Chuyển đổi xanh – xu hướng phát triển bền vững của doanh nghiệp
Chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp là một xu hướng tất yếu của sự phát triển. Việc chuyển đổi không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để xây dựng được chiến lược phát triển doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất.
Sáng 10/10, tại TP. Đà Nẵng diễn ra hội thảo “Chuyển đổi xanh – xu hướng phát triển bền vững cho doanh nghiệp“.
Tại Hội thảo, đại diện Sở Công Thương TP. Đà Nẵng cho biết, trước những tác động của biến đổi khí hậu, môi trường, các nguồn tài nguyên đang dần cạn kiệt, việc từng bước ‟xanh hoá” sản xuất, nhà máy xanh, công nghệ xanh, nguyên liệu sạch, năng lượng xanh đang trở thành xu thế tất yếu và là công cụ tạo lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Hội thảo nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước về phổ biến, tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, phát triển năng lượng tái tạo, đồng thời kết hợp xu thế chuyển đổi nền kinh tế xanh hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng 0 (Net zero) đến năm 2050.
Chính phủ Việt Nam đã đưa ra cam kết cùng cộng đồng quốc tế thực hiện phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị COP26. Đây là một mục tiêu đầy tham vọng và để đạt được cần rất nhiều nguồn lực trong nước và quốc tế, cần sự chung tay cùng thực hiện của cả nền kinh tế.
Để thực hiện mục tiêu phát thải ròng bằng “0” và chuyển đổi xanh hướng đến phát triển bền vững, ngành Công thương chịu trách nhiệm hỗ trợ, thúc đẩy triển khai áp dụng 3 nhóm giải pháp.
Thứ nhất, áp dụng các giải pháp về quản lý, công nghệ, thiết bị, kỹ thuật về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả nhằm tiết kiệm chi phí năng lượng đầu vào, giảm giá thành sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh, đồng thời giảm phát thải khí nhà kính…
Thứ hai là khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo, năng lượng sạch – được xem là có mức phát thải khí nhà kính bằng “0” như năng lượng mặt trời, năng lượng gió, thủy điện, địa nhiệt, sinh khối, Hydrogen,…
Thứ ba là áp dụng tổng thể các giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên, nguyên nhiên liệu đầu vào của hoạt động sản xuất, giảm thiểu tối đa chất thải ra môi trường và tận dụng tối đa các cơ hội áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ…
Để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng “0”, bên cạnh 3 nhóm giải pháp kỹ thuật cụ thể nêu trên, Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 cũng đã quy định rõ về vai trò, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp phải tham gia thực hiện giảm phát thải khí nhà kính theo lộ trình.
Theo đó các quy định về kiểm kê phát thải khí nhà kính phải thực hiện từ năm 2023, xây dựng kế hoạch và thực hiện các biện pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính tự thực hiện đến năm 2025 và bắt buộc thực hiện theo hạn ngạch được phân bổ từ năm 2026 trở đi. Bên cạnh đó, các cơ chế hỗ trợ thực hiện nghĩa vụ giảm phát thải thông qua sàn giao dịch tín chỉ carbon, cơ chế bù trừ tín chỉ carbon… sẽ được áp dụng thử nghiệm từ năm 2025, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đạt được mục tiêu giảm phát, chuyển đổi xanh, hướng đến nền sản xuất bền vững của mình.
Chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp là một xu hướng tất yếu của sự phát triển. Việc chuyển đổi không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để xây dựng được Chiến lược phát triển doanh nghiệp một cách hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh không chỉ là ứng dụng công nghệ mà còn thay đổi quy trình xử lý công việc, quy trình sản xuất – kinh doanh nhằm nâng cao hiệu suất, tính hiệu quả hoạt động, giảm phát thải, hướng tới kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
Tại hội thảo, các đại biểu cũng đã chia sẻ quan điểm về thách thức và cơ hội khi tham gia tiến trình Net Zero; tính cấp thiết phải chuyển đổi xanh ngành công nghiệp, hướng đến kinh tế tuần hoàn; trao đổi những khó khăn, khách thức của doanh nghiệp khi thực hiện kiểm kê khí nhà kính (đặc biệt về công nghệ, vốn…).
Hội thảo cũng cung cấp, giới thiệu một số giải pháp để chuyển đổi xanh trong công nghiệp như mô hình ESCO (dự án điện mặt trời 0 đồng và cung cấp chứng chỉ iREC (chứng chỉ năng lượng tái tạo quốc tế) cho nhà máy; công nghệ quang điện thế hệ mới Ntype Topcon (công nghệ sản xuất pin mặt trời với hiệu suất hấp thụ ánh sáng tốt hơn)….
* Tại Diễn đàn “Chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cho phát triển bền vững” diễn ra trong khuôn khổ sự kiện Techconnect and Innovation Vietnam 2023. Chương trình do Bộ KH&CN và UBND tỉnh Quảng Ninh phối hợp tổ chức; theo GS.TS Nguyễn Văn Phước (Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật TPHCM), Việt Nam cần ba giai đoạn. Đầu tiên là tăng hiệu quả sử dụng năng lượng, thứ hai là sử dụng năng lượng tái tạo, thứ ba là năng lượng sinh học. Hiện nay, tỉ lệ sản lượng điện từ năng lượng tái tạo của Việt Nam qua các năm 2019-2023 có tăng nhưng không ổn định.
* Về chuyển đổi công nghiệp xanh, theo quy hoạch, Việt Nam có khoảng 563 khu công nghiệp tại 61 tỉnh thành. Đến nay, 397 khu công nghiệp đã được thành lập, trong đó mới chỉ có khoảng 7 khu công nghiệp sinh thái. Tuy nhiên, 7 khu này hoạt động chưa thực sự hiệu quả, chưa thu hút đầu tư nước ngoài, tăng trưởng chậm…