Địa phương phát triển công nghiệp hỗ trợ: Cần hành động thiết thực hơn nữa
Trong bối cảnh các chuỗi cung ứng tiếp tục xu hướng dịch chuyển, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội để tạo ra những bước phát triển mới cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Để làm được điều này, cùng với sự định hướng, đồng hành từ Trung ương, thì vai trò hỗ trợ, sát cánh cùng doanh nghiệp từ phía các địa phương là vô cùng quan trọng.
Bộ Công Thương tích cực đồng hành, địa phương chủ động thúc đẩy
Trao đổi tại Tọa đàm “Tạo lực hút cho công nghiệp hỗ trợ: Vai trò từ địa phương” do Tạp chí Công Thương tổ chức, ông Phạm Tuấn Anh – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, Bộ Công Thương luôn phối hợp rất chặt chẽ với các địa phương để triển khai chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Từ năm 2022, Bộ Công Thương đã thành lập một tổ công tác gồm các đơn vị chuyên môn thuộc Bộ, trong đó Cục Công nghiệp là đơn vị thường trực, để làm việc với các địa phương.
“Chúng tôi đã làm việc với khoảng 15 địa phương nhằm trao đổi những nội dung về các chính sách của Trung ương đã ban hành và trên cơ sở đặc thù của từng địa phương thì tiếp tục xây dựng những chính sách cho phù hợp với các địa phương”, ông Tuấn Anh cho hay.
Mặt khác, Bộ Công Thương cũng thường xuyên phối hợp với các địa phương và các doanh nghiệp FDI lớn trong việc phát triển các nhà cung cấp nội địa. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành cùng với các địa phương để xây dựng những chính sách thu hút đầu tư vào các địa phương, đặc biệt đã xây dựng hai trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp tại phía Bắc và phía Nam để chung tay cùng với các địa phương hỗ trợ nâng cao năng lực cho các doanh nghiệp.
Ông Phạm Tuấn Anh đánh giá, một số địa phương có tiềm năng phát triển công nghiệp hỗ trợ lớn như Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng,… trong thời gian vừa qua, trên cơ sở những chính sách chung của Trung ương, đã chủ động ban hành những chính sách cho riêng địa phương mình. Những chính sách này tập trung chủ yếu vào một số nội dung như hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo nguồn nhân lực, giúp các doanh nghiệp tiếp cận được vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
“Vai trò của các địa phương ở đây là rất lớn”, ông Phạm Tuấn Anh nhấn mạnh.
Theo Sở Công Thương Hải Phòng, nhìn chung, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố đã cơ bản tham gia tích cực vào chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ Thành phố và cũng có một số đề án đã xin được hỗ trợ. Việc triển khai chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ cùng các chương trình khác của Thành phố, cũng như các giải pháp hỗ trợ về hạ tầng; về cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; về nhân lực; về công nghệ, đổi mới sáng tạo,… đã thúc đẩy các doanh nghiệp hình thành và triển khai một số ý tưởng để đẩy mạnh cải tiến quản trị doanh nghiệp, cải tiến công nghệ sản xuất.
Tuy nhiên, ông Lê Khắc Bảo – Phó trưởng Phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương Thành phố Hải Phòng cũng thẳng thắn cho rằng, doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn trong tham gia vào chuỗi giá trị của các tập đoàn lớn mà Thành phố đã thu hút đầu tư trên địa bàn như LG, Bridgestone,…
Để triển khai hiệu quả chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn, Sở Công Thương Hải Phòng đã tham mưu Thành phố tiếp tục triển khai các chính sách, hoạt động hỗ trợ như:
Thứ nhất, tiếp tục đầu tư phát triển các khu, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố. Thứ hai, tiếp tục cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, giải quyết các công việc hành chính nâng lên cấp độ ba, cấp độ bốn.
Thứ ba, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực lực cao, quản trị doanh nghiệp.
“Chúng tôi cũng đang đề xuất để khi các doanh nghiệp lớn đến Thành phố thì phải có một số ràng buộc, ví dụ như về chuyển giao công nghệ, hay là cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể tham gia vào một chuỗi nào đó trong sản xuất để thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, đảm bảo mục tiêu theo chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ Thành phố đặt ra là 60% các sản phẩm công nghiệp do các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn trong nước sản xuất”, ông Lê Khắc Bảo thông tin.
