tpnest.asia - Chuyên thiết bị âm thanh nhà yến

Kinh tế Việt Nam trước cơ hội tăng tốc, bứt phá

Dự báo từ các tổ chức quốc tế cho thấy, khả năng phục hồi của kinh tế toàn cầu năm 2024 chưa rõ ràng. Ở trong nước, thời cơ và thách thức đan xen khiến kinh tế Việt Nam được dự báo vẫn còn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Kinh tế Việt Nam trước cơ hội tăng tốc, bứt phá
(Ảnh minh họa: TTXVN)

Trong bối cảnh đó, mục tiêu phấn đấu GDP tăng trưởng 6-6,5% đặt ra trong năm 2024 thể hiện quyết tâm của Quốc hội, Chính phủ trong việc tiếp tục phục hồi, phát triển bền vững kinh tế-xã hội đất nước.

Nhiều nhận định cho thấy tác động từ sự suy giảm kinh tế thế giới dồn nén từ thời kỳ Covid-19 đến nay có khả năng tiếp tục tác động đến nền kinh tế Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 trước khi đón nhận những dấu hiệu tích cực hơn. Tuy vậy, kinh tế Việt Nam sẽ vẫn có cơ hội phục hồi tốt hơn nhờ các chính sách hỗ trợ được ban hành trong năm 2023. Các động lực về đầu tư công, tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy sẽ có tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành kinh tế, góp phần quan trọng vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế. Những vấn đề tồn đọng, bất cập kéo dài, những vướng mắc trên thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… được tập trung tháo gỡ cũng sẽ tạo sự chuyển biến tích cực hơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.

Về cơ cấu kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản được dự báo sẽ duy trì đà tăng trưởng tích cực, tiếp tục là “bệ đỡ” quan trọng của nền kinh tế. Khu vực công nghiệp và xây dựng vẫn gặp nhiều thách thức nhưng hoạt động sản xuất, kinh doanh đang tốt dần lên, là động lực để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6-6,5% trong năm 2024. Khu vực dịch vụ được kỳ vọng vẫn là điểm sáng khi một số ngành thương mại có thể duy trì đà tăng trưởng nhờ các chính sách thương mại và thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Theo các chuyên gia kinh tế, dư địa tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam năm 2024 vẫn tập trung vào các động lực tăng trưởng chính. Đó là cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và doanh nghiệp; thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân vốn đầu tư công; kích thích tổng cầu trong nước để thúc đẩy tiêu dùng; đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Đáng lưu ý, triển vọng kinh tế Việt Nam được dự báo sẽ đón nhận thêm nhiều động lực tăng trưởng mới như khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đặc biệt là các ngành công nghiệp công nghệ cao như chip bán dẫn, AI, điện tử và lĩnh vực năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời…

Đáng lưu ý, cơ quan xếp hạng tín dụng Fitch Ratings mới đây đã đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ đạt 6,3% vào năm 2024 và 7% vào năm 2025. Trong khi đó, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cũng dự báo kinh tế Việt Nam có thể duy trì mức tăng trưởng 6%; Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo Việt Nam đứng thứ 20 thế giới với mức tăng trưởng đạt 5,8% trong năm 2024…

Để thực hiện thành công toàn diện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, Chính phủ đã đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cùng những hành động cụ thể nhằm quyết liệt thực hiện nhằm thực thi chính sách vào cuộc sống. Dự báo nền kinh tế phải đối mặt với nhiều diễn biến khó lường của tình hình địa chính trị thế giới, từ đó tác động bất lợi đến tình hình trong nước, nhưng năm 2024 được xác định là thời điểm bứt phá của chặng đường kinh tế 5 năm 2021-2025. Với tâm thế đó, cả hệ thống chính trị đều phải quyết tâm hành động bằng nỗ lực cao nhất, tận dụng cơ hội để tăng tốc, bứt phá.

 

TÔ HÀ

công ty TNHH DKK

Bạn cũng có thể thích