuyên thiết bị âm thanh nhà yến

Chứng nhận ASC cho thương hiệu nghêu Tiền Giang

Vùng nuôi nghêu của Ban Quản lý Cồn bãi huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) vừa được trao Chứng nhận ASC (Aquaculture Stewardship Council), chứng nhận nuôi thuỷ sản bền vững, như một tín hiệu “phá băng” suy thoái hiện nay, hy vọng giúp xây dựng thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm nghêu Việt trên thị trường quốc tế.

Ông Đặng Anh Tuấn – Phó Giám đốc Control Union Việt Nam trao giấy chứng nhận ASC cho đại diện Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, UBND huyện Gò Công Đông và Ban Quản lý Cồn bãi huyện Gò Công Đông

Từ thực tế đến tiêu chuẩn ASC

Lễ trao Giấy Chứng nhận ASC diễn ra ngày 15/11/2023, do Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang phối hợp với Trung tâm ICAFIS, Tổ chức OXFAM và UBND huyện Gò Công Đông tổ chức. Tham dự có đại diện Tổ chức OXFAM, Tổ chức chứng nhận quốc tế Control Union, Đơn vị tư vấn RECERD, cộng đồng nuôi nghêu tỉnh Tiền Giang, các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu nghêu trong và ngoài tỉnh Tiền Giang như Lenger Seafood, Beseaco, Sông Tiền, Ngọc Hà, Gò Đàng.

Chứng nhận ASC được nhiều thị trường quốc tế ưa chuộng, trong đó có các thị trường khó tính như châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản. Đặc điểm nội bật của ASC là cho phép phân bổ mật độ và sản lượng nuôi theo kế hoạch nên phù hợp với nghêu tỉnh Tiền Giang.

Nghêu Tiền Giang

Tại buổi lễ, lãnh đạo UBND huyện Gò Công Đông cho biết, nghề nuôi nghêu của Tiền Giang xuất hiện trước năm 1975, tập trung ở bờ biển hơn 32 km tại huyện. Đến năm 1990 nhằm khai thác tốt tiềm năng, UBND huyện đã phân lô giao khoán cho các hộ dân và Ban Quản lý Cồn bãi huyện Gò Công Đông để bảo vệ, phát triển. Tuy nhiên, yêu cầu của thị trường nhập khẩu ngày càng cao nên cũng trải qua nhiều thăng trầm. Thách thức lớn do sản xuất nhỏ lẻ, chưa xây dựng thương hiệu, chưa có nhà máy chế biến, chưa liên kết thị trường tiêu thụ, chủ yếu tiêu thụ qua thương lái, từ đó dẫn đến giá cả không ổn định, thiếu bền vững.

Vấn đề xây dựng thương hiệu sản phẩm nghêu được đặt ra khi UBND tỉnh Tiền Giang ban hành Quyết định số 3652/QĐ-UBND ngày 21/11/2011 về việc triển khai Đề tài khoa học công nghệ “Xây dựng vùng quản lý khai thác nghêu (Meretrix lyrata) theo tiêu chuẩn của Hội đồng Quản lý biển (MSC – Marine Stewardship Council)”. Thế nhưng, do biến đổi khí hậu và tình trạng ô nhiễm môi trường, nghêu nuôi có hiện tượng chết hàng loạt nhất là năm 2013 với trên 1.300 ha chết, gây thiệt hại rất lớn và việc áp dụng chứng nhận MSC gặp nhiều khó khăn.

Bãi nuôi nghêu Gò Công Đông

“Trong bối cảnh đó, UBND huyện cùng Sở NN&PTNT tỉnh họp bàn, thảo luận trên cơ sở điều kiện thực tế của địa phương với sự phù hợp MSC, ASC, chúng tôi thống nhất lựa chọn xây dựng ASC cho vùng nghêu của Ban Quản lý cồn bãi với diện tích 311 ha”, lãnh đạo huyện Gò Công Đông nói.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang cho biết thêm: Ngày 8/3/2018, Trung tâm Hợp tác quốc tế Nuôi trồng và Khai thác thủy sản Bền vững (ICAFIS) của Hội nghề cá Việt Nam có văn bản gửi UBND tỉnh về việc tiếp nhận và phối hợp thực hiện dự án phát triển chuỗi giá trị nghêu. Được UBND tỉnh chấp thuận, sau thời gian nỗ lực, vùng nuôi nghêu của Ban Quản lý Cồn bãi huyện Gò Công Đông được Tổ chức Chứng nhận quốc tế toàn cầu (Control Union) đánh giá vào ngày 30 và 31/8/2023, cấp Giấy chứng nhận ASC vào ngày 7/11/2023.

Hy vọng phát huy giá trị trên thị trường

Vùng nuôi nghêu của Ban Quản lý Cồn bãi huyện Gò Công Đông là vùng nuôi nghêu thứ 4 ở nước ta và cũng là vùng nuôi nghêu thứ 4 trên thế giới đạt chứng nhận ASC. Hiện huyện Gò Công Đông có khoảng 2.200 ha diện tích nuôi nhuyễn thể (chủ yếu là nghêu), sản lượng hàng năm 18.000 – 20.000 tấn thương phẩm, chỉ tiêu thụ nội địa. Với chứng nhận ASC, sản phẩm nghêu Gò Công Đông có điều kiện xuất khẩu ra thị trường thế giới, thúc đẩy nghề nuôi nghêu của huyện phát triển lên tầm cao mới trong tương lai.

Đại diện Ban Quản lý Cồn bãi huyện Gò Công Đông bảy tỏ, tuân thủ chứng nhận ASC có lợi ích: “Nâng cao giá trị lợi nhuận nghêu khi xuất khẩu ra thị trường quốc tế, tạo đà phát triển cho nghêu của tỉnh nâng cao năng xuất, chất lượng đảm bảo cung cấp cho thị trường  xuất khẩu. Tập trung nghiên cứu, áp dụng khoa học công nghệ trong quá trình sản xuất như: môi trường nước, thức ăn trong quá trình ương nuôi nghêu giống, quy trình thu hoạch nghêu giống, nghêu thịt bằng phương tiện cơ giới, xử lý nghêu sạch trước khi bán ra thị trường tiêu thụ, sản phẩm nghêu qua sơ chế, chế biến nhằm tạo ra sản phẩm nghêu đạt chất lượng, giá trị kinh tế cao”.

Từ tiêu chuẩn ASC phù hợp pháp luật Việt Nam, sẽ tăng cường phối hợp với tổ quản lý cộng đồng, Hội đồng đánh giá nhuyễn thể hai mảnh vỏ huyện để kiểm tra, quản lý, theo dõi nguồn nghêu giống, sò giống sinh sản tự nhiên. Từ đó gia tăng nguồn lợi tự nhiên để tái tạo nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Tại buổi lễ, sau phần trao giấy chứng nhận ASC đã diễn ra “Lễ ký liên kết chuỗi giá trị nghêu ASC” giữa đại diện UBND huyện Gò Công Đông, Trung tâm ICAFIS, Ban quản lý Cồn bãi huyện Gò Công Đông và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu thủy sản. Đồng thời thảo luận “Thoả thuận liên kết chuỗi giá trị nghêu ASC tại tỉnh Tiền Giang” để giữ vững và phát hay giá trị trên thị trường.

Các ý kiến thảo luận cho hay, nghêu là một trong bốn đối tượng thủy sản chủ lực của Việt Nam (cùng với tôm nước lợ, cá tra, cá rô phi), được ưa chuộng tại nhiều thị trường trên thế giới như châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản, Malaysia, Úc. Từ quý 4/2022 đến nay, ngành thuỷ sản thế giới nói chung, ngành thủy sản và nghêu Việt Nam nói riêng phải đối mặt với nhiều thách thức từ tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu khiến giá thủy sản và nghêu giảm sâu, trong lúc yêu cầu của của các nước nhập khẩu ngày càng tăng. Cho nên, sự kiện nghề nghêu tỉnh Tiền Giang đạt được Chứng nhận ASC là tin vui, như một tín hiệu “phá băng” suy thoái, hy vọng giúp nâng cao giá trị sản phẩm nghêu Việt trên thị trường quốc tế.

(Theo TC AS&CS số in tháng 10/2023)

Sáu Nghệ
Bạn cũng có thể thích