Đại biểu Quốc hội: Đã đủ điều kiện để thị trường hóa xăng dầu, DN được tự do mua bán
Đó là chia sẻ của ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội về việc sửa đổi nghị định xăng dầu đang được Bộ Công thương xây dựng.
Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, ngày 21/10, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đề nghị Quốc hội chủ động phát hiện và tháo gỡ nhanh nhất những “điểm nghẽn” có nguyên nhân từ các quy định của pháp luật. Trong đó, ông nhấn mạnh “Dứt khoát từ bỏ tư duy ‘không quản được thì cấm”.
Tinh thần này cũng được các chuyên gia, doanh nghiệp xăng dầu nhiều lần góp ý cho việc sửa nghị định xăng dầu đang được Bộ Công thương lấy ý kiến.
Tại toạ đàm gần đây góp ý về sửa đổi dự thảo nghị định xăng dầu, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cũng chỉ ra những “điểm nghẽn” của thị trường xăng dầu và hiến kế “vá” những lỗ hổng pháp luật hiện nay. Báo Giao thông lược ghi lại phần hỏi đáp của đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường về vấn đề này..
Ông đánh giá như thế nào về các công cụ điều hành trong hoạt động kinh doanh xăng dầu thời gian qua?
Tôi đánh giá cao công tác điều hành về giá thời gian qua. Bởi vì, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, chịu tác động từ biến động thế giới, bất ổn địa chính trị, hay một sự kiện nào đó…
Tuy nhiên, thời gian qua, chúng ta đã thiết lập được hệ thống phân phối và kiểm soát được thị trường khá bình ổn, không xảy ra tình trạng đứt gãy nghiêm trọng.
Hoặc những giai đoạn đứt gãy của thế giới đã rất nghiêm trọng nhưng chúng ta đã có những giải pháp khắc phục, kiểm soát giá ở mức độ ít biến động hơn cho nền kinh tế.
Thành công này rõ ràng là nhờ chúng ta đã thiết lập được hệ thống phân phối xăng dầu hợp lý.
Để thị trường xăng dầu hoạt động, Chính phủ đã có 1 quyết định và 5 nghị định. Tôi thấy nghị định ra đời ngày “càng ngày càng gần” với thị trường hơn. Tức là chúng ta đã phản ứng bằng cách “cái gì không hợp lý sẽ sửa ngay” để đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Tuy nhiên, việc sửa nhiều như vậy cho chúng ta thấy ‘nghị định chưa hoàn hảo’. Hiện nay, Chính phủ yêu cầu xây dựng một nghị định mới thay thế tất cả các nghị định trước, tôi cho rằng, cần nhìn xa, trông rộng hơn ở lần sửa này.
Xét về các công cụ điều hành giá, thời gian qua, dù điều chỉnh nhiều lần chúng ta vẫn bám vào công cụ chính là giá cơ sở. Nhà nước ban hành giá trần và doanh nghiệp được công bố giá không cao hơn giá trần này.
Thực tế, tất cả các doanh nghiệp đều bám theo giá trần đó để bán, chứ không có chuyện doanh nghiệp này bán giá này, doanh nghiệp kia bán giá kia.
Như vậy, từ chỗ Nhà nước xác định giá cơ sở để làm cơ sở cho doanh nghiệp tính giá, thì thực tế diễn ra là Nhà nước định giá cho thị trường. Dẫn đến tình trạng doanh nghiệp nào cũng bán theo mức giá cao nhất, không còn yếu tố cạnh tranh.
Trong khi, thị trường là “anh nào giỏi, giảm được chi phí tốt sẽ bán giá thấp hơn” để hiệu quả cao hơn. Đây là vai trò của thị trường để thúc đẩy các hoạt động kinh doanh có hiệu quả hơn. Tôi cho rằng đây là vấn đề, chúng ta cần tính đến.
Yếu tố thứ 2 là về thuế, có hai công cụ điều hành phổ biến là thuế xuất nhập khẩu và thuế bảo vệ môi trường. Tôi đánh giá rất cao công cụ thuế là công cụ vĩ mô của Nhà nước về điều hành thị trường. Rất linh hoạt trong thời gian qua, khi đã kịp thời giảm trong thời điểm giá xăng dầu tăng cao để ổn định thị trường.
