Tư vấn - xây dựng và lắp đặt nhà nuôi chim yến

Đồng thuận sẻ chia

GD&TĐ – Sau 2 phiên đàm phán, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 là 6%, áp dụng từ ngày 1/7/2024.

Đồng thuận sẻ chia
Minh họa/INT

Với mức tăng này, lương tối thiểu vùng I có thể tăng từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng. Vùng II từ 4,16 triệu đồng/tháng lên 4,41 triệu đồng/tháng. Vùng III tăng từ 3,64 triệu đồng/tháng lên 3,86 triệu đồng/tháng và vùng IV tăng từ 3,25 triệu đồng/tháng lên 3,45 triệu đồng/tháng.

Như vậy, thời điểm tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 không như thông lệ là 1/1 nhưng lại được “chốt” khá nhanh, chỉ sau hai phiên họp và đương nhiên cũng có quan điểm, ý kiến khác nhau của các bên tham gia đàm phán về mức tăng.

Cụ thể, theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Ngọ Duy Hiểu thì tổ chức công đoàn đề xuất mức tăng khoảng 6,5 – 7,3%. Thời điểm tăng từ ngày 1/7/2024 để bảo đảm đồng bộ với thời điểm triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang… theo Nghị quyết số 27.

Về đề xuất mức tăng cao hơn so với phiên họp lần trước, ông Hiểu cho biết, đó là dựa trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế – xã hội, đồng thời cân nhắc nhiều mặt gồm cả trách nhiệm chia sẻ với người sử dụng lao động. Mặt khác, do thời điểm tăng lương tối thiểu đã phải lùi lại 6 tháng nên cần phải nâng mức tăng để bù đắp cho người lao động.

Còn theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Phó Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Hoàng Quang Phòng, dù đồng tình cần điều chỉnh lương tối thiểu vùng như mong muốn của tổ chức đại diện người lao động nhưng mức tăng như đề xuất là chưa phù hợp với tình hình. Mức tăng phù hợp có thể từ 4,5 – 5% vì phải tính đến “sức khỏe” của doanh nghiệp.

Ông Phòng nhấn mạnh thêm rằng, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng là cần thiết bởi lương khu vực công điều chỉnh thì khu vực doanh nghiệp cũng cần thực hiện tương ứng. Thế nhưng hiện doanh nghiệp cũng rất khó khăn, nhiều doanh nghiệp đang phải “gồng mình” để duy trì việc làm cho người lao động.

Mặt khác, thị trường trong nước cũng khó khăn ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu. Các chuỗi cung ứng cũng bị ảnh hưởng khiến đơn hàng giảm, việc làm của người lao động cũng bị giảm.

Do đó, để có mức tăng cụ thể, các bên cần thương lượng, đàm phán, hài hòa dựa trên việc cân đối chỉ số giá tiêu dùng, năng lực sản xuất, chi trả và các điều kiện khác như sức chịu đựng, năng lực chi trả của doanh nghiệp…

Tăng lương tối thiểu vùng luôn là mong mỏi, là nguyện vọng chính đáng bởi đời sống người lao động còn gặp rất nhiều khó khăn, nhất là trong bối cảnh những tác động hậu Covid-19 vẫn còn hiện hữu và có những ảnh hưởng tiêu cực tới đời sống cũng như kinh tế – xã hội.

Bởi vậy, dù theo quy định, lương tối thiểu được điều chỉnh dựa trên các yếu tố như mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình; chỉ số giá tiêu dùng, tốc độ tăng trưởng kinh tế; quan hệ cung, cầu lao động… nhưng đây mới chỉ là điều kiện cần. Điều kiện đủ phải là khả năng chi trả của doanh nghiệp.

Và khi cả doanh nghiệp và người lao động cùng khó khăn thì điều quan trọng nhất là sự đồng thuận sẻ chia. Từ sự đồng thuận sẻ chia sẽ có được mức tăng lương tối thiểu vùng phù hợp cả về lý và tình. Năm 2024 này là ví dụ, dù đây là quyết định khá khó khăn bởi nhiều nguyên nhân.

công ty TNHH DKK

Bạn cũng có thể thích
Dark mode