Độ ăng ten vây cá mập, cánh lướt gió xe hơi có được đăng kiểm?
Ăng ten vây cá mập, cánh lướt gió xe hơi là những trang bị được nhiều chủ xe lựa chọn để làm đẹp cho xế cưng. Tuy nhiên, cũng nhiều lo ngại về việc có bị từ chối khi đưa xe đi kiểm định hay không?
Báo Giao thông vừa nhận được câu hỏi của bạn đọc về việc ô tô cá nhân độ ăng ten vây cá mập và cánh lướt gió phía sau xe, khi đi đăng kiểm có bị từ chối hay không?
Về vấn đề này, lãnh đạo một trung tâm đăng kiểm xe cơ giới ở Hà Nội cho biết, một trong những xu hướng làm đẹp cho “xế cưng” phổ biến của các chủ xe hiện nay đó là thay đổi ăng ten “đuôi chuột” cơ bản thành ăng ten vây cá mập, “độ” thêm cánh lướt gió giúp xe thêm phần thể thao, bắt mắt hơn.
Về cơ bản, các thay đổi này không làm ảnh hưởng đến chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới.
Ngoài ra, tại Thông tư 43/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung Thông tư 85/2014/TT-BGTVT quy định về cải tạo phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, Bộ GTVT đã bổ sung quy định các trường hợp có sự thay đổi nhưng không coi là cải tạo, chủ xe khi đưa xe đi đăng kiểm vẫn được kiểm định để cấp giấy chứng nhận và tem kiểm định.
Trong đó, có trường hợp thay đổi về kiểu dáng một số chi tiết của phần thân vỏ xe như: lưới tản nhiệt trước xe, cánh lướt gió.
Do đó, với chủ xe “độ” ăng ten vây cá mập, cánh lướt gió xe hơi, đến thời hạn đăng kiểm có thể đưa xe đến kiểm định mà không phải lo bị từ chối kiểm định.
Tuy nhiên, chủ xe khi lắp đặt các trang bị này cần lưu ý đảm bảo kích thước và khối lượng cơ bản của ô tô sai lệch không vượt quá giới hạn sai số cho phép được quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sai số cho phép và làm tròn số đối với kích thước, khối lượng của xe cơ giới (QCVN 12:2011/BGTVT).
Điều này cũng cần tuân thủ khi chủ xe lắp đặt thêm thêm mui gió trên nóc ca bin ô tô tải, bậc bước chân lên xuống, trang trí ống xả, đai trang trí bảo hiểm đèn chiếu sáng, đèn tín hiệu mà không làm thay đổi kích thước bao ngoài của xe.
Bên cạnh đó, theo các đơn vị đăng kiểm, hiện nay, còn phổ biến tình trạng lắp đặt giá nóc ô tô con để dễ dàng vận chuyển đồ đạc mỗi chuyến đi xa. Với trường hợp này, ô tô có sự thay đổi được coi là cải tạo phương tiện, tuy nhiên chủ xe không cần lập hồ sơ thiết kế cải tạo.
Thay vào đó, khi đưa xe đi đăng kiểm vẫn cần hồ sơ đề nghị nghiệm thu bao gồm văn bản đề nghị nghiệm thu xe cơ giới cải tạo, nộp cho đơn vị đăng kiểm.
Trung tâm đăng kiểm sẽ tiến hành song song việc nghiệm thu xe cơ giới cải tạo và kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới để cấp giấy chứng nhận kiểm định cũng như tem kiểm định cho phương tiện.
Phòng Kiểm định xe cơ giới – Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, khi cải tạo lắp đặt giá nóc của ô tô con, ô tô đầu kéo, chủ xe cần đề nghị các đơn vị cải tạo ghi bổ sung thêm chiều cao của ô tô trước khi lắp đặt giá nóc để đơn vị đăng kiểm, người sử dụng nắm được khi tháo hoặc lắp phần giá nóc này, đảm bảo sự phù hợp với kích thước và khối lượng cơ bản của ô tô.