Đề xuất cho phép ngồi nhà đăng ký thuê bao chính chủ
Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất bổ sung hình thức đăng ký thuê bao viễn thông trực tuyến, cho phép người dân có thể đăng ký thuê bao mà không cần đến điểm giao dịch của nhà mạng.
Đây là một trong những điểm mới trong dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Viễn thông 2023, đang được Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến đến đầu tháng 4. Luật Viễn thông mới sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7.
Theo dự thảo, việc đăng ký thông tin thuê bao được thực hiện theo các hình thức gồm: Trực tiếp tại điểm do doanh nghiệp viễn thông sở hữu, thiết lập, tại các địa điểm được ủy quyền và trực tuyến thông qua sử dụng phần mềm, ứng dụng do doanh nghiệp sở hữu, thống nhất.
Như vậy, dự thảo đã bổ sung hình thức đăng ký trực tuyến. Việc thiết lập các điểm giao dịch hoặc phần mềm, ứng dụng đăng ký sẽ tuân thủ quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Trước đó, Cục Viễn thông từng thí điểm sử dụng ứng dụng trực tuyến để rà soát, chuẩn hóa thông tin, giúp người dân không cần đến điểm giao dịch của nhà mạng.
Một số nhà mạng sau đó cũng áp dụng giải pháp này để triển khai việc đăng ký thuê bao và kích hoạt sim qua hình thức online.
Tuy nhiên đến tháng 10/2023, việc thử nghiệm đã dừng lại do chưa có quy định cho phép. Ngoài ra, trong quá trình thí điểm, nhiều ý kiến lo ngại việc đăng ký online nếu không được kiểm soát tốt sẽ tiềm ẩn rủi ro phát sinh sim không chính chủ, sim rác.
Với đề xuất mới, để có thể đăng ký số thuê bao trực tuyến, tổ chức, cá nhân sẽ phải xuất trình bản gốc, bản sao được chứng thực từ bản gốc, bản điện tử/thông điệp dữ liệu có giá trị như bản gốc giấy tờ tùy thân bao gồm thẻ căn cước và các giấy tờ có giá trị tương đương còn thời hạn sử dụng.
Người có quốc tịch nước ngoài sẽ phải xuất trình hộ chiếu còn thời hạn sử dụng ở Việt Nam theo thị thực nhập cảnh hoặc theo thời hạn lưu trú tối đa với các nước được miễn thị thực.
Đối với người chưa đủ tuổi thành niên, chưa có thẻ căn cước, việc đăng ký thông tin phải do cha, mẹ hoặc người giám hộ thực hiện. Trong đó, ngoài giấy tờ xuất trình theo quy định, cha, mẹ hoặc người giám hộ có trách nhiệm xuất trình giấy tờ chứng minh quan hệ.
Dự thảo Nghị định cũng quy định rõ, với mỗi mạng viễn thông, đối với ba số thuê bao đầu tiên, cá nhân, tổ chức xuất trình giấy tờ và ký vào bản giấy hoặc bản điện tử bản xác nhận thông tin thuê bao.
Với số thuê bao thứ 4 trở lên, sẽ phải thực hiện giao kết hợp đồng theo mẫu với doanh nghiệp viễn thông di động tại điểm có địa chỉ xác định do doanh nghiệp viễn thông thiết lập.
Sau khi nhận giấy tờ của cá nhân, tổ chức giao kết hợp đồng, đăng ký thuê bao, doanh nghiệp viễn thông có trách nhiệm đối chiếu, kiểm tra và xác thực thông tin theo quy định.
Với trường hợp xuất trình giấy tờ không đúng quy định hoặc bản số hóa của giấy tờ không rõ ràng, thiếu thông tin hoặc có thông tin không được xác thực, nhà mạng có thể từ chối giao kết hợp đồng, cung cấp dịch vụ.
Doanh nghiệp viễn thông chỉ được cung cấp dịch vụ cho thuê bao sau khi đã hoàn thành đăng ký thông tin và hoàn thành việc xác thực, lưu giữ thông tin thuê bao đầy đủ, chính xác theo quy định.