KTS. Nguyễn Quốc Học: Cống hiến cho quê hương thay cho lòng biết ơn
Với Kiến trúc sư (KTS) Nguyễn Quốc Học, vùng đất Tây Nguyên có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong cuộc đời anh. Đây không chỉ là nơi anh sinh ra và lớn lên mà cảnh vật, địa lý, thổ nhưỡng,… và con người nơi đây đã hun đúc cho anh một tâm hồn đẹp, một cách nhìn nhận cuộc sống hài hòa thông qua các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật mà anh tham gia. “Khi chọn mảnh đất này lập nghiệp và cống hiến, tôi thấy đây như là một sự trả ơn cho miền đất mà chính tôi đang nợ vậy…”, KTS. Nguyễn Quốc Học tâm sự.
Gắn bó với vùng đất Tây Nguyên
KTS. Nguyễn Quốc Học sinh ra và lớn lên tại Gia Nghĩa – một thành phố nằm trên cao nguyên M’Nông thơ mộng, thuộc tỉnh Đắk Nông. Anh trưởng thành trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật khi bố vừa là một nhà văn, vừa có thể vẽ rất giỏi và mẹ là một giáo viên. Có lẽ chính điều này mà nghệ thuật trong anh đã được tưới tắm hàng ngày rồi đâm chồi nảy lộc và ăn sâu vào máu thịt, giúp anh hoạt động tốt trên nhiều lĩnh vực như hôm nay.
Gần 40 năm gắn bó với Tây Nguyên và hơn 15 năm hoạt động trong nghề kiến trúc, Nguyễn Quốc Học đã thiết kế gần 1000 ngôi nhà ở, biệt thự cả vùng Tây Nguyên, với khoảng 20-30 những ngôi chùa, nhà thờ, cơ sở thờ tự cho vùng đất này. Anh còn là người chủ trì thiết kế những công trình trụ sở, công trình văn hóa mang đậm nét kiến trúc Tây Nguyên. Công trình nổi bậc nhất hiện nay phải kể đến là chùa Pháp Hoa – cơ quan Tỉnh hội Phật Giáo, công trình có nét kiến trúc Á Đông và Tây Nguyên, đây là địa điểm không thể thiếu khi du khách đặt chân đến Đắk Nông. Công trình này đạt giải C (không có giải A, B) về lĩnh vực kiến trúc của Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Nông lần thứ 2.
“Trong suốt những năm tháng gắn bó với nghề, tôi luôn trăn trở là phải làm thế nào để có thể tạo ra những tác phẩm kiến trúc không chỉ đẹp về hình thức mà còn chạm đến nơi sâu nhất của trái tim con người. Để từ đó khơi gợi lại khát vọng khôi phục, phát triển và bảo vệ vẻ đẹp, giá trị của kiến trúc Tây Nguyên nói riêng và kiến trúc của cả nước nói chung”, anh tâm sự.
Không chỉ dồn tâm huyết cho những phép tính, những con số để rồi tỉ mỉ xây nên những bản thiết kế đẹp nhất, KTS. Nguyễn Quốc Học còn dành tình yêu, niềm đam mê chân thành cho văn học nghệ thuật. Anh đã xuất bản trên 20 đầu sách về các lĩnh vực âm nhạc, tôn giáo, kiến trúc, khoa học, đặc biệt là các tập thơ… để phục vụ cho đời sống tinh thần của người dân Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. Thơ của Nguyễn Quốc Học chính là những chiêm nghiệm về tình yêu quê hương, đất nước, con người, tình yêu cuộc sống, gia đình, chất thơ nhẹ nhàng, bay bổng nhưng đầy nhiệt huyết và yêu thương. Phần lớn các bài thơ của anh đều phảng phất hình ảnh của phố thị Gia Nghĩa, hình ảnh của rừng núi Tây Nguyên… Và tập thơ “Miền đất bình yên” của anh đã đạt giải C của Giải thưởng Văn học Nghệ thuật tỉnh Đắk Nông lần thứ 2.
Cùng với thơ, KTS. Nguyễn Quốc Học cũng đã sáng tác trên 200 ca khúc mang âm hưởng vùng đất Tây Nguyên và nhiều vùng miền trên lãnh thổ Việt Nam, trong đó có trên 10 ca khúc trong Album Miền đất thơ được sáng tác mượn những làn điệu của vùng đất này đã được công chúng yêu nhạc quan tâm, đón nhận. Và ca khúc “Hạt Pháp ươm mầm bazan” được viết về tư tưởng Phật giáo mượn làn điệu Tây Nguyên vừa nhận được giải A trong Cuộc thi sáng tác ca khúc Phật giáo của 5 tỉnh Tây Nguyên. Mỗi một ca khúc anh viết đều là một thành quả nghệ thuật chứa đầy tâm huyết, sự chân thành và khát khao sáng tạo mãnh liệt. Lắng nghe các ca khúc anh viết, người ta có thể thấy được tâm hồn nhạy cảm của một nghệ sĩ đích thực. Bởi, trong mỗi ca từ đều mang theo những khát vọng chân thành, mãnh liệt nhất về tình yêu, con người và về cuộc đời.
Phấn đấu như một sự trả ơn
Có thể thấy rằng, hầu hết sự nghiệp của KTS. Nguyễn Quốc Học đều gắn liền với vùng đất Tây Nguyên.
“Khi chọn mảnh đất này để trở về lập nghiệp và cống hiến, tôi thấy đây như là một sự trả ơn cho miền đất mà chính tôi đang nợ vậy… Tây Nguyên chính là nguồn động lực to lớn để tôi luôn cố gắng, phấn đấu, góp một phần công sức nhỏ bé của mình trong việc lan tỏa những giá trị tốt đẹp của miền đất này đến với người dân cả nước thông qua việc làm cụ thể nhất” Nguyễn Quốc Học bộc bạch.
Anh cho biết, hiện tại, anh đang có rất nhiều kế hoạch, dự định trong tương lai. Dù không biết sức mình làm được tới đâu, nhưng anh sẽ cố gắng hết sức, hoàn thành công trình tâm huyết cả đời anh ấp ủ, đó là làm cho được bộ sách Lịch sử Kiến trúc Việt Nam. Và cuốn sách Kiến trúc Tây Nguyên chính là ấn phẩm mở đầu cho bộ sách này. Anh đã dành gần 10 năm nghiên cứu, tìm tòi, khám phá về kiến trúc của Tây Nguyên, mang đến cho độc giả kiến thức tổng quát nhất về đặc điểm, đặc trưng, văn hóa xây dựng của kiến trúc vùng Tây Nguyên, là tài liệu quý giá cho những ai yêu thích, tìm hiểu khám phá về vùng đất này.
Từ tình yêu sâu nặng với quê hương, KTS. Nguyễn Quốc Học đã mang tâm huyết, trí tuệ, tài năng của tuổi trẻ để làm phong phú, giàu đẹp trên chính quê hương của mình. Giờ đây, KTS. Nguyễn Quốc Học vẫn đang từng ngày miệt mài, tìm kiếm những chủ đề mới, những ngóc ngách chưa được khám phá để vận dụng vào thiết kế các công trình kiến trúc, thi ca, âm nhạc và những trang sách mang đậm nét văn hóa, đóng góp cho sự phát triển của Tây Nguyên và cho nước Việt yêu thương.