tpnest.asia - Chuyên thiết bị âm thanh nhà yến

‘Liệu cơm gắp mắm’ làm cao tốc 2 làn xe

Do ngân sách hạn chế, khó huy động nguồn lực xã hội nên một số cao tốc chỉ có hai làn xe, một số đoạn không có dải phân cách cứng và sẽ được nâng lên 4-6 làn vào giai đoạn hoàn chỉnh.

Cao tốc Nội Bài - Lào Cai đưa vào khai thác đã mang lại hiệu quả to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh vùng Tây Bắc (Ảnh internet).
Cao tốc Nội Bài – Lào Cai đưa vào khai thác đã mang lại hiệu quả to lớn trong phát triển kinh tế – xã hội các tỉnh vùng Tây Bắc (Ảnh internet).

Ngân sách hạn hẹp, đầu tư cao tốc chủ yếu bằng vốn vay

Năm 2014, với việc khánh thành 265km cao tốc Nội Bài – Lào Cai, lần đầu tiên có một tuyến cao tốc có 2 làn xe được đưa vào khai thác.

Tuyến cao tốc có tổng mức đầu tư hơn 1,46 tỷ USD này đi qua địa bàn 5 tỉnh gồm: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai. Trong đó, đoạn Hà Nội – Yên Bái có 4 làn xe, vận tốc tối đa 100 km/h; Đoạn Yên Bái – Lào Cai có 2 làn xe, vận tốc tối đa 80km/h.

Tuyến đường đã rút ngắn hơn một nửa thời gian lưu thông đến các tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang (từ 7 giờ còn 3,5 giờ), tiết kiệm 20-30% phí vận tải. Tổng tiết kiệm cho xã hội khoảng 1.800 tỷ đồng mỗi năm.

Không lâu sau khi đưa vào khai thác, Nội Bài – Lào Cai trở thành tuyến giao thông huyết mạch, góp phần phát triển mạnh mẽ kinh tế – xã hội của các địa phương đi qua. Trong đó, Lào Cai là địa phương được hưởng lợi lớn nhất.

Thống kê cho thấy, nếu như kim ngạch xuất, nhập khẩu qua Lào Cai trước năm 2014 chỉ đạt hơn 1 tỷ USD, đến năm 2019 con số này đã đạt 3,8 tỷ USD, tăng 3,2 lần. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng từ 3.500 tỷ đồng (năm 2013) lên 5.500 tỷ đồng năm 2015 và đạt 9.089 tỷ đồng vào năm 2020.

Cần nói thêm rằng, theo kế hoạch ban đầu, đơn vị tài trợ vốn là Ngân hàng Châu Á cho vay số tiền đủ để làm 4 làn xe toàn tuyến. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn ngân sách dành cho đầu tư hạ tầng còn hạn hẹp, để tiết kiệm cho ngân sách, làm thêm nhiều công trình giao thông khác để phát triển kinh tế – xã hội, đoạn tuyến Yên Bái – Lào Cai được cắt giảm xuống còn 2 làn xe.

Không chỉ cao tốc Nội Bài – Lào Cai, giai đoạn 2010-2020, ngành giao thông đã tiết giảm được hơn 100.000 tỷ đồng từ các hạng mục chưa cần thiết để đầu tư các công trình giao thông có tính cấp thiết khác, ưu tiên số một phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, phát triển kinh tế.

Giai đoạn tiếp theo, các tuyến cao tốc 2 làn xe khác được Bộ GTVT và các địa phương đề xuất Chính phủ, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư là: Cam Lộ – La Sơn, La Sơn – Hòa Liên, Hòa Lạc – Hòa Bình, Thái Nguyên – Chợ Mới.

Đại hội Đảng lần thứ XIII đã xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 cả nước có 3.000km đường cao tốc, tới năm 2030 có hơn 5.000km đường cao tốc. Như vậy, trong 9 năm cần phải hoàn thành hơn 3.700km cao tốc – một thách thức không hề nhỏ. Bởi gần 20 năm qua (tính đến năm 2020), Việt Nam chỉ mới đầu tư, hoàn thành đưa vào khai thác được gần 1.200km đường cao tốc, chỉ đạt bình quân gần 80km mỗi năm. Từ năm 2020 đến nay, sau rất nhiều nỗ lực, chúng ta đã có thêm hơn 729km, nâng tổng số đường cao tốc được đưa vào khai thác lên tới 1.892km.

Lý giải nguyên nhân tốc độ xây dựng cao tốc chậm, đặc biệt là giai đoạn trước năm 2020, Bộ GTVT cho rằng vốn ngân sách Nhà nước chỉ đáp ứng đầu tư cải tạo nâng cấp hệ thống quốc lộ. Vì thế, một số ít tuyến cao tốc được triển khai từ nguồn vốn ODA.

