Khi sinh viên được doanh nghiệp Nhật săn đón
Để tìm kiếm nhân sự như công ty mình kỳ vọng, nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đã trực tiếp đến các trường đại học Việt Nam để phỏng vấn và tuyển dụng…
Không ít sinh viên đã tìm kiếm được cơ hội thực tập, việc làm khi chưa tốt nghiệp.
Tìm kiếm nguồn nhân lực mình kỳ vọng
Mới đây, tại Hà Nội, hơn 2.600 sinh viên thuộc các trường đại học (ĐH) như Trường ĐH Xây dựng, Trường ĐH Thủy lợi, Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội… trong đó phần lớn là sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội đã đăng ký tham dự phỏng vấn trực tiếp của 24 doanh nghiệp Nhật Bản.
Với mong muốn tìm được nhân sự phù hợp trong các lĩnh vực mà công ty đang hoạt động, ông Koji Minato, Tổng Giám đốc Công ty ITOKI (Nhật Bản) năm nay đã đích thân đến Việt Nam để trực tiếp phỏng vấn sinh viên, đặc biệt là sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội.
Hai ngày ở ngay tại gian hàng của công ty mình, ông Koji Minato đã phỏng vấn cũng như trao đổi với rất nhiều sinh viên. Ông đánh giá: “Sinh viên Việt Nam rất ưu tú, tích cực, có nhiều năng lượng và niềm đam mê với lĩnh vực đang theo học.
Trong thời gian ngắn, chúng tôi đã tiếp nhận hơn 400 sinh viên đến gian hàng để nghe giới thiệu về doanh nghiệp, các vị trí việc làm, cơ hội thực tập cũng như những đãi ngộ dành cho nhân viên khi làm việc tại công ty chúng tôi. Trong đó, tôi đã phỏng vấn 50 ứng viên và chốt được 30 sinh viên. Chúng tôi sẽ mời các bạn sinh viên này sang Tokyo phỏng vấn vòng cuối với thành viên hội đồng quản trị”.
Trước đó năm 2022, Công ty ITOKI đã tuyển dụng được hai nhân sự là người Việt Nam trong đó có 1 bạn không nói được tiếng Nhật. “Tuy nhiên, bạn ấy đã rất nỗ lực học tiếng Nhật, cộng thêm đam mê cống hiến nên bây giờ đã nghe, nói rất trôi chảy. So với các nhân sự quốc tế, tôi cảm thấy người Việt Nam khá giống người Nhật ở đức tính chăm chỉ, chịu khó, dễ dàng thích nghi văn hóa, môi trường sống mới”, ông Koji Minato cho biết.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Giáo dục và Thời đại, Công ty ITOKI đưa ra ba tiêu chí để tuyển dụng. Thứ nhất là đam mê cống hiến, thứ hai có khả năng tư duy, thứ ba là có khả năng làm việc nhóm.
Một trong 24 doanh nghiệp đang có nhiều dự án liên quan đến hệ thống nhúng, các hệ thống kiểm soát máy móc, hệ thống thông tin là Công ty Viện Công nghệ Đông Nhật Bản. Được biết, lần này đại diện công ty sang Việt Nam phỏng vấn sinh viên các trường đại học với hi vọng có thể tuyển dụng được một số nhân sự có khả năng lập trình tốt, giao tiếp và đọc được tài liệu bằng tiếng Nhật.
“Ở công ty chúng tôi, các vị trí việc làm cho sinh viên mới ra trường thường có mức lương 30 triệu/tháng. Đồng thời, công ty có chính sách hỗ trợ thêm các phúc lợi cho nhân sự được tuyển dụng như được hỗ trợ nhà ở, quá trình học tiếng, làm visa, đăng ký lưu trú và chi phí đi lại”, ông Imahashi Tatsunosuke, đại diện Công ty Viện Công nghệ Đông Nhật Bản cho biết.
Toàn cảnh các gian hàng thu hút sinh viên đến tham dự phỏng vấn của 24 doanh nghiệp Nhật Bản. Ảnh: DT
Tận dụng cơ hội để học hỏi
Sau khi tham gia phỏng vấn của ba công ty, nam sinh Nguyễn Thế Hiệp, ngành Kỹ thuật điện, ĐH Bách khoa Hà Nội đã được một công ty ngỏ lời mời làm việc. Tuy nhiên, nam sinh đã không nhận lời ngay mà xin doanh nghiệp cho tiếp tục vào vòng 2 phỏng vấn để cạnh tranh công bằng với các bạn khác.
“Những công ty em được lựa chọn đều rất là tốt. Tuy nhiên, em muốn có một cách nhìn đầy đủ hơn về doanh nghiệp cũng như năng lực bản thân trước khi đưa ra lựa chọn sẽ đầu quân về đâu. Vì vậy, em đã xin doanh nghiệp phỏng vấn vòng 2.
Bên cạnh đó, khi đến với môi trường mới, đất nước khác ngoài năng lực bản thân mỗi người cần thành thạo ngôn ngữ, hiểu văn hóa của đất nước đó. Do đó, em chưa vội nhận lời mà muốn dành thêm thời gian để học tiếng Nhật cho thật tốt”, Thế Hiệp giải thích.
Trước đó, Thế Hiệp đã có thời gian 10 ngày thực tập ở Nhật Bản, được trải nghiệm qua hai công ty, đó cũng là một lợi thế giúp Hiệp thuận lợi nhiều hơn các bạn khi tham dự phỏng vấn lần này.
Theo PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội, các doanh nghiệp Nhật Bản đánh giá rất cao sinh viên của Việt Nam, đặc biệt là đức tính cần cù, chịu khó, sáng tạo. Đó cũng là điều hấp dẫn các doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài.
Đối với các doanh nghiệp nước ngoài, điểm yếu của sinh viên Việt Nam chính là ngôn ngữ. Theo đó, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng như nhiều trường khác đang chú trọng đào tạo ngoại ngữ và trang bị cho sinh viên những kỹ năng mềm khác để đáp ứng được yêu cầu khắt khe của doanh nghiệp trong nước cũng như quốc tế đưa ra.
Từ thực tế cho thấy, đối với nhiều doanh nghiệp Nhật Bản khi phỏng vấn nhân sự hay tuyển dụng người mới ra trường hoặc sinh viên năm cuối, họ chưa yêu cầu quá cao về kiến thức chuyên môn. Yếu tố họ coi trọng và luôn đòi hỏi các ứng viên phải có là ngoài những kiến thức cơ bản, cần có tính cầu thị, chịu khó đặc biệt đam mê với lĩnh vực mà họ cần.
Theo thông tin từ Cục phó Cục Quản lý lao động ngoài nước Phạm Viết Hương cho biết: Tính đến hết năm 2022, đã có hơn 345.000 lao động Việt Nam đang làm việc, sinh sống tại Nhật Bản. Trong số này có 65.000 lao động kỹ thuật, kỹ sư, phiên dịch viên.