Yếu tố thứ 3 là quỹ bình ổn. Quỹ này rất nhân văn bởi khi giá giảm thì trích quỹ, tăng thì lấy ra bù.
Tuy nhiên, giai đoạn gần đây, 7 ngày 1 lần điều hành giá cơ sở thì giá đã sát thế giới. Nếu chúng ta chuyển về 1 ngày điều hành giá 1 lần thì rõ ràng không có nhiều sai lệch về giá. Lúc này, vai trò của quỹ không còn ý nghĩa khi tuân thủ quy luật thị trường.
Điều đặc biệt, tôi nhìn thấy thời gian vừa qua, việc sử dụng quỹ này chưa ổn, rất nhiều vấn đề cần quan tâm, thậm chí cả vấn đề tiêu cực.
Do đó, rất cần thiết xem xét lại cơ chế để bình ổn. Trên thế giới đã dùng các công cụ thị trường để bình ổn như thuế, phí, công cụ phái sinh, hoặc quỹ dự trữ. Liệu Việt Nam có áp dụng được không?!
Tôi kỳ vọng, nghị định lần này sẽ tính đến điều chỉnh những yêu cầu trên.
Ông nhắc nhiều đến việc thị trường hóa xăng dầu, vậy, chúng ta đã đủ các điều kiện thực hiện điều này chưa, thưa ông?
Hiện, chúng ta đã ở giai đoạn có đủ các điều kiện để hội nhập vào thị trường. Đó là, nguồn cung xăng dầu hiện nay không phải chỉ phụ thuộc vào quốc tế, bản thân các doanh nghiệp trong nước cũng đáp ứng được nguồn cung khá lớn (gần 70% nhu cầu trong nước – PV). Tất nhiên nguồn đầu vào của các nhà máy lọc hóa dầu vẫn phụ thuộc quốc tế…
Điều này cho thấy, sự chủ động của chúng ta rất cao, nhưng liên thông kinh tế với thế giới hiện nay cũng rất mạnh. Đây là điều kiện để chúng ta có thể hoàn toàn hòa nhập vào thị trường xăng dầu thế giới, chứ không phải là một thị trường riêng.
Tôi cho rằng, hàng hóa đã liên thông mà chúng ta vẫn muốn thiết lập một thị trường riêng theo kiểu xác định không gian riêng thì sẽ không thành công.
Cho nên, tôi đề nghị phải sửa để hàng hóa thực sự liên thông với thế giới.
Chính sách điều hành giá của chúng ta đã xuống 7 ngày điều hành 1 lần, đã dần liên thông rồi, tại sao chúng ta không xuống 1 ngày 1 lần để liên thông tốt hơn?
Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối hiện nay đã nhiều – khoảng 36 doanh nghiệp, tức là tính cạnh tranh giá rất cao, khả năng cạnh tranh cao, không còn độc quyền. Đây là điều kiện, là yếu tố để chúng ta mạnh dạn cho xăng dầu theo kinh tế thị trường.
Kiến nghị cụ thể của ông cho lần sửa này là gì?
Để thực hiện được thị trường xăng dầu, chúng ta cần sửa những điểm như sau:
Thứ nhất, muốn đi theo kinh tế thị trường thì doanh nghiệp phải được tự do mua bán, phải là cạnh tranh hoàn hảo trăm người bán vạn người mua, chứ nếu chỉ có người bán, chỉ có đi mua, thì không phải thị trường.
Nếu thị trường không hoàn hảo, tức là một thị trường giới hạn người bán, người mua thì sẽ là kinh tế thị trường bị sai lệch, nó gọi là thị trường độc quyền.
Cho nên, bắt buộc phải cho phép doanh nghiệp tự do mua bán hàng hóa. Tức là, quy định “ông này chỉ được mua hàng của ông kia” trong dự thảo nghị định không phù hợp.
Bởi lẽ, luật không quy định kiếm tiền là chỉ ông này mua hàng ông kia. Ông này có đủ điều kiện buôn bán xăng dầu rồi, tại sao lại không được mua bán, kể cả là là mua của nhà sản xuất, luật không quy định cấm kiểu này!.
