Lái xe sử dụng rượu, bia: Ám ảnh tai nạn giao thông
Thống kê cho thấy có 541 vụ tai nạn giao thông (TNGT) khiến hơn 700 người thương vong dịp nghỉ Tết Nguyên đán 2024.
Đáng nói có nhiều vụ TNGT mà nguyên nhân từ việc lái xe có sử dụng bia, rượu. Theo Bộ Công an, văn hóa ẩm thực Việt Nam có nhiều điểm đặc thù, vì vậy việc giữ nồng độ cồn bằng 0 khi lái xe là cần thiết.
Đã sử dụng bia, rượu thì chớ lái xe
Ngày 22/2, Cục Cảnh sát giao thông (CSGT) Bộ Công an cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an huyện Lương Sơn, Hòa Bình đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Bùi Văn Tuyến (23 tuổi, trú tại xã Thanh Cao, Lương Sơn, Hòa Bình) để điều tra về tội: “Giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”.
Căn cứ vào kết quả điều tra, tối 3/2, anh Bùi Văn Tuyến uống rượu cùng anh B.C.T. (21 tuổi, trú tại Lương Sơn, Hòa Bình) và 2 người khác. Đến 21 giờ 45 phút cùng ngày, anh B.C.T. mượn xe máy mang biển số 28G1- 350.XX của anh Tuyến để đi đón bạn gái.
Khi đến Km 450+ 600 đường Hồ Chí Minh (đoạn qua Chợ Bến, xã Thanh Cao, Lương Sơn) thì xảy ra va chạm với xe máy biển số 29E1- 647.XX do anh N.V.H. (23 tuổi, trú tại Lương Sơn, Hòa Bình) điều khiển. Hậu quả, anh T. và anh H. tử vong.
Theo kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an), nồng độ cồn trong máu của anh B.C.T. là 90mg/100ml máu. Cơ quan CSĐT xác định, anh Bùi Văn Tuyến là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, nhận thức được hành vi vi phạm của mình. Đáng nói, anh Tuyến biết rõ B.C.T. đã sử dụng rượu bia, không đủ điều kiện điều khiển phương tiện nhưng vẫn giao xe máy cho anh T. sử dụng và dẫn đến TNGT.
Ngày 21/2, cơ quan CSĐT, Công an huyện Lương Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Bùi Văn Tuyến, quy định tại Khoản 2, Điều 264 Bộ luật Hình sự. Bị can Bùi Văn Tuyến được áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm rời khỏi nơi cư trú.
Theo Cục CSGT, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, lực lượng CSGT toàn quốc đã xử lý 71.409 trường hợp vi phạm, phạt tiền 182 tỷ 425 triệu đồng. Trong đó về xử lý vi phạm về nồng độ cồn, đã phát hiện, xử lý 29.099 trường hợp (chiếm 41,25% tổng số vi phạm về trật tự ATGT).
Một số địa phương xử lý vi phạm nồng độ cồn cao như: TPHCM (2.576 trường hợp), Hà Nội (1.167 trường hợp), Đồng Nai (1.060 trường hợp), Bắc Giang (975 trường hợp), Nghệ An (886 trường hợp)…
Cơ sở để cấm tuyệt đối?
Theo Bộ Công an, việc kiểm soát vi phạm nồng độ cồn đối với lái xe đang phát huy rất hiệu quả. Trong năm 2023, sau khi lực lượng chức năng tăng cường xử lý đối với người điều khiển phương tiện vi phạm nồng độ cồn, số vụ TNGT liên quan đến sử dụng rượu bia giảm 25% số vụ, 50% số người chết và 22% số người bị thương so với cùng kỳ năm 2022. Do đó, cần tiếp tục duy trì việc kiểm soát, xử lý quyết liệt, phát huy hơn nữa của chủ trương này.
Cụ thể, Bộ Công an đang lấy ý kiến các cơ quan, đơn vị về dự thảo báo cáo, giải trình một số nội dung mới trong dự Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Dự luật được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua.
Bộ Công an cho hay, việc sử dụng rượu bia khi lái xe là vấn đề xã hội không chỉ ở Việt Nam mà cả trên thế giới. Do đó, hiện nay, các quốc gia trên thế giới quy định xử lý rất nghiêm khắc đối với người điều khiển phương tiện có nồng độ cồn, chia làm 2 nhóm: Nhóm các quốc gia nghiêm cấm tuyệt đối và Nhóm các quốc gia quy định về ngưỡng nồng độ cồn trong máu, trong hơi thở được phép đối với người lái xe, theo đối tượng: Mức chuẩn, người lái xe thương mại và người lái xe mới.
Tuy nhiên, Bộ Công an nhấn mạnh, trong điều kiện văn hóa và giao thông ở Việt Nam hiện nay, thực sự rất cần nồng độ cồn bằng 0 khi điều khiển phương tiện. Lý giải về điều này, Bộ Công an cho rằng, điều kiện giao thông ở Việt Nam hiện nay có nhiều đặc thù; giao thông trên đường tại Việt Nam đòi hỏi tài xế phải duy trì sự tỉnh táo và sự phản xạ nhanh hơn rất nhiều lần nếu tình huống bất ngờ xảy ra.
Bộ Công an dẫn chứng kết quả khảo sát của một số tổ chức quốc tế, rằng Việt Nam là một trong số nước có mức tiêu thụ rượu, bia và đồ uống có cồn cao trên thế giới. Đây là tỷ lệ rất đáng báo động. Do đó, theo Bộ Công an, việc kiểm soát chặt chẽ nồng độ cồn ngoài ý nghĩa đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông còn có ý nghĩa xã hội sâu sắc.
“Trong khi đó, văn hóa ẩm thực Việt Nam có nhiều điểm đặc thù, có tính cả nể. Nếu quy định nồng độ bằng không thì không uống. Nhưng nếu có một hạn mức nào đó thì lái xe có thể gặp trường hợp bị ép uống. Bên cạnh đó, đồ uống có cồn gây nghiện, đã bắt đầu uống là không dễ dừng, mà khi đã say thì sẽ khó nhớ luật quy định gì. Có trường hợp nhậu từ hôm trước mà hôm sau vẫn bị phạt vì uống quá nhiều hoặc do cơ địa, nhiều người hôm trước nhậu say, hôm sau vẫn váng đầu nhức óc cả ngày, ảnh hưởng tới khả năng lái xe…”, Bộ Công an nêu rõ.
Bên cạnh đó, Bộ Công an cũng nhấn mạnh về ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân hiện nay chưa tốt, xem thường pháp luật, cố ý vi phạm pháp luật về giao thông, thậm chí thách thức lực lượng chức năng khi bị kiểm tra, xử lý. “Khi một ý thức tồi có thể cướp đi sinh mạng của nhiều người, do đó, xã hội rất cần sự nghiêm khắc…”, Bộ Công an cho hay.
Ngoài ra, Bộ Công an nêu rõ, quy định cấm người tham gia giao thông điều khiển phương tiện sau khi sử dụng rượu, bia đã được quy định tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Luật không cấm uống rượu, bia mà chỉ cấm uống rượu, bia sau đó điều khiển phương tiện tham gia giao thông.
Sáng 22/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp Phiên thứ 30, xem xét nhiều nội dung quan trọng. Tại phiên họp, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Dương Thanh Bình đã trình bày báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 12/2023 và tháng 1/2024. Báo cáo cũng nêu, cử tri đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của lực lượng CSGT trong việc ra quân kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện giao thông, làm tăng ý thức chấp hành pháp luật về ATGT đường bộ.