Duy trì xuất khẩu gạo, giữ vững thị phần tại khu vực châu Á – châu Phi
Do ảnh hưởng của El Nino nên các nhà sản xuất, xuất khẩu gạo lớn trên thế giới đều có kế hoạch cắt giảm sản lượng, vì vậy thế giới có thể thiếu hụt khoảng 5,8 triệu tấn gạo. Đây là cơ hội lớn cho xuất khẩu gạo Việt Nam tại các thị trường truyền thống quan trọng như Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Canada,…
Thông tin từ Vụ Thị trường châu Á – châu Phi (Bộ Công Thương), trong tổng sản lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam 8,13 triệu tấn năm 2023 thì lượng gạo xuất khẩu sang khu vực châu Á – châu Phi là 7,34 triệu tấn, chiếm đến 90% tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ra toàn thế giới.
Thị trường châu Á và châu Phi tiếp tục là 2 thị trường xuất khẩu gạo quan trọng hàng đầu của Việt Nam, trong đó có những thị trường lớn như Philippines, Indonesia, Trung Quốc, Canada, Bờ Biển Ngà,…
Riêng tại thị trường Philippines, trong năm 2023, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt 3,1 triệu tấn, chiếm 63% tổng giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam sang ASEAN, chiến 37% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo Việt Nam ra thế giới và chiếm tới 80% thị phần nhập khẩu gạo tại Philippines. Việt Nam là nước giữ thị phần áp đảo lớn nhất về xuất khẩu gạo sang Philippines, tiếp theo sau đó là Myanmar, Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ.
Quý I/2024, xuất khẩu gạo Việt Nam sang các thị trường chính tiếp tục có những tín hiệu tốt và ghi nhận tăng trưởng cao như Philippines tăng 44%, Indonesia tăng 300%, Malaysia tăng 29% và khu vực Tây Á, Châu Phi tăng 87%.
Thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 5,8 triệu tấn gạo
Về tình hình thị trường châu Á – châu Phi, giá gạo xuất khẩu Việt Nam tại các thị trường này sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao và thuận lợi do các nước sản xuất, xuất khẩu gạo lớn trên thế giới đều có kế hoạch cắt giảm sản lượng do ảnh hưởng của El Nino.
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), trong niên vụ 2023-2024 sản lượng gạo toàn cầu đạt khoảng 515,5 triệu tấn, trong khi nhu cầu là 521,3 triệu tấn và lượng gạo sẽ thiếu hụt là 5,8 triệu tấn.
Cụ thể, Ấn Độ sẽ giảm sản lượng gạo xuống còn 134 triệu tấn, giảm 1,8 triệu tấn gạo so với cùng kỳ. Trung Quốc sẽ giảm xuống còn 144,6 triệu tấn, giảm 1,3 triệu tấn so với cùng kỳ. Thái Lan cũng sẽ giảm sản lượng xuống còn 20 triệu tấn, giảm 900.000 tấn so với cùng kỳ và tương tự, Indonesia cũng có mức giảm 900.000 tấn.
Ấn Độ – nước xuất khẩu gạo lớn nhất hiện nay đang áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng từ tháng 7/2023 và dự kiến lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng này sẽ tiếp tục kéo dài đến hết năm 2024. Ấn Độ thời gian tới sẽ tiếp tục duy trì hạn chế xuất khẩu nhằm đảm bảo nguồn cung nội địa và giảm bớt tình trạng giá tăng, nhất là trong thời điểm Ấn Độ tổ chức bầu cử. Như vậy, thời gian tới sẽ tiếp tục có nhiều cơ hội cho xuất khẩu gạo Việt Nam.
Đối với Philippines, do gạo là mặt hàng quan trọng, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, giúp bình ổn thị trường trong nước, vì vậy trong dài hạn, Chính phủ đã triển khai kết hợp nhiều chính sách như hỗ trợ nông dân gia tăng sản lượng lúa trong nước, tìm kiếm bạn hàng mới để đa dạng hoá nguồn cung, tránh bị phụ thuộc quá nhiều vào Việt Nam. Philippines cũng đang nhận thấy rủi ro khi quá phụ thuộc vào Việt Nam và các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đang có xu hướng giảm sản lượng xuất khẩu các loại gạo chất lượng thấp, giá thấp, tăng xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao, giá cao hơn vào thị trường Philippines.
Bên cạnh đó, năm 2023 cũng ghi nhận tăng trưởng mạnh trong xuất khẩu gạo Việt Nam sang Indonesia, nguyên nhân được cho là do năm 2023 và những tháng đầu năm 2024, Indonesia chịu hạn hán nặng, cả diện tích và sản lượng đều bị thu hẹp, giá gạo trong nước tăng cao và Indonesia đã phải tiến hành nhập khẩu gạo từ các nước trong đó có Việt Nam để đảm bảo nguồn cung gạo trong nước, phục vụ tiêu dùng và dự trữ bình ổn giá bán.
Ngoài ra, thị trường Trung Quốc cũng tiếp tục đặt ra những cơ hội xuất khẩu cho gạo Việt Nam nhưng cần chú ý nâng cao năng lực cạnh tranh và duy trì mở rộng bạn hàng để giữ thị phần. Do El Nino và tốc độ đô thị hoá trong 3 năm qua thì diện tích canh tác, trồng lúa của Trung Quốc đã liên tục giảm xuống dưới 30 triệu ha, năm 2023 chỉ còn 28 triệu ha, sản lượng lúa gạo vì vậy cũng giảm liên tiếp trong 2 năm vừa qua.
Mới đây, Trung Quốc đã thông qua Luật An ninh lương thực, theo đó Chính phủ sẽ chú trọng và tăng cường bảo đảm an ninh lương thực trước sự bất ổn của thị trường bên ngoài cũng như chính sách hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ.
Trung Quốc đang có xu hướng quay lại nhập khẩu gạo nhiều hơn từ các nước Đông Nam Á, vì vậy, hoạt động xuất khẩu gạo sang Trung Quốc đang có sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Các sản phẩm gạo xuất khẩu vào thị trường này đề có chất lượng tương đối cao, đồng thời các nước xuất khẩu ngày càng chú trọng vào bao bì, đóng gói chắc chắn và phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc.
Tại khu vực Tây Á – châu Phi, tình hình căng thẳng, bất ổn tại Biển Đỏ và giá dầu tăng cao có tác động mạnh đến giá gạo Việt Nam xuất khẩu sang châu Phi, đặc biệt là các thị trường chính ở khu vực Tây Phi như Ghana, Bờ Biển Ngà và Senegal. Tình hình này càng làm cho các nước châu Phi khó khăn hơn khi nhập khẩu gạo từ các nhà cung cấp Đông Nam Á do giá cả trong nước tăng cao và thiếu hụt nguồn cung trong nước. Một số nước ở châu Phi trong năm 2023 cũng rất quan tâm và đặt vấn đề mua gạo Việt Nam với giá ưu đãi.
Đại diện Vụ Thị trường châu Á – châu Phi dự báo, năm 2024, Philippines sẽ nhập khẩu từ 3,8 – 3,9 triệu tấn gạo và tiếp tục là quốc gia nhập khẩu gạo lớn nhất thế giới. Indonesia sẽ nhập khẩu khoảng 3,6 triệu tấn gạo. Trung Quốc nhập khẩu sẽ nhập khẩu khoảng 1,9 triệu tấn gạo. Khu vực Tây Á và châu Phi có nhu cầu nhập khẩu khoảng 2,7 triệu tấn gạo, tăng 62% so với năm 2023.
Tiếp tục đa dạng hoá, mở rộng thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam
Thời gian qua, Vụ Thị trường châu Á – châu Phiđã tích cực phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan thuộc Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hiệp hội Lương thực Việt Nam để xây dựng, hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu gạo cũng như thúc đẩy ký kết các Bản ghi nhớ về hợp tác thương mại gạo với Bangladesh, Mông Cổ và Philiipines,…
Hiện nay, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cũng đang xây dựng kế hoạch xúc tiến về đàm phán, ký kết một số bản ghi nhớ về thương mại gạo với một số đối tác như Indonesia, Singapore và một số nước châu Phi khác.