Các kênh khác gần như không khả thi. Rất ít hợp đồng dự án theo phương thức PPP được thực hiện, nhà đầu tư tư nhân không tham gia.

Tại dự án cao tốc Bắc – Nam phía đông giai đoạn 2017-2021, Bộ GTVT đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư 8 dự án theo phương thức PPP, nhưng chỉ có 3 dự án có nhà đầu tư quan tâm.

Giai đoạn 2021-2025, Bộ GTVT dự kiến nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông khoảng 462.000 tỷ đồng. Tuy vậy chỉ được phân bổ 304.105 tỷ đồng, đáp ứng 66% nhu cầu đầu tư. Phần lớn nguồn vốn này đều ưu tiên tập trung đầu tư các công trình đường bộ cao tốc.

Ông Lê Kim Thành – Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam

Cao tốc Cam Lộ – La Sơn.

Không quy định nào cấm làm cao tốc 2 làn xe

Không thể phủ nhận, các tuyến cao tốc 2 làn xe đã và đang góp phần rút ngắn thời gian đi lại giữa các vùng, miền, tạo thuận lợi kết nối các trung tâm kinh tế – chính trị, cảng biển và cảng hàng không quốc tế, tạo động lực, sức lan tỏa để phát triển kinh tế – xã hội.

Câu chuyện về cao tốc 2 làn xe chỉ được đưa ra mổ xẻ sau vụ tai nạn thương tâm trên cao tốc Cam Lộ – La Sơn khiến 3 người trong một gia đình thiệt mạng hôm 18/2. Một số ý kiến cho rằng cao tốc 2 làn xe, không có dải phân cách cứng không đạt chuẩn?

Trao đổi với PV Báo Giao thông, GS Dương Ngọc Hải, trường Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, một tuyến cao tốc lý tưởng là có nhiều làn xe, có dải phân cách giữa, có hàng rào, trạm dừng nghỉ, làn dừng khẩn cấp, hệ thống điều hành giao thông thông minh (ITS).

Tuy nhiên, suất đầu tư một tuyến cao tốc hoàn chỉnh như vậy sẽ rất lớn. Cao tốc Hà Nội – Hải Phòng là một ví dụ điển hình. Cũng vì nguồn vốn quá hạn hẹp mà số km cao tốc được đưa vào khai thác ở nước ta vẫn rất khiêm tốn.

Nếu cao tốc nào cũng yêu cầu hoàn chỉnh như vậy sẽ không đáp ứng được chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2021-2030 đã được Đại hội XIII của Đảng thông qua, trong đó xác định hạ tầng là một trong ba đột phá chiến lược, trong đó có mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía đông.

Tại Hàn Quốc, các tuyến cao tốc Yeongdong (dài 234km), Donghae (dài 204km) ban đầu được xây dựng với quy mô 2 làn xe.

Từ năm 1994 đến 2020, Hàn Quốc mới tiếp tục nâng cấp các tuyến cao tốc Yeongdong, Donghae lên tối thiểu 4 làn xe.

Nhật Bản cũng đã xây dựng một số tuyến cao tốc 2 làn xe (tuyến Hokkaido dài 414km), sau này được nâng lên 4 làn xe.

GS. Dương Ngọc Hải – Trường Đại học Xây dựng Hà Nội

Cũng theo ông Hải, việc phân kỳ đầu tư các tuyến đường bộ cao tốc là phù hợp với quy định pháp luật, quy hoạch và tiêu chuẩn thiết kế đã được quy định tại Luật Xây dựng năm 2014; Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Tiêu chuẩn thiết kế đường ô tô cao tốc TCVN 5729:2012.

Phân kỳ đầu tư cao tốc 2 làn xe chỉ là nhất thời. Do nguồn lực để đầu tư hạn chế nên cơ quan quản lý mới phải “liệu cơm gắp mắm” trong xây dựng đường cao tốc. Việc quyết định số năm phân kỳ bao nhiêu, tốc độ phân kỳ thế nào là do cơ quan quản lý Nhà nước quyết định. Không có quy định nào cấm không được làm cao tốc 2 làn xe.

“Làm bao nhiêu làn xe là do đã được tính toán trên cơ sở dự báo lưu lượng giao thông, phục vụ được năng lực thông hành ở năm tính toán. Trên cơ sở phát triển của phương tiện sẽ có lộ trình đầu tư mở rộng phù hợp”, GS Hải nói.

Số làn xe phụ thuộc vào lưu lượng xe

Khẳng định phương án đầu tư phân kỳ đường cao tốc là giải pháp phù hợp ở những giai đoạn nguồn lực đầu tư có hạn, theo PGS.TS Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ VN (Varsi), số lượng làn xe là bao nhiêu phải tùy thuộc vào lưu lượng xe từng khu vực sẽ quyết định số lượng làn xe phù hợp.

“Chúng ta không nên đổ lỗi cho việc đầu tư phân kỳ. Song, từ vụ tai nạn đáng tiếc trên tuyến cao tốc Cam Lộ – La Sơn vừa qua, các cơ quan quản lý cũng cần rà soát, đánh giá, bổ sung các biện pháp điều hành tổ chức giao thông để tăng mức độ an toàn”, ông Chủng nói.

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu các đơn vị chức năng tiếp tục phải giải phóng mặt bằng để thực hiện đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc đạt quy mô cao tốc hoàn chỉnh, nhất là đối với các tuyến đường bộ cao tốc quy mô 2 làn xe.

Trước đó, Thủ tướng cũng có yêu cầu quy hoạch đường cao tốc phải có tầm nhìn dài hạn, tổng thể, tiêu chuẩn hoàn thiện tối thiểu 4 làn xe ô tô, đủ làn dừng khẩn cấp, vận tốc thiết kế 80-100km/h.

“Với tinh thần này, những cao tốc có 2 làn xe và không có dải phân cách như cao tốc Nội Bài – Lào Cai, đoạn Yên Bái – Lào Cai, cao tốc La Sơn – Túy Loan giai đoạn 1, cùng một số dự án khác do địa phương đề nghị phân kỳ đầu tư đang có lưu lượng xe tăng cao sẽ cần được khẩn trương mở rộng”, ông Quyền nói.

Không chỉ tại Việt Nam, việc phân kỳ đầu tư cao tốc đang được thực hiện ở ngay cả các nước có nền kinh tế phát triển như Mỹ, Úc. Đầu tư phân kỳ sẽ giúp việc cân đối bố trí nguồn lực được phù hợp.

Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT

Đại diện Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cho biết, những tuyến cao tốc ở Việt Nam được đầu tư phân kỳ 2 làn xe đều là những đoạn tuyến lưu lượng không lớn ở thời điểm nghiên cứu. Khi lưu lượng chưa quá lớn, nếu đầu tư một tuyến đường rộng thênh thang rồi vắng bóng người đi sẽ dẫn đến lãng phí nguồn lực, không phát huy được hiệu quả đầu tư.

Nhìn lại vụ TNGT mới đây nhất trên tuyến Cam Lộ – La Sơn, chúng ta có thể thấy, nguyên nhân phần nhiều do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện.

Thực tế, các tuyến cao tốc được đầu tư phân kỳ 2 làn xe hiện hữu đang được khống chế tốc độ khai thác tương tự như tốc độ trên các quốc lộ. Song, theo TS Phan Lê Bình, rõ ràng, điều kiện khai thác tốt hơn rất nhiều vì không phải đi chung với xe máy, không có các mức giao đồng mức. Và thực tế là dù có thu phí và không phải đường độc đạo nhưng lượng xe đi các cao tốc được phân kỳ đầu tư vẫn đang tăng lên rất nhanh.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan đơn vị tập trung nghiên cứu, báo cáo phương án mở rộng để có cơ sở đề xuất các cấp có thẩm quyền bố trí nguồn lực, sớm đáp ứng nhu cầu của người dân.

Chuyên gia giao thông, TS Phan Lê Bình: Không nên đổ lỗi cho hạ tầng

Theo hình ảnh từ camera hành trình của xe container trong vụ tai nạn trên cao tốc Cam Lộ – La Sơn khiến 3 người tử vong, có thể thấy lỗi thuộc về người lái xe ô tô 7 chỗ đã vượt xe container khi làn đường bị bóp hẹp dần, vượt xe khi không đủ khoảng cách an toàn.
Chúng ta không nên đổ lỗi ngay cho hạ tầng giao thông. Trong điều kiện của nước ta, muốn kết nối toàn tuyến, việc buộc phải chọn phương án thiết kế hai làn xe là có thể hiểu được. Tại Nhật Bản, kiểu thiết kế tương tự như thế này cũng được áp dụng ở một số tuyến cao tốc nối đến vùng xa.

Tuy nhiên, đoạn La Sơn – Túy Loan là đoạn đường nằm trên trục giao thông chính của đất nước, có lưu lượng không quá thấp và có vị trí quan trọng, do đó cần xây dựng 4 làn xe.

Quan trọng hơn hết, với hạ tầng hiện nay, lái xe khi di chuyển trên các tuyến cao tốc hai làn xe, nhiều đoạn chưa có dải phân cách cứng, làn khẩn cấp không liên tục…, cần phải triệt để tuân thủ các biển báo, các quy định về tốc độ, về cấm vượt, cấm dừng xe. An toàn hay không phần nhiều thuộc về hành vi của người lái.

 

Nhóm phóng viên

công ty TNHH DKK

Bạn cũng có thể thích