Cội nguồn sức mạnh dân tộc
Truyền thống yêu nước, sức mạnh của khối đại đoàn kết đã góp phần tạo nên những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc, trở thành sức mạnh nội sinh giúp dân tộc ta vượt qua bao biến cố, viết nên những trang sử chói lọi.
Tỏa sáng nguồn lực nội sinh
Tinh thần đoàn kết của dân tộc Việt Nam được bắt nguồn từ lịch sử mấy nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đây là nhân tố quan trọng có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi. Đoàn kết có khi chỉ bình dị như chia sẻ ngọt bùi, “tối lửa tắt đèn” có nhau; nhưng đoàn kết cũng là tinh thần, kề vai sát cánh chống lại kẻ thù.
Cũng bởi “Đất nước là máu xương của mình”, “Đất nước là nơi dân mình đoàn tụ”, cho nên mỗi thời kỳ dựng nước và giữ nước, dân tộc Việt Nam đã có triệu triệu lớp người vùng lên “có ngoại xâm thì chống ngoại xâm, có nội thù thì vùng lên đánh bại”. Đã có biết bao anh hùng, hào kiệt, không chỉ dùng giáo, gươm để chiến đấu với quân thù mà còn sử dụng ngòi bút của mình để thể hiện tinh thần yêu nước bất khuất, khẳng định chủ quyền dân tộc: “Sông núi nước Nam vua Nam ở/Rành rành định phận tại Sách Trời/Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm/Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời” (Sông núi nước Nam – Lý Thường Kiệt).
“Trong thời kỳ phát triển mới, cần tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sự đồng thuận xã hội, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, niềm tự hào dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến” – Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 8 Khóa XIII.
Truyền thống đoàn kết thấm đẫm vào tâm hồn, cốt cách của mỗi người con đất Việt và tiếp tục là nội dung tư tưởng chính của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đoàn kết trong Đảng, trong Nhân dân; đoàn kết trong ý chí và hành động. Càng khó khăn, phức tạp càng phải đoàn kết thống nhất. Trong thư gửi đồng bào Nam Bộ vào năm 1946, Bác Hồ từng căn dặn: “Tôi khuyên đồng bào đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi, năm ngón tay cũng có ngón vắn, ngón dài. Nhưng vắn dài đều họp nơi bàn tay… Ta phải nhận là con Lạc cháu Hồng thì ai cũng có ít nhiều lòng ái quốc. Đối với những đồng bào lạc lối lầm đường, ta phải lấy tinh thần thân ái mà cảm hóa họ. Có như thế mới thành đại đoàn kết, có đoàn kết thì tương lai chắc sẽ vẻ vang”.
Khát vọng được cống hiến luôn cháy bỏng trong thế hệ trẻ (Ảnh minh họa). |
Tinh thần đoàn kết nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thắp sáng sức mạnh Việt Nam trong hiện tại và mãi mãi sau này. Có thể nói, suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, thời đại Hồ Chí Minh là thời đại huy hoàng bậc nhất về phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết. Người đã khẳng định: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/Thành công, thành công, đại thành công”. Gần đây, trong cuộc chiến chống “giặc COVID-19”, thêm một lần nữa, truyền thống đoàn kết tương thân, tương ái được nhân lên, góp phần đưa đất nước từng bước vượt qua nghịch cảnh. Cũng nhờ vào nguồn sức mạnh nội sinh ấy, trên tinh thần “lá lành đùm lá rách”, Việt Nam được thế giới đánh giá cao về thành tựu xóa đói, giảm nghèo.
Tinh thần đoàn kết quốc tế cũng được Việt Nam đặc biệt chú trọng khi cử hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và giải quyết nhiều vấn đề quốc tế quan trọng, truyền tải thông điệp về đất nước, con người Việt Nam nhân ái, nghĩa tình; là biểu hiện sinh động cho chính sách đối ngoại ưu việt và tinh thần đoàn kết quốc tế cao cả của Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta.
Khơi dậy niềm tin, khát vọng cống hiến
Đất nước ta đang trong quá trình hội nhập và phát triển, vì vậy sự cống hiến của các thế hệ, đặc biệt là thế hệ trẻ vô cùng quan trọng. Nghị quyết 43-NQ/TW “Về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc” của Hội nghị Trung ương 8 Khóa XIII đã đặt ra mục tiêu: Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, niềm tin, khát vọng cống hiến và xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.
Sức mạnh của khối đại đoàn kết đã góp phần tạo nên những giá trị nhân văn , văn hóa đặc sắc của dân tộc (Ảnh: internet). |
Đúng vậy, khát vọng được cống hiến cho Tổ quốc chưa bao giờ vơi cạn trong mỗi người Việt Nam yêu nước. Đã là con Lạc cháu Hồng thì đều thấy trong tim mình “có một phần Đất nước”, đều chung mục tiêu phấn đấu “xây dựng Đất nước ta ngày càng đàng hoàng hơn, tươi đẹp hơn”. Khát vọng ấy khiến con người ta có thể làm được những điều vĩ đại, vượt ra ngoài khả năng và sức lực của mình – một khao khát mang tầm thời đại: “Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt/Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng” (Tổ quốc bao giờ đẹp thế này chăng – Chế Lan Viên); hay những ước mơ vươn tới những tầm cao mới: “Ta lớn lên khao khát những chân trời/Những mảnh đất chân mình chưa bén được” (Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm).
Cũng nhờ khát khao được cống hiến ấy, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Theo đánh giá của các tổ chức uy tín trên thế giới, Việt Nam nằm trong nhóm các quốc gia đang phát triển có tiềm lực mạnh. Năm 2022, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt 8%, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Tất nhiên, nói như Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Lễ kỷ niệm 30 năm phong trào doanh nhân trẻ Việt Nam, không có việc gì dễ dàng, nhưng chúng ta không bi quan mà phải luôn lạc quan, tự tin để vươn lên. “Lịch sử đã hun đúc, trao cho chúng ta sứ mệnh thì chúng ta phải làm và làm tốt hơn” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, với diễn biến phức tạp của tình hình khu vực và quốc tế, càng cho thấy đại đoàn kết toàn dân tộc là cội nguồn sức mạnh để đất nước chúng ta vững bước tiến lên. Đoàn kết để hiện thực hóa khát vọng Non sông – khát vọng đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao, theo định hướng Xã hội chủ nghĩa.
“Mỗi người có suy nghĩ khác nhau, thậm chí yêu nước bằng một cách riêng của mình, nhưng điểm chung nhất để hội tụ mọi người Việt Nam yêu nước là lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc, trở thành nước phát triển có thu nhập cao vào năm 2045 làm điểm tương đồng, là mục tiêu để tập hợp” – Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng.