Dân chơi “nhà di động” sắp được thừa nhận
Cộng đồng những người yêu thích cắm trại mong ngóng từng ngày quy định trong dự thảo bộ quy chuẩn xe ô tô về motorhome để mở ra hành lang pháp lý, giúp người du lịch bằng ô tô có thể sử dụng loại xe này hợp pháp.
Không gian sống thu gọn trên xe
Khoảng 5 năm trở lại đây, nhu cầu cải tạo ô tô thành xe nhà ở lưu động (mobihome) phục vụ những chuyến đi du lịch xa bằng ô tô, cắm trại ngày càng phổ biến. Trên mạng xã hội, xuất hiện nhiều hội nhóm như: Mobihome Việt Nam, Hội Xe Mobihome & Camping Car Việt Nam… trở thành nơi chia sẻ kinh nghiệm thiết kế, cải tạo, thậm chí thuê, mua bán loại xe này.
Địa điểm dừng xe kéo bạt và cắm trại của gia đình anh Đoàn Kiều Dũng trong hành trình 42 ngày trên xe motorhome.
Trở về sau chuyến đi xuyên Việt dài 42 ngày trên xe nhà di động, anh Đoàn Kiều Dũng (trú tại Hoàng Mai, Hà Nội) thuật lại chuyến đi dài nhất của mình trên chiếc motorhome do chính anh tự tay thiết kế, lắp đặt và trang bị, được đặt tên là chiếc xe T-Love: “Hạ tầng đường sá hiện tại đã đủ tốt cho loại phương tiện này”.
Trên chiếc xe GAZ loại 19 chỗ nhập khẩu từ Nga được hoán cải, các trang bị sinh hoạt gồm chỗ ngủ cho 4 người, chăn gối đệm, nhà vệ sinh, bếp và chậu rửa, nồi niêu bát đĩa, thực phẩm và bàn ăn có thể xếp gọn… được bố trí khoa học chặt chẽ từng milimet.
Trên xe có cả mái bạt xếp che nắng mưa, bộ bàn ghế gấp ngồi ngoài trời. Chiếc xe còn phải mang theo khối pin 11kW để chiếu sáng, chạy đèn quạt, tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ. Lượng nước ngọt dung tích khoảng 500 lít để tắm rửa, xả nước nhà vệ sinh được bố trí khéo léo ở các thùng chứa.
“Mọi tiện ích của không gian sống hàng ngày thu gọn trên một chiếc xe 16 chỗ với diện tích sàn khoảng 8m2. Khi tham gia giao thông như xe bình thường nhưng khi dừng lại, nó biến thành một căn nhà đủ tiện nghi”, anh Dũng nói.
Chi phí cả tỷ đồng
Kỷ niệm đáng nhớ trong chuyến đi của anh Dũng là một lần sa bánh vào chỗ cát lún, không tự lên được, đành phải gọi cứu hộ. Theo anh, kinh nghiệm đắt giá khi cắm trại ở bãi biển, buộc phải khảo sát vị trí đỗ xe và đường vào liệu có nguy cơ cát lún bánh xe hay không.
Giường ngủ được bố trí trên xe motorhome T-Love của anh Đoàn Kiều Dũng.
Chất thải từ trên xe và rác sinh hoạt phải thu gom lại, bỏ rác đúng chỗ. Với chuyến hành trình 42 ngày vừa qua, anh Dũng thường chọn ghé vào trạm xăng để bơm nước ngọt, đồng thời đổ rác sinh hoạt và chất thải nhà vệ sinh.
Anh Dũng cho biết, hiện ở Việt Nam có khoảng hơn 100 xe motorhome đang hoạt động, chủ yếu được xây dựng trên nền tảng hai dòng xe là chiếc GAZ của Nga (loại 19 chỗ) và Hyundai Solati (16 chỗ). Dòng Ford Transit ít được sử dụng làm motorhome do chiều cao và không gian hạn chế.
Chi phí để “lột xác” một chiếc xe minibus 16 – 19 chỗ thành motorhome từ 1,5 – 1,7 tỷ đồng, bao gồm cả giá xe 1 tỷ đồng. Riêng chi phí của phần hoàn thiện nội thất motorhome từ 500 – 700 triệu đồng, tùy trang bị và vật liệu làm nội thất.
Cộng đồng chơi motorhome hiện có hàng nghìn người, trong đó có những người là kiến trúc sư, có người là bác sĩ, rất nhiều người là nghệ sỹ.
Anh Dũng hiện là doanh nhân, chủ tịch một tập đoàn truyền thông nhưng vẫn thích du ngoạn khắp mọi miền cùng vợ con. Anh cho hay, trong cộng đồng chơi xe motorhome, nhiều người vẫn làm việc bình thường trên những chuyến đi, do chiếc xe có thể đáp ứng tốt nhu cầu làm việc trên xe.
“Cởi trói” cho motorhome
Theo anh Bùi Tuấn Khánh (quận Dương Kinh, Hải Phòng), chủ một xe motorhome tự chế từ xe 12 chỗ Toyota Hiace, lâu nay xe của anh chỉ dám đi trong cự ly 20km, từ nhà ra đến quận Đồ Sơn cắm trại và quay về. Nguyên nhân, bởi người chơi dòng xe này vẫn nơm nớp mỗi khi ra đường, do chưa có quy định rõ ràng về loại phương tiện này nên không thể đăng kiểm.
Cộng đồng chơi motorhome hiện có hơn 100 xe đang hoạt động khắp cả nước, nhiều người sống và làm việc trên xe.
“Rất mừng là trong dự thảo quy định mới đã định nghĩa rõ ràng. Thậm chí, việc cho nhập khẩu loại xe motorhome qua sử dụng, đã được tân trang (theo Nghị định 66/2024) sẽ mở đường cho loại phương tiện này về Việt Nam một cách đàng hoàng”, anh Khánh nói.
Anh Đoàn Kiều Dũng nhận định, có quy chuẩn về motorhome, có nghĩa loại xe này được công nhận chính thức, anh có thể lái motorhome qua các nước ASEAN với giấy tờ xe hợp lệ, bằng lái quốc tế. Sự thừa nhận phương tiện chính thức sẽ thúc đẩy các chuyến du lịch bằng xe nhà di động phát triển.
Về mặt kinh doanh, những xưởng chuyên độ xe motorhome cũng như các bên bán phụ kiện thiết bị sẽ phát triển, giúp người chơi dễ tiếp cận các trang bị mới nhất.
Góp ý vào quy định sắp ban hành, anh Đoàn Kiều Dũng cho rằng, có một số điểm cần cập nhật vào quy định để hoàn thiện. Thứ nhất là về chu kỳ đăng kiểm, áp dụng theo niên hạn sử dụng, đối với xe cũ nhập khẩu (có năm sản xuất từ 2015 trở lại đây) nên áp dụng chu kỳ đăng kiểm 1 năm.
Thứ hai là về phí bảo trì đường bộ, nên áp dụng như xe con cùng số chỗ ngồi (đối với motorhome là số chỗ nằm). Thứ ba là về bằng lái, người lái xe motorhome nên được sử dụng bằng lái hiện hành là B2, do số chỗ ngồi của dòng xe này sau hoán cải đều dưới 9 chỗ, thông thường chỉ thiết lập 2 chỗ ngồi trên cabin và 4 chỗ nằm ở khoang sau.
Trong dự thảo quy định mới (sửa đổi thành QCVN 09:2024/BGTVT), cơ quan quản lý đã định nghĩa rõ ràng: Xe nhà ở lưu động (Recreational Vehicle; Motor Caravans; Motorhome hoặc Mobilehome) là loại xe ô tô chở người chuyên dùng được thiết kế có khoang sinh hoạt với các trang thiết bị tối thiểu: Không gian ngủ (có thể được chuyển đổi từ ghế ngồi), thiết bị bếp nấu ăn, bàn, ghế, kho hoặc tủ chứa đồ khác.
Dự thảo nêu rõ các điều kiện, trang bị an toàn cần thiết, cũng như các quy chuẩn tối thiểu nhằm đảm bảo tốt việc sinh hoạt trên xe, như kích thước tối thiểu của giường, cửa, hệ thống điện sinh hoạt phải tách rời hệ thống điện của xe, có trang bị cầu chì, các thiết bị nấu ăn phải được cố định… cùng nhiều các quy định khác.