Mô hình Bộ – doanh nghiệp – địa phương phát huy hiệu quả
Đáng chú ý, mô hình hợp tác phát triển công nghiệp hỗ trợ giữa Trung ương, chính quyền địa phương và các doanh nghiệp đầu tàu là một trong những chương trình hợp tác điển hình mà Bộ Công Thương đã triển khai, ghi nhận nhiều kết quả tích cực.
Ông Nguyễn Trung Hiếu – Trưởng Ban Kế hoạch kinh doanh Công ty Ô tô Toyota Việt Nam chia sẻ, sau 3 năm triển khai, chương trình hợp tác giữa Bộ Công Thương và Toyota Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả bất ngờ. Rất nhiều nhà cung ứng sau khi tham gia chương trình đã hiểu biết sâu sắc và chủ động áp dụng được hệ thống 5S một cách phù hợp. Các vấn đề về an toàn lao động, về hoạt động Kaizen trong nhiều lĩnh vực cũng đã được thực hiện và đạt được kết quả tốt, ví dụ như giảm tồn kho, tiết kiệm diện tích nhà xưởng, loại bỏ thiết bị không cần thiết, tăng năng suất lao động,…
Toyota Việt Nam đã lựa chọn và cử những chuyên gia lâu năm có kinh nghiệm và cũng có khả năng truyền đạt kiến thức, hiểu biết đến thực hiện tư vấn, phát hiện các vấn đề, chung tay với các nhà cung ứng để đưa ra giải pháp khắc phục, xử lý và qua đó giúp các doanh nghiệp được lựa chọn này có thể từng bước nâng cao chất lượng, cắt giảm các chi phí cũng như nâng cao trình độ tay nghề của người lao động, giúp các nhà cung ứng này từng bước tiến lên trong chuỗi giá trị và có thể là tiệm cận đến việc có thể cung ứng được linh kiện trước mắt là cho Toyota Việt Nam.
“Chúng tôi cũng rất vui mừng được biết là nhiều nhà cung ứng sau khi tham gia chương trình này thì cũng đã có rất nhiều đơn hàng từ các nhà sản xuất ô tô khác đặt hàng. Ngoài ra, trong quá trình sàng lọc thì chúng tôi cũng chọn ra được một số các nhà cung ứng ở cấp hai, cấp ba và chúng tôi giới thiệu họ cho các nhà cung cấp cấp một để tạo thành một chuỗi giá trị mà có chất lượng xuyên suốt”, ông Hiếu cho biết.
Ông Dương Minh Hải – Giám đốc Sản xuất Công ty Cổ phần Công nghiệp KIMSEN cho biết, trong quá trình triển khai dự án đầu tư từ năm 2013, nhờ sự tạo điều kiện rất thuận lợi của các cơ quan ban, ngành của tỉnh Bắc Ninh, trong vòng hai năm KIMSEN đã đưa vào vận hành nhà máy sản xuất nhôm thanh tại khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh.
Nhờ sự hỗ trợ, kết nối của Bộ Công Thương, Công ty đã có cơ hội tham gia vào các dự án hỗ trợ cải tiến của Samsung, Toyota, từ đó xây dựng định hướng chiến lược chuyển sang phát triển lĩnh vực gia công cơ khí cho ngành công nghiệp hỗ trợ. Đến năm 2022, KIMSEN đã xây dựng thêm được một khối nhà xưởng quy mô 7.500m2 để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của mình.
Đến nay, những sản phẩm của KIMSEN đã tham gia cung cấp cho các tập đoàn đa quốc gia, các công ty FDI hoạt động tại Việt Nam và xuất khẩu. Tính đến thời điểm hiện nay, khoảng trên 50% sản lượng của Công ty là dành cho các hoạt động xuất khẩu trực tiếp và các doanh nghiệp FDI.
Bên cạnh việc tư vấn cải tiến hiện trường, KIMSEN cũng được sự hỗ trợ của Trung tâm Phát triển Công nghiệp, Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương trong việc đào tạo các kỹ sư, các chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo khuôn mẫu, lập trình các chương trình CNC, những sản phẩm yêu cầu có độ chính xác cao.
