Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo 389 Hà Nội, trong tháng 8/2024, hoạt động sản xuất, kinh doanh thương mại và dịch vụ trên địa bàn thành phố diễn ra ổn định. Hàng hóa lưu thông trên thị trường đa dạng về chủng loại và phong phú về mẫu mã, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân. Giá cả các mặt hàng tiêu dùng tương đối ổn định, không có hiện tượng tăng giá đột biến gây bất ổn thị trường. 

Tuy nhiên, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt tập trung vào các mặt hàng thiết yếu như thuốc lá, rượu, quần áo, đồ điện tử, mỹ phẩm và thực phẩm. Trước thềm Tết Trung thu, nhu cầu tiêu dùng bánh kẹo, bánh trung thu tăng cao, vi phạm an toàn thực phẩm cũng trở nên đáng lo ngại hơn. Lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý nhiều vụ kinh doanh bánh trung thu nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kịp thời bảo vệ người tiêu dùng.

Để đấu tranh với các hành vi vi phạm, các lực lượng chức năng thành phố đã thực hiện có hiệu quả các Kế hoạch của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và Kế hoạch của Ban Chỉ đạo 398 thành phố về công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trên địa bàn năm 2024. Cụ thể, trong tháng 8, các lực lượng chức năng thuộc Ban Chỉ đạo 389 thành phố Hà Nội đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 2.582 vụ, trong đó xử lý 2.420 vụ. Trong số này, có 2.405 vụ bị xử lý hành chính và 15 vụ bị khởi tố với 32 bị can. Tổng số tiền thu nộp ngân sách nhà nước lên tới 298 tỷ 635 triệu đồng.

Hà Nội thanh tra, kiểm tra hơn 2.500 vụ vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tháng 8
Lực lượng chức năng Hà Nội đang kiểm tra hàng hoá vi phạm

 

Trong đó Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội, với vai trò là Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo 389 thành phố, đã làm tốt công tác tham mưu và tổ chức triển khai các chỉ đạo từ Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia và UBND Thành phố. Đơn vị này đã theo dõi, đôn đốc các sở, ngành và Ban chỉ đạo 389 cấp quận, huyện, thị xã thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Trong tháng, Cục Quản lý thị trường đã tiến hành thanh tra, kiểm tra 442 vụ, xử lý hành chính 412 vụ với số tiền phạt hành chính lên tới 4 tỷ 198 triệu đồng và trị giá hàng vi phạm là 2 tỷ 550 triệu đồng.

Công an thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và công an các quận, huyện, thị xã tăng cường nắm bắt tình hình địa bàn và các đối tượng, xây dựng kế hoạch đấu tranh, triệt phá các đường dây, tụ điểm tàng trữ, sản xuất, mua bán hàng cấm, hàng nhập lậu và hàng giả. Trong tháng 8, Công an thành phố đã kiểm tra 227 vụ, xử lý hành chính 218 vụ với số tiền phạt là 1 tỷ 439 triệu đồng. Trị giá hàng vi phạm là 1 tỷ 558 triệu đồng. Đặc biệt, đã khởi tố 11 vụ với 28 bị can.

Cục Hải quan Hà Nội cũng tăng cường công tác kiểm soát hải quan, kiểm tra chặt chẽ các tuyến, địa bàn và mặt hàng trọng điểm, đẩy mạnh đấu tranh phòng chống ma túy và buôn lậu. Trong tháng, đơn vị này đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 134 vụ, với số tiền phạt hành chính là 1 tỷ 200 triệu đồng và trị giá hàng vi phạm 483 triệu đồng.

Cùng với đó, Cục Thuế thành phố Hà Nội tăng cường thanh tra, kiểm tra chống thất thu thuế, giám sát việc kê khai thuế, quyết toán thuế, hoàn thuế nhằm chống các hành vi gian lận thuế, chiếm đoạt tiền thuế từ ngân sách nhà nước; không để các tổ chức, cá nhân vi phạm lợi dụng kẽ hở để buôn lậu, trốn thuế; xử lý hiệu quả tình trạng chuyển giá, trốn thuế; kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng trong công tác điều tra, xác minh, xử lý các đối tượng có hành vi mua bán hóa đơn bất hợp pháp, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả liên quan đến công tác quản lý thuế.

Trong tháng, Cục thuế Thành phố thanh tra, kiểm tra 1.539 doanh nghiệp, xử lý 1.538 doanh nghiệp vi phạm. Phạt hành chính 96 tỷ 321 triệu đồng. Truy thu thuế, thu hồi thuế sau thanh tra, kiểm tra 192 tỷ 643 triệu đồng.

Song song đó, Ban Chỉ đạo 389 các quận, huyện, thị xã cũng đã tích cực thực hiện các chỉ đạo từ Chính phủ và các cấp chính quyền, đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về chống buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả và vi phạm an toàn thực phẩm. Các hoạt động tuyên truyền được thực hiện qua nhiều phương tiện như báo chí, hệ thống truyền thanh địa phương, chợ, trung tâm thương mại và siêu thị, nhằm nâng cao nhận thức và ý thức tuân thủ pháp luật của người dân và doanh nghiệp.