Cục Công nghiệp và Toyota Việt Nam hỗ trợ các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ
Ngày 10/07/2024, Cục Công nghiệp – Bộ Công Thương và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ khởi động Chương trình Hỗ trợ, tư vấn cải tiến cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa hai bên.
Tham dự tại buổi lễ, về phía Bộ Công Thương có sự hiện diện của Ông Nguyễn Mạnh Hà – Trưởng phòng Công nghiệp hỗ trợ, Cục Công nghiệp; Ông Cao Văn Bình – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp (IDC). Về phía Công ty Ô tô Toyota Việt Nam có sự hiện diện của Ông Keisuke Tokunaga – Giám đốc khối Chiến lược kinh doanh; Ông Hitoshi Ugi – Giám đốc khối Mua hàng cùng đại diện 05 doanh nghiệp sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ được lựa chọn: Công ty CP Tập đoàn Kỹ thuật và Công nghiệp Việt Nam (INTECH GROUP), Công ty TNHH Công nghiệp HAAST Việt Nam, Công ty CP Xuất nhập khẩu Hoà An, Nhà máy Z131, Công ty CP Công nghệ và Thương mại Sigma Việt Nam.
Phát biểu tại buổi Lễ, Ông Nguyễn Mạnh Hà – Trưởng phòng Công nghiệp hỗ trợ, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, Cục Công nghiệp đã phối hợp với Công ty Toyota Việt Nam triển khai chương trình đào tạo và tư vấn sản xuất, tăng cường kết nối giao thương nhằm giúp các doanh nghiệp cải thiện năng suất và năng lực cạnh tranh tham gia sâu vào chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị toàn cầu với nhiều thành công đáng kể.
Ông Nguyễn Mạnh Hà cũng chia sẻ thêm, dựa trên những kết quả tích cực đã đạt được, sự hợp tác giữa hai bên được kỳ vọng sẽ tiếp tục hỗ trợ nhiều doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực quản trị, trình độ kỹ thuật và tái cấu trúc sản xuất theo kinh nghiệm từ Nhật Bản, đồng thời phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành công nghiệp.
Về phía Toyota Việt Nam, Ông Keisuke Tokunaga – Giám đốc khối Chiến lược kinh doanh đã có những nhận định về thực trạng ngành công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện nay. Theo Ông Keisuke Tokunaga, lợi thế của ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam là nguồn nhân lực chất lượng cao với chi phí nhân công thấp. Tuy nhiên, bất lợi khiến ngành công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam chưa phát triển là do sản lượng nhỏ, nguồn nguyên liệu chất lượng cao chưa có, buộc phải nhập khẩu. Đặc biệt, các doanh nghiệp nội địa còn hạn chế về mặt kinh nghiệm, năng lực quản trị sản xuất cũng như gặp nhiều khó khăn trong việc đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, chi phí và giao hàng (Q-C-D).
Bên cạnh đó, Đại diện Toyota Việt Nam cũng khẳng định sự hỗ trợ dành cho các doanh nghiệp nội địa. Ông Keisuke Tokunaga nhấn mạnh, quan điểm của Toyota luôn là mở rộng mạng lưới, phát triển và nâng cao năng lực cho các nhà cung cấp. Chính vì vậy, Toyota là 1 trong những doanh nghiệp có số lượng nhà cung cấp nội địa nhiều nhất tại Việt Nam, với số lượng 13 nhà cung cấp nội địa trên tổng số 59 nhà cung cấp. Toyota luôn nỗ lực theo định hướng của Chính phủ với mục tiêu không chỉ là hợp tác kinh doanh mà còn là hỗ trợ từng bước để các nhà cung cấp trong nước có thể tham gia vào chuỗi cung ứng cho ngành ô tô trên toàn cầu.
Cũng tại buổi Lễ, Ông Dương Nguyên Thành – Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp HAAST Việt Nam, đại diện cho các doanh nghiệp tham gia chương trình hỗ trợ cải tiến đã chia sẻ về những khó khăn và vướng mắc trong việc quản lý quy trình sản xuất và những mong muốn của doanh nghiệp khi tham gia chương trình.
Trong thời gian tới, Cục Công nghiệp và Công ty Ô tô Toyota Việt Nam mong muốn tiếp tục hợp tác trong việc xây dựng hệ thống các nhà cung cấp, góp phần vào sự phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam.