EVN: Chủ đầu tư điện mặt trời mái nhà cần có đủ thiết bị kĩ thuật để đảm bảo chất lượng điện năng
Nguồn điện mặt trời mái nhà có tính bất định cao, phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết và công suất biến động lớn. Vì vậy, EVN đề nghị bổ sung yêu cầu đối với các chủ đầu tư điện mặt trời mái nhà phải trang bị đầy đủ các thiết bị phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành nhằm đảm bảo chất lượng điện năng.
Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15 tháng 5 năm 2023 đã quy định:
– Về mục tiêu cụ thể: “Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia)”;
– Về định hướng phát triển nguồn điện và phương án phát triển nguồn điện: “Ưu tiên, khuyến khích phát triển điện gió, điện mặt trời tự sản tự tiêu (trong đó có điện mặt trời mái nhà của người dân và mái công trình xây dựng, điện mặt trời tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, tiêu thụ tại chỗ, không đấu nối hoặc không bán điện vào lưới điện quốc gia)”.
Phát biểu tại Hội thảo tham vấn kỹ thuật về Dự thảo Nghị định Quy định về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì ngày 4/5 vừa qua, ông Võ Quang Lâm – Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng, Dự thảo Nghị định đã được rà soát nhiều lần trên cơ sở lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, các cuộc họp với các cơ quan quản lý nhà nước. Dự thảo bám sát và cập nhật nội dung Quy hoạch điện VIII và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch được Chính phủ phê duyệt ban hành, cũng làm đúng theo pháp luật hiện hành trong lĩnh vực điện lực.
Mặt khác, đại diện EVN cho rằng trong quá trình vận hành hệ thống điện mặt trời, vấn đề đặt ra là làm sao điều khiển được hệ thống điện mặt trời mái nhà có quy mô công suất lớn, không gây quá tải dẫn đến các sự cố hệ thống điện.
Nếu như tại Thông tư số 25/2016/TT-BCT của Bộ Công Thương đã quy định các hệ thống điện mặt trời mái nhà với công suất 100kWp phải đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, thì tại Dự thảo Nghị định này đã cập nhật bổ sung quy định đối với các hệ thống điện mặt trời mái nhà công suất lớn (500kWp trở lên) phải có hệ thống điều khiển từ xa và kết nối với đơn vị điều độ khu vực, qua đó cung cấp thêm công cụ để rà soát, điều khiển các hệ thống điện mặt trời mái nhà công suất lớn, góp phần vận hành an toàn hệ thống điện.
Trước đó, tại bản góp ý với Dự thảo Hồ sơ đề xuất xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, EVN cho biết, nguồn điện mặt trời mái nhà có tính bất định cao, phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết và công suất biến động lớn. Vì vậy, đối với hệ thống điện mặt trời mái nhà có liên kết với hệ thống điện, EVN đề nghị bổ sung yêu cầu đối với các chủ đầu tư điện mặt trời mái nhà phải trang bị đầy đủ các thiết bị phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật hiện hành nhằm đảm bảo chất lượng điện năng; phải trang bị thiết bị giám sát, ghi nhận dữ liệu, có khả năng kết nối với đơn vị điều độ phục vụ công tác dự báo công suất phát điện mặt trời mái nhà và nhu cầu phụ tải điện; tính toán cân bằng năng lượng để đảm bảo công tác vận hành hệ thống điện an toàn, liên tục, ổn định và kinh tế.
Ngoài ra, EVN cũng cho rằng cần xem xét bổ sung quy định về kiểm tra các điều kiện trước khi đưa vào vận hành, bổ sung quy định kiểm soát và chế tài xử lý đối với trường hợp tổ chức, cá nhân lắp đặt điện mặt trời mái nhà nhưng không đăng ký/chưa được chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị Điện lực hoặc không đáp ứng các quy định của pháp luật liên quan do hệ thống điện mặt trời mái nhà nằm trong khu vực quản lý của tổ chức, cá nhân nên các chủ đầu tư có thể tự ý lắp đặt, đấu nối, do đó đơn vị Điện lực và các cơ quan quản lý chuyên ngành kiểm soát sẽ khó khăn.
Đồng thời, kiến nghị Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Xây dựng để xây dựng, ban hành quy chuẩn quốc gia đối với tấm quang điện và bộ Inverter, có cơ chế kiểm soát hàng hóa trước khi lưu thông trên thị trường nhằm kiểm soát hiệu suất, chất lượng thiết bị, giảm chi phí kiểm tra, nghiệm thu trong quá trình lắp đặt, đưa vào vận hành hệ thống điện mặt trời mái nhà.
Theo chuyên gia, “tự sản, tự tiêu” được hiểu là tự sản xuất, rồi tự tiêu thụ, hay nói cách khác tự cung, tự cấp. Như vậy, đối với vấn đề sử dụng điện, có thể thấy rõ lợi ích ở đây là cho chính người dùng điện, được chủ động một phần nguồn điện cho mục đích tự sử dụng của mình và giảm bớt sự phụ thuộc nguồn điện từ hệ thống điện quốc gia.
Theo đó, nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng điện bao nhiêu thì sản xuất (hay lắp đặt bấy nhiêu), sản xuất để đủ dùng, nếu thiếu nhà nước cấp bù thêm và không khuyến khích lắp đặt thừa công suất để phát lên hệ thống điện quốc gia.
Như vậy, ở góc độ nhà nước, người dân và doanh nghiệp, việc xây dựng, lắp đặt điện mặt trời mái nhà để tự sản, tự tiêu không phải đầu tư để kinh doanh hay tìm kiếm lợi nhuận mà là đầu tư thu về sự tiện ích, sự chủ động trong việc sử dụng điện.