Điểm mới về quy định xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 43/2024/NĐ-CP ngày 19/4/2024 quy định chi tiết về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 06/6/2024.
Nghị định số 43/2024/NĐ-CP ngày 19/4/2024 thay thế Nghị định số 123/2014/NĐ-CP ngày 25/12/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ. Và có một số nội dung mới của Nghị định 43/2024/NĐ-CP so với Nghị định số 123/2014/NĐ-CP.
Nghị định có 5 chương và 20 Điều
Chương I. Quy định chung (gồm 05 Điều từ Điều 1 đến Điều 5): Chương này chủ yếu quy định Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Nghị định; giải thích các từ ngữ của Nghị định (như: Nghề thủ công mỹ nghệ, Nghề thủ công mỹ nghệ đặc thù, Sản phẩm thủ công mỹ nghệ) để thống nhất cách hiểu, áp dụng. Chương này cũng quy định thời gian xét tặng danh hiệu; Quyền và nghĩa vụ của cá nhân được phong tặng “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú”.
Chương II. Tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” (gồm 02 Điều từ Điều 6 đến Điều 7): Chương này quy định cụ thể về tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.
Chương III. Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” (gồm 04 Điều, từ Điều 8 đến Điều 11): Chương này quy định cụ thể về nhiệm vụ, nguyên tắc làm việc của Hội đồng; thành lập, số lượng, thành phần của từng cấp Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ: Hội đồng cấp tỉnh, Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ, Hội đồng cấp Nhà nước.
Chương IV. Hồ sơ, quy trình và thủ tục đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” (gồm 06 Điều, từ Điều 12 đến Điều 17): Chương này quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự, thủ tục đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ tại từng cấp Hội đồng bảo đảm sự minh bạch, thuận lợi và khoa học.
Chương V. Điều khoản thi hành (gồm 03 Điều, từ Điều 18 đến Điều 20): Chương này quy định hiệu lực thi hành, trách nhiệm tổ chức thực hiện Nghị định của Bộ Công Thương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và trách nhiệm thi hành của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan. Đồng thời quy định các cá nhân có hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” đáp ứng quy định, đã gửi đến Sở Công Thương trước ngày Nghị định có hiệu lực, đang trong quá trình xét tặng theo quy định tại Nghị định số 123/2014/NĐ-CP ngày 25/12/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ thì tiếp tục thực hiện theo Nghị định số 123/2014/NĐ-CP.
Một số nội dung mới của Nghị định 43/2024/NĐ-CP so với Nghị định số 123/2014/NĐ-CP
Thứ nhất, về đối tượng xét tặng: Làm rõ về đối tượng xét tặng, không áp dụng đối với cá nhân đang được xét tặng hoặc được tặng danh hiệu “ Nghệ nhân nhân dân”, “ Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể và nghề thủ công truyền thống (do Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chủ trì thực hiện)
Thứ hai, về giải thích về từ ngữ: Bổ sung giải thích từ: Nghề thủ công mỹ nghệ, nghề thủ công mỹ nghệ đặc thù, sản phẩm thủ công mỹ nghệ.
Thứ tư, về thời gian xét: Quy định về thời gian tổ chức hoạt động xét của từng cấp hội đồng (Hội đồng cấp tỉnh không quá 90 ngày, Hội đồng cấp chuyên ngành không quá 120 ngày, Hội đồng cấp Nhà nước không quá 120 ngày).
Đồng thời, phân cấp cho Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức Lễ công bố Quyết định phong tặng của Chủ tịch nước và trao tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ cư trú tại địa phương.