tpnest.asia - Chuyên thiết bị âm thanh nhà yến

Dựa vào đâu để tăng trưởng?

GD&TĐ – Trong phiên họp sáng 16/10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về tình hình kinh tế – xã hội năm 2023 và dự kiến kế hoạch năm 2024.

Minh họa/INT

Minh họa/INT

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cho biết, tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể. 9 tháng của năm 2023, GDP chỉ tăng 4,24% so với cùng kỳ. Kết quả này tạo áp lực rất lớn về tăng trưởng cho quý cuối năm, đồng thời, việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2023 trở nên hết sức khó khăn. “Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2023 đạt 6,5% là thách thức lớn; không dễ đạt được trong bối cảnh kinh tế hiện nay”, Ủy ban Kinh tế nhận định.

Dù vậy, khi xây dựng kế hoạch năm 2024, Chính phủ đề xuất phương án tăng trưởng GDP năm 2024 từ 6 – 6,5% và tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân là 4 – 4,5% và không nêu luận cứ của đề xuất này.

Trong khi đó, các rủi ro tiềm ẩn từ môi trường kinh tế thế giới vẫn hiện hữu và có thể tác động tiêu cực lên triển vọng phục hồi của nước ta. Đáng chú ý là tăng trưởng kinh tế thế giới thấp, nguy cơ suy thoái còn hiện hữu.

Các nền kinh tế phát triển đầu tàu và là đối tác thương mại lớn của Việt Nam tiềm ẩn nhiều rủi ro suy thoái do diễn biến khó lường và còn có khả năng kéo dài của xung đột quân sự Nga – Ukraine, căng thẳng địa chính trị, diễn biến bầu cử ở các nước lớn năm 2024 và chính sách tiền tệ thắt chặt của các nước.

Cùng với đó, lạm phát cao dai dẳng, kéo theo chính sách duy trì thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương lớn – điều này một mặt cản trở đầu tư và tiêu dùng, mặt khác đẩy rủi ro của hệ thống tài chính toàn cầu lên cao. Thời gian tới, hiện tượng thời tiết bất lợi El Nino cùng với những xung đột địa chính trị có thể gây ra các cú sốc cung, khiến giá cả hàng hóa thế giới có thể tăng trở lại và lạm phát toàn cầu khó giảm nhanh về mức mục tiêu như mong đợi.

Ở trong nước, bên cạnh những yếu tố thuận lợi kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, song các rủi ro vẫn còn hiện hữu. Năng lực cung ứng vốn của nền kinh tế còn hạn chế, phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng trong khi thị trường vốn, nhất là thị trường trái phiếu doanh nghiệp còn tiềm ẩn nhiều rủi ro; hệ thống ngân hàng cũng còn chưa thể hóa giải mối lo nợ xấu.

Thị trường bất động sản tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, Trung Quốc – đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam – phục hồi không ổn định sau đại dịch Covid-19 sẽ làm tăng rủi ro đối với tăng trưởng kinh tế của nước ta…

Nhìn lại một số năm gần đây, kết quả thực hiện và mục tiêu đề ra không sát, nhất là các chỉ tiêu quan trọng như tăng trưởng và lạm phát. Đơn cử, năm 2022, mục tiêu GDP khoảng 6 – 6,5%, kết quả thực hiện là 8,02%; năm 2023, mục tiêu khoảng 6,5% và kết quả nhiều khả năng thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu (6 tháng tăng 3,72%).

Bên cạnh đó, khi trình Quốc hội kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, Chính phủ đề xuất nới chỉ tiêu tốc độ tăng CPI bình quân lên khoảng 4,5%, cao hơn 0,5 điểm % so với mục tiêu của các năm trước nhưng thực tế, bình quân 8 tháng chỉ số CPI tăng 3,1% so với cùng kỳ và ước cả năm khoảng 3,5%, thấp hơn khá nhiều so với mục tiêu đề ra.

Vì thế, Chính phủ cần làm rõ căn cứ khoa học và thực tiễn xây dựng phương án tốc độ tăng trưởng GDP và tốc độ tăng CPI năm 2024. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng công tác dự báo, xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội.

Tuệ Lâm

công ty TNHH DKK

Bạn cũng có thể thích