Mạnh tay ngăn chặn thực phẩm bẩn
Năm 2023 sắp khép lại, chuẩn bị đến Tết Nguyên đán 2024, nhu cầu mua nông sản, thực phẩm tươi sống của người dân rất lớn. Đây cũng là thời điểm một số đối tượng xấu lợi dụng tung ra thị trường thực phẩm bẩn, bán kiếm lời, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân. Để ngăn chặn vấn nạn này, rất cần sự mạnh tay vào cuộc của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.
Thời gian qua, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ mua bán thực phẩm không rõ nguồn gốc, vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP). Ở Yên Bái, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường (Công an tỉnh Yên Bái) phối hợp Cục Quản lý thị trường tỉnh phát hiện xe ô-tô tải BKS 24H-014.98 do lái xe N.A.T (SN 1994, trú tại xã Việt Thành, huyện Trấn Yên) điều khiển, có biểu hiện nghi vấn.
Qua kiểm tra, thấy trên xe chở 200 thùng xốp đựng hàng hóa không có nhãn mác theo quy định, không xác định được nguồn gốc xuất xứ và không có hóa đơn, chứng từ kèm theo. Bên trong mỗi thùng chứa nầm lợn đông lạnh đã chuyển mầu thâm đen, với tổng trọng lượng hơn 10 tấn, tổng giá trị tang vật vi phạm ước tính hơn 1,3 tỷ đồng. Số hàng nêu trên được xác định là do Vùi Ngọc Khánh (SN 1996, trú tại xã Thanh Bình, huyện Mường Khương) mua gom trôi nổi trên địa bàn tỉnh Lào Cai từ tháng 8/2023 và đang trên đường vận chuyển về Hà Nội để tiêu thụ.
Tại Đồng Nai, Đội Cảnh sát Kinh tế Công an TP Biên Hòa phối hợp Công an phường Long Bình và Trạm Thú y của thành phố kiểm tra cơ sở giết mổ, sơ chế thịt lợn do bà D.T.K (46 tuổi, địa chỉ khu phố 5, phường Long Bình, làm chủ), phát hiện cơ sở đang sơ chế khoảng 1,2 tấn thịt lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ, đã bốc mùi hôi thối, không có tem dấu và bao bì kiểm tra thú y, không bảo đảm vệ sinh thú y. Bà D.T.K khai nhận, số thịt nêu trên là thịt của các con lợn đã chết do bệnh, được mua từ các trang trại ở TP Long Khánh và các địa bàn lân cận mang sơ chế chuẩn bị bán lại cho khách hàng ở Bình Dương và một số nơi khác.
Ở Bạc Liêu, Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh phối hợp lực lượng chức năng bất ngờ kiểm tra, bắt quả tang cơ sở của bà N.T.P (47 tuổi, chủ cơ sở kinh doanh mua bán, sơ chế tôm nguyên liệu ở ấp 4, xã Phong Thạnh Tây, thị xã Giá Rai) vì hành vi tổ chức bơm tạp chất vào khoảng 80 kg tôm sú nguyên liệu. Tại tỉnh Cao Bằng, Đội Quản lý thị trường số 5 (Cục Quản lý thị trường Cao Bằng), phát hiện ô-tô BKS 11C-0xx.xx do ông N.V.Q (thường trú tại thành phố Cao Bằng, điều khiển), dừng đỗ ven đường ở xã Phúc Sen, huyện Quảng Hòa, có dấu hiệu nghi vấn. Khi kiểm tra, trên xe có 800 kg chân giò lợn không có hóa đơn chứng từ, không rõ nguồn gốc xuất xứ hàng hóa… Cơ quan chức năng đã xử lý các vụ vi phạm theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, cả nước vẫn còn hơn 24 nghìn cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, trong đó chỉ có khoảng 18,6% số cơ sở được các cơ quan thú y kiểm soát, cho nên nguy cơ không bảo đảm vệ sinh thú y, ATTP là rất cao. Nhiều địa phương vẫn chưa triển khai xây dựng cơ sở giết mổ động vật tập trung, dẫn đến nguy cơ động vật không rõ nguồn gốc, mắc bệnh, nghi mắc bệnh được giết mổ, làm lây lan dịch bệnh, mất ATTP, gây bức xúc cho cộng đồng.
Để giải quyết rốt ráo vấn đề này, cơ quan chức năng cần tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/1/2023 về tăng cường công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật bảo đảm an toàn dịch bệnh, ATTP; tập trung nâng cao chất lượng, ATTP, truy xuất được nguồn gốc xuất xứ theo chuỗi giá trị nông, lâm, thủy sản nội tỉnh, liên tỉnh; xây dựng mô hình tổ/đội truyền thông, giám sát cộng đồng về ATTP ở cấp xã có sự tham gia của các cấp cơ sở như Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn thanh niên và lực lượng khuyến nông; triển khai các chương trình khoa học-công nghệ nâng cao chất lượng, ATTP…
Các tỉnh, thành phố cần chủ động giám sát, cảnh báo, thanh kiểm tra đột xuất phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm quy định về chất lượng, ATTP; tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh, buôn bán, giết mổ, sơ chế, chế biến nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc tuân thủ và thực hành tốt quy trình giết mổ động vật, sơ chế, chế biến sản phẩm động vật bảo đảm vệ sinh thú y, ATTP; nâng cao nhận thức của người tiêu dùng, không sử dụng các sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không bảo đảm vệ sinh thú y và ATTP…