Đồng thời, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi cũng tích cực phối hợp cùng hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tích cực triển khai các hoạt động cung cấp, phổ biến thông tin, hướng dẫn tiếp cận thị trường, tận dụng các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do, các Bản ghi nhớ, hợp tác thương mại, hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu gạo kết nối giao thương, tham gia gian hàng, kết nối với hệ thống phân phối của các nước sở tại để giúp doanh nghiệp tiếp tục đa dạng hoá và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Để tiếp tục phát triển thị trường xuất khẩu gạo Việt Nam trong thời gian tới, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi có một số kiến nghị, cụ thể:
Thứ nhất, kiến nghị Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương sản xuất gạo lớn của Việt Nam tiếp tục quan tâm, ưu tiên phân bổ nguồn kinh phí xúc tiến thương mại cho ngành hàng lúa gạo, tạo điều kiện cho các đoàn đi công tác tìm hiểu thị trường, xúc tiến xuất khẩu gạo tại các thị trường có nhiều tiềm năng.
Thứ hai, kiến nghị các địa phương, Hiệp hội Lương thực Việt Nam, Hiệp hội ngành hàng lúa gạo, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá sản phẩm thông qua các Hội chợ, triển lãm tuần hàng, ngày lúa gạo Việt Nam ở nước ngoài,… Đồng thời, thường xuyên giữ liên hệ, cung cấp, gửi hàng mẫu, video clip, các ẩn phẩm về sản phẩm gạo xuất khẩu để các Thương vụ Việt Nam trưng bày trong hệ thống phòng mẫu của Thương vụ nhằm giới thiệu cho các đối tác sở tại.
Thứ ba, kiến nghị các cơ quan quản lý chất lượng, các doanh nghiệp tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về chất lượng, chủ động nắm vững và tuân thủ nghiêm các quy địnnh về kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, các yêu cầu liên quan đến đăng ký mã số vùng trồng, truy suất nguồn gốc.
Thứ tư, kiến nghị các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chú trọng vào công tác xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho gạo Việt Nam tại các thị trường nhập khẩu chính hoặc tại các thị trường mà doanh nghiệp mong muốn có nhu cầu phát triển để nâng cao giá trị xuất khẩu, nâng cao khả năng nhận diện thương hiệu và sức cạnh tranh của gạo Việt Nam cũng như để xuất khẩu một cách bài bản, bền vững hơn.
Thứ năm, đối với các thị trường khu vực châu Phi, Trung Đông, mặc dù đây là những khu vực thị trường có nhiều tiềm năng song cũng tiềm ẩn nhiều thách thức và rủi ro, vì vậy, để hạn chế rủi ro, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu tiếp tục duy trì và tận dụng các tập đoàn trung gian, đa quốc gia để đảm bảo khâu thanh toán cũng như duy trì thị trường.
Bên cạnh đó, tích cực liên hệ, trao đổi với các Thương vụ Việt Nam tại thị trường sở tại khi tiến hành các hoạt động giao thương để được tư vấn, cung cấp thông tin thêm về đối tác, khi giao dịch cần lưu ý các vấn đề về phương thức thanh toán, điều khoản, giao hàng vận tải, bảo hiểm, giải quyết tranh chấp và tăng cường sử dụng hệ thống thông tin giám sát container tàu hàng trực tuyến để nắm được thông tin về tình hình vận chuyển hàng hoá qua Biển Đỏ, các tuyến đường vận tải đi qua hoặc gần tuyến đường có giao tranh.
Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổng hợp đầy đủ các kiến nghị, đề xuất của Bộ, ngành, địa phương và hiệp hội, thương nhân xuất khẩu gạo để tập trung giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền.
Đồng thời, đề nghị các Bộ, ngành liên quan tiếp tục phối hợp, xem xét, giải quyết những kiến nghị, đề xuất của thương nhân theo thẩm quyền để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, bảo đảm điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu gạo hiệu quả, bền vững.