“Chúng tôi đánh giá rất cao đối với những chính sách và hoạt động thiết thực của các cơ quan quản lý nhà nước và các đối tác mà Bộ Công Thương đã kết nối, giúp cho KIMSEN trong giai đoạn chúng tôi đang chuyển mình tham gia vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ”, ông Hải khẳng định, cho biết doanh nghiệp mong muốn được tham gia vào nhiều hơn nữa những chương trình thế này.
Cần tăng cường hơn nữa vai trò của địa phương
Đánh giá cao sự đồng hành và hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc đã đóng góp rất quan trọng vào sự phát triển của doanh nghiệp, ông Nguyễn Thành Trung – Giám đốc CNCTech Thăng Long, Tập đoàn CNCTech cho biết, ngoài những nhu cầu, tiêu chí truyền thống như chất lượng, giá cả, tiến độ, các khách hàng quốc tế hiện nay có những tiêu chuẩn mà muốn đồng hành với họ thì nhà cung cấp Việt Nam phải đáp ứng được, như trách nhiệm xã hội, sản xuất thông minh, phát triển xanh, phát triển bền vững,…
Những yêu cầu này cũng chính là định hướng phát triển của CNCTech trong tương lai.
Về sản xuất công nghiệp hỗ trợ và công nghệ, CNCTech đang hợp tác với các công ty lớn trên thế giới để trao đổi, học hỏi thêm về kinh nghiệm, kiến thức cũng như hình thành cơ sở để có thể tạo ra được một hệ sinh thái hoàn chỉnh, hay còn gọi là một điểm đến, một điểm chạm để khi khách hàng đến thì CNCTech có thể hỗ trợ và có thể làm được tất cả, đáp ứng được tất cả các nhu cầu của khách hàng.
Về hạ tầng công nghiệp, CNCTech đã xây dựng một hệ sinh thái hoàn thiện để các doanh nghiệp FDI đến đầu tư có thể kết nối được với công ty, doanh nghiệp trên thế giới cũng như các công ty Việt Nam, qua đó hình thành một hệ sinh thái có thể hỗ trợ nhau, đôi bên cùng có lợi, để làm sao tạo ra được nhiều giá trị dài hạn nhất.
Đại diện CNCTech mong muốn tiếp tục nhận được sự đồng hành và hỗ trợ của các cấp chính quyền để không chỉ CNCTech mà tất cả các doanh nghiệp Việt Nam được tạo điều kiện, có một môi trường thuận lợi để phát triển, đầu tư, cạnh tranh lành mạnh với các công ty ở trên toàn cầu.
“Rất mong các tỉnh thành tiếp tục tạo môi trường đầu tư thuận lợi, tối ưu hóa các thủ tục hành chính, tháo gỡ nhanh các khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp và đồng thời cần có các chính sách ưu đãi về thuế suất, đảm bảo mức tín dụng, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, gia tăng kết nối, hợp tác với cả các doanh nghiệp trong nước cũng như quốc tế để có thể tạo được một hệ sinh thái sản xuất Make in Vietnam”, ông Nguyễn Thành Trung bày tỏ.
Về phía mình, Bộ Công Thương cho biết đang và sẽ tiếp tục đề xuất, tham mưu cấp có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo hành lang pháp lý cho ngành công nghiệp nói chung cũng như công nghiệp hỗ trợ tiếp tục phát triển. Bên cạnh đó, Bộ cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương trong việc xây dựng các chính sách tại địa phương để làm sao hỗ trợ được trực tiếp cho các doanh nghiệp; xây dựng các cơ chế ràng buộc về chuyển giao công nghệ, nội địa hóa trong quá trình thu hút đầu tư.
“Để phát triển được ngành công nghiệp hỗ trợ, các địa phương phải rất sát sao, và theo tôi để làm tốt công tác này thì trong chính sách thu hút đầu tư của địa phương cũng nên đâu đó có sự ràng buộc đối với các nhà đầu tư khi mà đầu tư vào, được hưởng các chính sách ưu đãi thì cũng phải có trách nhiệm đối với các doanh nghiệp của Việt Nam, ví dụ như có thể trong một thời gian nhất định đưa một số lượng nhất định doanh nghiệp của Việt Nam tham gia được vào cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp FDI”, ông Phạm Tuấn Anh gợi ý.