Tập trung phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn

Qua tổng kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24/01/2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Đà Nẵng xác định công nghệ cao trong đó có ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo là một bộ phận quan trọng trong 05 nhóm ngành đột phá, tạo xung lực phát triển nhanh và bền vững cho thành phố. Đây là những lĩnh vực mới, phức tạp nhưng nếu quyết tâm đạt được thì sẽ tạo động lực tăng trưởng mới và đảm bảo sự phát triển bền vững cho thành phố.

Đà Nẵng nhận thức rõ việc thu hút đầu tư và phát triển các lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo không phải là hoạt động mang tính chất phong trào, ngắn hạn, mà là kết quả của một quá trình nghiên cứu, chuẩn bị kỹ càng, dài hạn để phát triển bền vững.

Đà Nẵng đầu tư cho phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn
Đà Nẵng đầu tư cho phát triển và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Theo UBND thành phố Đà Nẵng, từ sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp mối quan hệ hợp tác chiến lược toàn diện (tháng 9/2023) với những tuyên bố chung mạnh mẽ về phát triển công nghiệp bán dẫn; từ tháng 10/2023 cho đến nay, Đà Nẵng đã triển khai quyết liệt và đồng bộ nhiều bước đi quan trọng với hướng chính là tập trung phát triển nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo gắn với liên kết hợp tác với các doanh nghiệp, đối tác lớn, uy tín trong và ngoài nước để thu hút đầu tư, đào tạo nguồn nhân lực và hình thành hệ sinh thái vi  mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo thành phố. 

Cụ thể, Đà Nẵng đã tổ chức Hội thảo ngày 10/10/2023 về giải pháp phát triển nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn Đà Nẵng; tổ chức các chuyến công tác đến Hoa Kỳ, Đài Loan trong tháng 11/2023 và tháng  2/2024, làm việc với các tập đoàn hàng đầu của Hoa Kỳ về thiết kế vi mạch bán dẫn như Synopsys, Nvidia, Marvell, Ampere, Arm, Qualcomm, Intel, Qorvo, MediaTek…

Trong khuôn khổ sự kiện APEC 2023 tại Hoa Kỳ, với sự chứng kiến của Chủ tịch nước Việt Nam, UBND thành phố Đà Nẵng đã ký bản ghi nhớ hợp tác liên quan đến phát triển lĩnh vực bán dẫn trên địa bàn thành phố trong  thời gian tới với Tập đoàn Synopsys.

Ngay sau chuyến công tác tháng 11/2023, lãnh đạo thành phố đã chỉ đạo gấp rút thành lập Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo (Trung tâm DSAC), trực thuộc Sở Thông tin và Truyền thông từ cuối tháng 12/2023 và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 26/01/2024.

Đây được Bộ Thông tin và Truyền thông đánh giá là Trung tâm đầu  tiên của cả nước tổ chức các hoạt động hỗ trợ đầu tư, nghiên cứu, đào tạo và hợp  tác quốc tế trong lĩnh vực vi mạch và trí tuệ nhân tạo của cả nước. Ngay sau khi  thành lập thì Trung tâm DSAC cũng đã ký kết 02 hợp tác chiến lược với Công ty Synopsys và Intel để triển khai hợp tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực vi  mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo cho thành phố. 

Từ sau các chuyến công tác, đã có nhiều lãnh đạo tập đoàn lớn đã đến khảo sát môi trường đầu tư tại thành phố Đà Nẵng như tập đoàn Synopsys, Intel, Qualcomm, Marvell, Nvidia… Các đối tác đánh giá khả quan tiềm năng, cơ hội đầu tư vào lĩnh vực thiết kế vi mạch, trí tuệ nhân tạo của thành phố Đà Nẵng. 

Đồng thời, thống nhất đề xuất hợp tác, hỗ trợ kêu gọi đầu tư về cơ sở hạ tầng và đào tạo nguồn nhân lực về vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo tại thành phố Đà Nẵng để đáp ứng sự phát triển của thành phố và nhu cầu nhân lực của chính các doanh nghiệp. 

DSAC và các Trường Đại học phối hợp trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thiết kế vi mạch, trí tuệ nhân tạo
DSAC và các Trường Đại học phối hợp trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thiết kế vi mạch, trí tuệ nhân tạo

Kiến tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp

Theo thống kê, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng có khoảng 10 doanh nghiệp thiết kế vi mạch như Synopsys, Uniquify, Savarti, Renesas, Synapse, FPT semiconductor, Viettel CNC… với khoảng 550 kỹ sư được đào tạo từ các Trường Đại học Bách khoa và các trường Đại học trên địa bàn thành phố. So với tương quan tổng thể nguồn nhân lực vi mạch, bán dẫn của Việt  Nam, nguồn nhân lực thiết kế vi mạch của thành phố Đà Nẵng chiếm gần 10%. 

Trong Dự thảo Đề án phát triển lĩnh vực vi mạch, bán dẫn và trí tuệ nhân tạo đang được xây dựng, Đà Nẵng dự kiến xác định mục tiêu đào tạo, phát triển nguồn nhân lực thiết kế vi mạch đến năm 2030 là có ít nhất 5000 kỹ sư thuộc lĩnh vực vi mạch, bán dẫn (trong đó có ít nhất 2000 kỹ sư thuộc lĩnh vực thiết kế và 3000 kỹ sư, kỹ thuật viên thuộc lĩnh vực đóng gói, kiểm thử).

Việc xác định mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nhân lực thuộc lĩnh vực vi mạch, bán dẫn của thành phố được xác định dựa trên nhu cầu của các doanh nghiệp đã và đang có dự định đầu tư tại thành phố Đà Nẵng, đồng thời, hướng đến hợp tác đào tạo theo chuẩn quốc tế để cung cấp cho các doanh nghiệp vi mạch, bán dẫn trong và ngoài nước mà thành phố đã và đang thiết lập các mối quan hệ hợp tác, đầu tư.

 Công ty TNHH Synopsys Việt Nam khai trương văn phòng mới tại Đà Nẵng
 Công ty TNHH Synopsys Việt Nam khai trương văn phòng mới tại Đà Nẵng.
Ảnh: danang.gov

Trong nỗ lực kiến tạo môi trường thuận lợi để doanh nghiệp tham gia vào phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, Đà Nẵng đã và đang triển khai nhiều giải pháp, nhiệm vụ, trong đó tập trung vào 3 nhóm giải pháp: (1)Liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp trong công tác đào tạo bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực và thu hút chuyên gia lĩnh vực vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; (2) Chuẩn bị về quỹ đất, cơ sở hạ tầng các khu CNTT tập trung, Công viên phần mềm, công nghệ cao để các doanh nghiệp triển khai dự án và hợp  tác về vi mạch, bán dẫn, trí tuệ nhân tạo; (3) Đà Nẵng đã và đang xây dựng nhiều chính sách thu hút, ưu đãi đầu  tư, hợp tác phát triển trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Theo đó, trên cơ sở các định hướng chính sách hỗ trợ, ưu đãi Quốc hội đã được thông qua, hiện nay Đà Nẵng đang dự thảo xây dựng Nghị quyết quy định chính sách hỗ trợ phát triển lĩnh vực bán dẫn, vi mạch và trí tuệ nhân tạo trên địa bàn thành phố để cụ thể hoá các nội dung ưu đãi hỗ trợ, kịp thời ban hành và áp dụng vào đầu năm 2025, góp phần nhanh chóng kiến tạo môi trường thuận lợi, khuyến khích, thu hút mạnh mẽ các đối tượng theo học ngành bán dẫn, vi mạch và AI, các chuyên gia, trí thức về làm việc, chuyển giao công nghệ, tri thức cũng như có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn và AI của thành phố.

Ngày 30/8 tới đây, thành phố Đà Nẵng sẽ tổ chức sự kiện “Ngày Vi mạch bán dẫn Đà Nẵng năm 2024”. Đây là sự kiện nhằm quảng bá tiềm năng, lợi thế, cơ hội đầu tư của Đà Nẵng trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn, để các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế quan tâm lựa chọn, quyết định đầu tư, tranh thủ thu hút các nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước.