Tư vấn - xây dựng và lắp đặt nhà nuôi chim yến

Đầu tư dự án cao tốc TP.HCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành theo phương thức đối tác công tư

Tại kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Bình Dương khóa X vừa ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành (đoạn qua tỉnh Bình Dương) theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Tuyến đường huyết mạch cần sớm được đầu tư để tạo động lực phát triển

Dự án đầu tư xây dựng cao tốc TP.HCM – Chơn Thành là trục cao tốc Bắc – Nam của tỉnh Bình Dương, Bình Phước (trục xuyên tâm cắt qua đường Vành đai 4, Vành đai 3, dẫn đến đường Vành đai 2 TP.HCM), nối tiếp tuyến cao tốc Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước).

Đầu tư dự án đường cao tốc TP.HCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành theo phương thức đối tác công tư - Ảnh 1.

Cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành là tuyến huyết mạch tạo động lực phát triển cho vùng Đông Nam Bộ. (Ảnh minh họa)

Do đó, tuyến cao tốc này có ý nghĩa, vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế – xã hội gắn với củng cố an ninh quốc phòng của vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. HĐND tỉnh Bình Dương xác định, tuyến cao tốc này cần sớm được đầu tư để tạo động lực phát triển, hạn chế tăng chi phí theo thời gian và góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bình Dương lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025.

Hướng tuyến của dự án phù hợp với hướng tuyến đã được Bộ GTVT thống nhất với UBND tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước, phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021.

Cụ thể, từ vành đai 3 TP.HCM tuyến đi trùng ĐT 743, ĐT 747 tới trước cầu Khánh Vân, sau đó chuyển hướng rẽ trái tách khỏi đường hiện tại, đi men Suối Cái và song song với ĐH 409. Tuyến cắt ĐT 747A tại Cổng Xanh, sau đó đi song song và giao cắt với ĐT 741, cắt đường tạo lực Bắc Tân Uyên – Phú Giáo – Bàu Bàng, lên xã An Long huyện Phú Giáo đến ranh tỉnh Bình Phước.

Điểm đầu tại Vành đai 3 TP.CHM thuộc địa phận TP Thuận An, tỉnh Bình Dương; điểm cuối tại ranh giới tỉnh Bình Dương và tỉnh Bình Phước (Km 52+247 theo lý trình dự án).

Tổng chiều dài tuyến khoảng 45,747 km. Quy mô: đường cao tốc, vận tốc thiết kế: 100 km/h; Loại, cấp công trình: công trình giao thông, cấp I. Đầu tư phân kỳ như sau: Đoạn từ Vành đai 3 (Km 0+00) đến cầu Khánh Vân (Km 6+500) giữ nguyên hiện trạng, chỉ nghiên cứu các giải pháp tổ chức giao thông tại các vị trí nút giao trên nguyên tắc hạn chế tối đa việc giải phóng mặt bằng. Đoạn từ cầu Khánh Vân (Km 6+500) đến cuối tuyến: Giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch (bề rộng 60m) và đầu tư 4 làn xe cao tốc đầy đủ (có làn dừng khẩn cấp liên tục).

Thiết kế nút giao, công trình cầu, đầu tư các nút giao khác mức liên thông gồm: nút giao Khánh Vân, nút giao Vành đai 4, nút giao ĐT 741, nút giao Tạo lực Phú Giáo – Bàu Bàng…

Công trình cầu gồm có đầu tư cầu cạn, cầu vượt dòng chảy, cầu vượt ngang đường và các cầu trong nút giao liên thông phù hợp với quy mô bốn làn xe cao tốc và các nút giao. Công trình vượt ngang đường tại các vị trí giao cắt đường tỉnh lộ, huyện lộ bố trí cầu vượt trực thông, hầm chui. Cùng đó là hệ thống đường gom giữa các nút giao và các điểm liên hệ ngang trên tuyến đảm bảo tận dụng tối đa đường địa phương hiện có.

Các đoạn tuyến có nhu cầu lớn được thiết kế phù hợp với lưu lượng xe trong khu vực trên nguyên tắc bảo đảm đủ lưu thông cho hai làn xe cơ giới. Ngoài ra, kết hợp sử dụng hệ thống đường bộ hiện tại để liên hệ hai bên tuyến.

Dự án có tổng vốn hơn 17.400 tỷ đồng

Theo quyết nghị của HĐND tỉnh Bình Dương, dự án xây dựng – kinh doanh – chuyển giao tuyến cao tốc này sơ bộ có tổng mức đầu tư 17.408,39 tỷ đồng (bao gồm lãi vay).

Trong đó, vốn tham gia của Nhà nước là 8.530,11 tỷ đồng (đảm nhiệm các hạng mục bao gồm toàn bộ chi phí giải phóng mặt bằng, hỗ trợ chi phí xây dựng khoảng 246 tỷ đồng. Vốn huy động từ Nhà đầu tư là 8.878,28 tỷ đồng; trong đó, 70% vốn vay ngân hàng, 30% vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư.

Đầu tư dự án đường cao tốc TP.HCM-Thủ Dầu Một-Chơn Thành theo phương thức đối tác công tư - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch HĐND tỉnh Bình Dương chủ trì kỳ họp thứ 13, HĐND tỉnh Bình Dương khóa X vừa ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành.

Cơ quan có thẩm quyền là UBND tỉnh Bình Dương; Nhà đầu tư đề xuất là Liên danh Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – CTCP – Công ty Cổ phần phát triển hạ tầng kỹ thuật – Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả – Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả (Liên danh).

Hình thức lựa chọn nhà đầu tư thông qua đấu thầu, trong đó, phân chia dự án thành phần 1 (giải phóng mặt bằng); thành phần 2 (đầu tư xây dựng đường cao tốc TP.HCM – Thủ Dầu Một – Chơn Thành – đoạn qua tỉnh Bình Dương).

UBND tỉnh sẽ phân công, chỉ đạo các sở, ngành có liên quan phối hợp chịu trách nhiệm hoàn thiện và đăng tải thông báo mời khảo sát theo quy định; Chủ trì làm việc cùng TP.HCM, tỉnh Bình Phước về các phương án kết nối giao thông.

Liên danh Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp – CTCP – Công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng kỹ thuật – Công ty Cổ phần Tập đoàn Đèo Cả – Công ty Cổ phần Đầu tư hạ tầng giao thông Đèo Cả hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt dự án này.

Được biết, dự án đi qua địa giới hành chính các huyện, thành phố gồm: Thuận An, Tân Uyên, Bắc Tân Uyên, Phú Giáo, Bàu Bàng thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương. Dự kiến thời gian chuẩn bị và thi công năm 2023 – 2027. Nhu cầu sử dụng đất khoảng 322,5ha…

công ty TNHH DKK

Bạn cũng có thể thích
Dark mode