Tôi kiến nghị, khi doanh nghiệp đủ điều kiện để tham gia vào thị trường thì họ cũng có quyền được tìm các nguồn hàng, tìm những người bán hàng tốt.
Chính việc đó sẽ đẩy lên sự cạnh tranh và sẽ tạo ra chiết khấu tốt.
Thực tế hiện nay, có thời kì chiết khấu 50 đồng, 20 đồng, nguyên nhân vì doanh nghiệp đầu mối lỗ nên bóp chiết khấu của hệ thống bán lẻ, vì bán lẻ bắt buộc chỉ được mua một số nguồn mà không thể làm khác.
Vì vậy, khi doanh nghiệp được tự do chọn nguồn hàng thì sẽ không còn chuyện họ đợi chờ một nguồn và lỗ cũng phải bán, tạo một thị trường kinh doanh thiếu ổn định.
Bộ Công thương có đưa ra lý do, nếu cho các doanh nghiệp mua bán tự do thì có thể việc kiểm soát chất lượng xăng dầu có vấn đề… Tôi cho rằng, đây là hai vấn đề khác nhau mà bộ này cần tách bạch, bởi chúng ta đã có các các công cụ kiểm soát chất lượng, kiểm soát quá trình lưu thông…
Yếu tố thứ hai là việc định giá. Tôi đồng tình với Bộ Công thương là phải có một công thức để định giá, công thức gồm những gì được phép tính vào. Bởi nếu không cẩn trọng thì sẽ xảy ra việc doanh nghiệp kinh doanh rất lãi nhưng khai khống lên để trốn thuế.
Tức là, công thức này là cơ sở để doanh nghiệp tự tính giá của mình dựa trên chi phí hợp lý, hợp lệ, chứ không nên quy định khoản này phải từng này. Ví dụ, công thức gồm khoản A, B, C, chứ không quy định A bao nhiêu, B bao nhiêu…
Khi làm được điều này, thì thay vì chúng ta công bố 7 ngày một lần và đưa ra mức giá trần, để doanh nghiệp bám vào, thì doanh nghiệp sẽ tự công bố, có thể họ làm mỗi ngày một lần để tăng cạnh tranh.
Công thức này là cần thiết vì còn liên quan đến các chính sách điều hành vĩ mô của Nhà nước là thuế. Còn lại tăng giảm bao nhiêu thì cần để doanh nghiệp có quyền tự điều chỉnh các chi phí chứ không quy định cứng.
Còn Nhà nước điều hành thông qua cơ chế về thuế. Không chỉ thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, VAT mà còn có thuế thu nhập doanh nghiệp.
Vấn đề thứ ba là vấn đề liên quan đến bình ổn. Có hai phần là dự trữ hàng hóa và quỹ bình ổn xăng dầu.
Về quỹ bình ổn, nếu trước đây chúng ta để thời gian rất dài mới điều chỉnh giá xăng dầu để quỹ này rất tốt, thế nhưng thời gian điều chỉnh rút ngắn lại thì có vẻ không cần nữa, và nếu chúng ta giao dịch từng ngày thì sẽ không cần nữa. Cho nên, quỹ này đã hết sứ mệnh.
Tuy nhiên, bình ổn bằng dự trữ hàng hóa lại rất cần thiết và bắt buộc phải có. Hiện, chúng ta có dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông.
Quy định dự trữ lưu thông 20 ngày, khi để doanh nghiệp tự tính giá thì lo lắng về thiệt chi phí lưu thông hàng sẽ được giải quyết.
Ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam
Giá chúng ta đang quy định “thoát ly” hoàn toàn với giá vốn của doanh nghiệp, nên tạo ra những bất cập quá lớn trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.
Tôi khẳng định, nếu từ nay đến cuối năm, giá thế giới cứ giảm thì không có bất cứ một doanh nghiệp nào tồn tại được, đứt gãy nguồn cung là chuyện khó tránh.
Với cơ chế giá hiện nay, cứ giá lên thì chắc chắn có lãi, còn giá đi xuống liên tục, thì lỗ sẽ rất lớn.
Do đó, cần có cách nhìn cụ thể cho thị trường xăng dầu, nhất là bài toán lỗ lãi và nguồn cung xăng dầu.