Huyền thoại về xứ trầm hương
Nhờ những ưu đãi của thiên nhiên mà Khánh Hòa mang trong mình một vẻ đẹp hài hòa, nguyên sơ và thuần khiết. Ngoài những vùng biển nước xanh trong vắt, bãi cát trắng phau, nhiều công trình cổ kính lưu dấu thời gian, thì nơi đây còn mang những câu chuyện lung linh tính huyền thoại về xứ sở trầm hương.
Núi Mẫu Tử- ngọn núi thiêng xứ sở
Núi Mẫu Tử còn gọi là Mẹ Bồng Con, cao 2.051m,
nổi bật trên hàng trăm ngọn núi, nằm về hướng Tây
Bắc của thị trấn Ninh Hòa. Đỉnh núi có phần bằng
phẳng và không có cây cao. Phía trên có tảng đá
xanh lớn, sát cạnh có một tảng đá cao bằng nửa
tảng đá lớn đó. Quanh năm mây phủ quấn quýt,
xa trông hình dạng như một người đàn bà đứng với
một đứa con. Do đó, dân gian gọi là Mẹ Bồng Con.
Truyền thuyết kể lại rằng đá Mẹ Bồng Con ấy ngày
trước chính là người hóa thành, những tảng đá
xung quanh là đồ dùng và thú nuôi trong nhà. Vì
hai vợ chồng chán cảnh nhộn nhịp chốn dân gian,
bèn đem nhau lên núi ở. Đến ở được bốn năm, sanh
được đứa con 4 tuổi. Một hôm một người bạn cũ
tu tiên đắc đạo tìm đến thăm hai vợ chồng. Chủ
và khách đều mừng, người vợ lo sửa soạn tiệc rượu
đãi khách, còn chồng ngồi nghe bạn giảng phép
tu tiên.
Nhưng người khách nói muốn cầu tiên thì phải đốt
trầm hương mà khấn, hương trầm sẽ đưa lời cầu
nguyện lên cung Tam Thanh để đáp ứng mong
nguyện của người cầu.
Người chủ được chỉ dẫn rằng muốn tìm trầm ngay
vùng núi non này nhưng cần ngậm ngải mới giữ
được thân. Rồi sau màn rượu thịt đãi khách, người
khách ngủ say, chủ bèn thò tay vào bọc khách lấy
gói ngải rồi lẳng lặng ra đi.
Khách sau hai ngày đêm tỉnh dậy không thấy gói ngải, thất kinh băng ngàn tìm kiếm. Khách nhảy từ đầu núi này sang đầu núi nọ, tìm khắp núi non trùng
điệp nhưng không một bóng người. Lòng vừa giận
vừa lo nên sảy chân rơi xuống núi Tịnh Sơn vùng Sơn
Hoa (Phú Yên) bỏ mạng. Con tốt trong túi khách
văng ra thành đá và xương thịt biến thành những
cây cổ thụ.
Còn người chồng ra đi, ngậm ngải tìm trầm. Nhưng
trải qua bao tháng ngày giữa rừng núi thâm u, lòng
muốn trở về nhưng không tìm được đường lui. Ngày
tháng, ngải nơi miệng dần tan hết, thân mọc đầy
lông rồi hóa thành cọp xám, gầm lên mấy tiếng rồi
quay đầu về chốn cũ tìm vợ con. Nhưng khi về thì
cảnh xưa không còn nữa.
Người vợ ở nhà trông ngóng chồng, lệ tuôn thành
suối, thân nắng mưa hóa thành đá, những vật dụng
vật nuôi cũng hóa đá theo hai mẹ con. Những dòng
suối thành sông ngòi trong tỉnh và các tỉnh lân cận.
Trong đó có một dòng suối gọi là Suối Tiên, nước
trong xanh và không bao giờ cạn.
Cọp xám nhìn cảnh thương tâm, gầm thét vang núi
rừng, phá hết những cây cổ thụ trên đầu núi rồi bỏ
vào rừng sâu.
Ngọn núi Mẫu Tử rất linh thiêng, thời Kháng chiến
chống Pháp, tiểu đoàn Lê Dương đi hành quân và
chọn hòn Mẫu Tử làm nơi tạm trú. Một người lính
tinh nghịch chôn mìn dưới chân đá mẹ bồng con và
đốt, mìn nổ phá cả vùng cây đá nhưng tượng đá
Mẹ Bồng Con vẫn không chút hư hao. Tiếng nổ vừa
im thì tên lính đó thổ huyết chết.
Ngày nay sau bao dâu bể, người ta vẫn thấy ngọn
núi đá sừng sững hình mẹ con đứng đợi chồng. Nó
vừa nhắc đến huyền thoại về xứ sở trầm hương và
vừa như nhắc nhớ câu chuyện đầy xúc động về tình
nghĩa vợ chồng thủy chung.
Hòn Bà- Nữ vương quần sơn
Hòn Bà tên chữ là Bích Sơn, có nghĩa là Núi Vách.
Hòn Bà vốn là “nữ vương” trong đám quần sơn
của vùng. Cả đám núi lô nhô kết nối thành một
bức trường thành, trải dài từ Bắc vào Nam. Hòn Bà
đứng chính giữa, nổi bật trên tất cả ngọn núi cao.
Quanh năm mây trắng, sương mù bao phủ.
Ở Ninh Hòa cũng có Hòn Bà, nhưng vì trên đỉnh núi
có miếu thờ Bà Thiên Y A Na nên được gọi như vậy.
Còn ở Cam Lâm, gọi là Hòn Bà vì người ta coi đó
như Hành Cung của Bà Thiên Y. Bởi có truyền thuyết
rằng mỗi lần Bà giá lâm thì có hào quang dài như
dải lụa đổ bay xuống núi, rồi nghe ba tiếng sấm
nổ vang rừng. Nhưng cũng có khi không nghe tiếng
sấm dậy mà chỉ có ánh sáng từ trong núi như hào
quang phát ra chói lọi hàng trăm dặm. Người dân
biết Ngự giá của Bà qua lại những đêm trăng thanh
gió mát nên đốt hương đốt trầm làm lễ.
Vì tương truyền như vậy, nên không một ai dám đến
Hòn Bà để thưởng ngoạn cũng như tìm hiểu thực
hư. Bởi vì không có đường đi, cây cối rậm rạp, thú
dữ đầy rừng. Núi đá lại nhiều lớp, chồng chất lên
nhau, từng lớp sừng sững như vách.
Mãi năm 1914, bác sĩ Yersin muốn tìm nơi thí nghiệm
giống quiquina, nên mới tìm cách lên đến tận đỉnh.
Sau khi thấy Hòn Bà thích hợp với giống quiquina,
loài cây chịu sống trên núi cao 1.500m miền nhiệt
đới. Bác sỹ đã đặt tại đây một phòng xem thiên
văn và một trạm vô tuyến điện.
Mặc dù ngày trước Hòn Bà chìm trong sương khói đá
cây, cách Nha Trang chừng 50km, nhưng đường đi
đầy thiên nan vạn nan. Bác sỹ dù đã cho trổ đường
nhỏ từ Suối Dầu đến chân núi và chân núi lên đỉnh,
sau đó Chính phủ Pháp còn cho mở rộng đường, xe
ô tô đi được. Nhưng đến chân núi còn leo bộ 6 giờ
đồng hồ mới lên đỉnh núi. Đường đi vất vả nhưng khí
hậu trong mát, phong cảnh thanh lệ thâm u khiến
người đi đường cảm thấy khoan khoái, thích thú.
Vì nơi đây mưa thường nên cây cao rừng rậm,
phong lan bám đầy, hoa hồng dâu tây quanh trại
của bác sỹ Yersin, mùa xuân trăm nghìn hình sắc
hoa nở, hương hoa ngào ngạt vào tận rừng sâu.
Ngày nay dù khách du lịch đến Hòn Bà đông hơn,
nhưng nơi đây vẫn giữ nguyên được vẻ hoang sơ,
trên đỉnh vẫn còn nguyên ngôi nhà gỗ hai tầng của
bác sĩ Yersin cùng những dấu tích cây trà cổ thụ,
chuồng nuôi ngựa… vẫn đầy những giống chim lạ tụ
tập, những loài không thấy nơi bình nguyên.
Cảnh Hòn Bà vẫn phong quang tuyệt mỹ bởi phía
đông mặt biển màu thủy ngân, những ngọn núi ở
phía Nam phía Bắc cùng những ngọn núi phía Đông
tuôn những dải màu lục xuống thung lũng và đồng
bằng duyên hải. Ban đêm, dưới ánh trăng, sóng
xanh của cây rừng và sóng bạc của biển khơi mông
lung, huyền hoặc nửa thực nửa hư.