Tư vấn - xây dựng và lắp đặt nhà nuôi chim yến

Huy động tối đa nguồn lực sửa chữa, khôi phục kết cấu hạ tầng sau bão số 3

Chính phủ yêu cầu huy động tối đa nguồn vốn hợp pháp để gia cố ngay các đoạn đê, kè xung yếu, bị hư hại nghiêm trọng, sửa chữa, khôi phục kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến huyết mạch, cầu, cống xung yếu để sớm ổn định tình hình sau bão số 3.

Khôi phục kết nối giao thông khu vực dân cư bị chia cắt, cô lập

Theo Nghị quyết số 143 Chính phủ ban hành ngày 17/9, Chính phủ đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.

Huy động tối đa nguồn lực sửa chữa, khôi phục kết cấu hạ tầng sau bão số 3- Ảnh 1.

Siêu bão Yagi khiến đất đá từ vạt núi sạt xuống tuyến quốc lộ 4D gây chia cắt giao thông nối Sa Pa – Lào Cai.

Phạm vi, đối tượng hỗ trợ là người dân, người lao động, người yếu thế, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp tại các địa bàn bị ảnh hưởng bởi bão số 3, ngập lụt, lũ, sạt lở đất.

Thời gian hỗ trợ chủ yếu trong tháng 9 và tháng 10/2024. Một số chính sách hỗ trợ hộ kinh doanh, doanh nghiệp có thể kéo dài, bổ sung nguồn lực thực hiện đến hết năm 2025 để phù hợp với sự phục hồi của doanh nghiệp, hộ kinh doanh và yếu tố mùa vụ trong sản xuất kinh doanh.

Trong số 6 nhóm nhiệm vụ, Chính phủ nhấn mạnh trước hết phải bảo vệ tính mạng, an toàn, sức khỏe của nhân dân.

Trong đó, Chính phủ giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, các cấp chính quyền địa phương, huy động tối đa các lực lượng tìm kiếm người mất tích, tăng cường bố trí lực lượng, phương tiện tuần tra, di dời, sơ tán người dân khỏi các khu vực có nguy cơ cao và vận chuyển hàng hóa viện trợ, tiếp tế cho người dân.

Bộ Tài chính, các địa phương cần bảo đảm nguồn vốn ngân sách Nhà nước để thực hiện các chính sách hỗ trợ trực tiếp việc mai táng cho người thiệt mạng, các hộ gia đình có người chết, mất tích hoặc bị thương nằm viện do ảnh hưởng từ bão số 3.

Sử dụng nguồn dự phòng ngân sách Nhà nước và các nguồn hợp pháp khác để di dời khẩn cấp các hộ dân, điểm dân cư tại khu vực có nguy cơ sạt lở cao, hoàn thành trước ngày 30/9.

Về hỗ trợ khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội để ổn định cuộc sống nhân dân, bên cạnh các biện pháp hỗ trợ kịp thời, Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương sử dụng dự phòng ngân sách Nhà nước để khẩn trương sửa chữa, sớm đưa vào sử dụng trở lại các công trình dân sinh, trường học, bệnh viện, cơ sở y tế, trạm y tế, thủy lợi…

Huy động tối đa các nguồn vốn hợp pháp để gia cố ngay các đoạn đê, kè xung yếu, bị hư hại nghiêm trọng; sửa chữa, khôi phục kết cấu hạ tầng giao thông trên các tuyến huyết mạch; cầu, cống xung yếu.

Đặc biệt, Chính phủ nhấn mạnh cần khôi phục kết nối giao thông các khu vực dân cư bị chia cắt, cô lập sau bão lũ; lập kế hoạch xây dựng lại những công trình hư hỏng nghiêm trọng không thể khắc phục.

Chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu khẩn trương khắc phục thiên tai, bão lũ, xây dựng phương án thi công phù hợp, khôi phục thi công các công trình trong thời gian sớm nhất để bảo đảm tiến độ các công trình, dự án, nhất là các dự án hạ tầng chiến lược, quan trọng quốc gia.

Miễn giảm học phí cho học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng do bão 

Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các địa phương theo dõi sát tình hình, diễn biến nguồn cung, giá cả hàng hóa trên địa bàn, nhất là tại các khu vực vừa xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất nặng nề, kịp thời bảo đảm nguồn cung, kiểm soát giá cả, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, đẩy giá, lợi dụng thiên tai, bão lũ để trục lợi.

Bộ Giáo dục và Đào tạo, các địa phương thực hiện miễn, giảm học phí cho học sinh, sinh viên bị ảnh hưởng bởi bão số 3 trong năm học 2024-2025.

Ngoài ra, Chính phủ giao nhiệm vụ để chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với thiên tai, bão lũ, ngập lụt, sạt lở; cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để triển khai các chính sách hỗ trợ, hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp; cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính để triển khai chính sách hỗ trợ; kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế… 

Chính phủ giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung quán triệt, khẩn trương tổ chức triển khai đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các giải pháp, chính sách hỗ trợ, bảo đảm chặt chẽ, đúng quy định pháp luật, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực, lợi ích nhóm.

Đồng thời chủ động xử lý các khó khăn, vướng mắc, vấn đề phát sinh theo thẩm quyền, báo cáo cấp có thẩm quyền đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.

Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương bảo đảm nguồn lực của ngân sách Nhà nước để thực hiện các chính sách hỗ trợ.

Trang Trần -
Bạn cũng có thể thích