Kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng tích cực, xuất khẩu và công nghiệp đóng góp lớn
Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024 cho thấy, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng tích cực trong cả 3 khu vực, đặc biệt chỉ số PMI ngành công nghiệp tháng 7 đạt mức cao nhất trong 5 năm, xuất khẩu tăng mạnh 19,1% so với cùng kỳ.
Sáng 5/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2024 với chương trình thảo luận gồm nhiều nội dung quan trọng.
Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, các Phó Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan thuộc Chính phủ, lãnh đạo các cơ quan: Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội.
Phiên họp tập trung thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm, tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới và một số nội dung quan trọng khác.
Các báo cáo, ý kiến phát biểu tại phiên họp thống nhất đánh giá, tình hình kinh tế – xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm đạt 13 kết quả nổi bật.
Thứ nhất, kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng tích cực trong cả 3 khu vực. Khu vực nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng ổn định.
Khu vực công nghiệp phục hồi tốt, tháng 7 tăng 0,7% so với tháng 6 và tăng 11,2% so với cùng kỳ; tính chung 7 tháng tăng 8,5%. Có 60/63 địa phương có chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 7 tăng so với cùng kỳ, trong khi có 3 địa phương giảm. Đặc biệt, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 7/2024 đạt 54,7 điểm – cao nhất kể từ tháng 11/2018 với sản lượng, đơn hàng mới tăng mạnh.
Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 7 tăng 9,4%, 7 tháng tăng 8,7%.
Thứ hai, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát tốt, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng tăng 4,12%, tăng 0,04% so với tháng 6 (lạm phát cơ bản tăng 2,73%, tăng 0,02% so với tháng 6) trong bối cảnh tăng lương cơ bản. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm (xuất khẩu gạo đạt 5,18 triệu tấn, kim ngạch gần 3,3 tỷ USD, tăng lần lượt 5,8% và 25,1% so với cùng kỳ); thị trường lao động phục hồi tốt, cơ bản bảo đảm cân đối cung cầu lao động.
Thứ tư, thu ngân sách Nhà nước tăng mạnh, tình hình tài chính – ngân sách Nhà nước tiếp tục được cải thiện. Tổng ngân sách Nhà nước 7 tháng ước đạt 69,8% dự toán năm, tăng 14,6% so với cùng kỳ (trong khi đã thực hiện miễn, giảm 87.200 tỷ đồng thuế, phí, lệ phí). Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách được kiểm soát thấp hơn giới hạn quy định.
Thứ năm, du lịch phục hồi mạnh, vượt cùng kỳ trước đại dịch. Khách quốc tế tháng 7 đạt 1,15 triệu lượt; tính chung 7 tháng đạt gần 10 triệu lượt, tăng 51% so với cùng kỳ 2023 và tăng 1,9% so với cùng kỳ 2019 trước khi có đại dịch COVID-19.
Thứ sáu, đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng. Giải ngân vốn đầu tư công 7 tháng đạt 34,68% kế hoạch. Thu hút FDI đạt 18 tỷ USD, tăng 10,9%; vốn FDI thực hiện đạt 12,55 tỷ USD, tăng 8,4%, cao nhất trong 5 năm qua.
Thứ bảy, phát triển doanh nghiệp tiếp tục xu hướng tích cực. Tháng 7 có 14.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 7,3% so với cùng kỳ; tính chung 7 tháng có 139.500 doanh nghiệp thành lập mới và tái gia nhập thị trường, tăng 5,9% so với cùng kỳ (cao hơn số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường).
Thứ tám, các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm. Tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm 77 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ. Triển khai đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội theo tiền lương mới từ ngày 1/7/2024. Tổng số kinh phí trợ cấp, phụ cấp ưu đãi người có công với cách mạng tăng thêm hơn 5.300 tỷ đồng. Trong tháng 7 có 95,8% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ.
Thứ chín, thực hiện cải cách chính sách tiền lương từ tháng 7/2024, nhận được sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước.
Thứ mười, tập trung xây dựng và đã cơ bản hoàn thành việc ban các nghị định hướng dẫn các Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Mười một, cải cách hành chính, nhất là cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 và phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, góp phần củng cố niềm tin trong nhân dân.
Mười hai, chính trị – xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Việc đồng chí Tô Lâm được Trung ương bầu làm Tổng Bí thư với số phiếu tuyệt đối 100% đã khẳng định sự đoàn kết, thống nhất rất cao. Đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín, vị thế đất nước được nâng lên; nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam.
Mười ba, kịp thời khắc phục hậu quả thiên tai, lũ lụt, nhất là hỗ trợ các gia đình có người thân bị thiệt mạng, nhà ở bị cuốn trôi, hư hỏng…