Mua bán điện trực tiếp qua lưới quốc gia: Điện gió, điện mặt trời phải có công suất 10 MW trở lên
Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn có thể tham gia mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng hoặc qua lưới điện quốc gia, tuy nhiên đều phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quy hoạch, đầu tư, cấp giấy phép hoạt động điện lực,…
Theo Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), Nghị định số 80/2024/NĐ-CP ngày 3/7/2024 của Chính phủ quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA) được xây dựng và ban hành trong bối cảnh nhu cầu về sử dụng năng lượng xanh, sạch ngày càng gia tăng. Vì vậy, cơ chế DPPA có vai trò quan trọng không chỉ góp phần phát triển ngành điện nói riêng mà còn góp phần phát triển kinh tế, xã hội, an ninh năng lượng của đất nước.
Với 05 Chương, 30 Điều và 05 Phụ lục, Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định hai hình thức tham gia mua bán điện trực tiếp bao gồm qua đường dây kết nối riêng và qua lưới điện quốc gia. Hai đối tượng áp dụng chính trong cơ chế DPPA được xác định tương ứng với các hình thức tham gia.
Các đơn vị tham gia cơ chế DPPA phải tuân thủ quy định của pháp luật về: quy hoạch, đầu tư; quy định về cấp giấy phép hoạt động điện lực; quy định về an toàn điện, an toàn phòng chống cháy, nổ trong xây dựng, đất đai, bảo vệ môi trường, vận hành và an toàn trong sử dụng điện; quy định về mua bán điện và hợp đồng và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng: Khách hàng sử dụng điện lớn tiêu thụ điện 200.000 kWh/tháng trở lên
Đối với trường hợp mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng, bên bán điện là các đơn vị phát điện năng lượng tái tạo sở hữu nhà máy điện từ năng lượng mặt trời, gió, thủy điện nhỏ, sinh khối, địa nhiệt, sóng biển, thủy triều, hải lưu, các dạng năng lượng tái tạo khác và hệ thống điện mặt trời mái nhà được cấp giấy phép hoạt động điện lực hoặc được miễn trừ giấy phép đối với lĩnh vực phát điện theo quy định.
Bên mua điện là các khách hàng sử dụng điện lớn: có sản lượng tiêu thụ điện trung bình 12 tháng gần nhất từ 200.000 kWh/tháng trở lên (đối với các khách hàng hiện hữu đang sử dụng); hoặc có sản lượng tiêu thụ điện đăng ký từ 200.000 kWh/tháng trở lên (đối với các khách hàng mới hoặc có thời gian sử dụng điện dưới 12 tháng).
Hai bên tự đàm phán, thỏa thuận và ký kết hợp đồng mua bán điện theo quy định tại Nghị định. Giá bán điện do hai bên thỏa thuận, trừ trường hợp quy định khác. Khách hàng sử dụng điện lớn báo cáo bằng văn bản về việc ký kết hợp đồng mua bán điện trực tiếp với đơn vị phát điện năng lượng tái tạo cho UBND cấp tỉnh tại địa phương và Tổng công ty Điện lực và đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện.
Khách hàng sử dụng điện lớn có trách nhiệm báo cáo Bộ Công Thương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương các thông tin liên quan trước khi bắt đầu thực hiện mua bán điện trực tiếp và báo cáo hàng năm về kết quả thực hiện.
Mua bán điện trực tiếp qua lưới quốc gia: Điện gió, điện mặt trời phải có công suất 10 MW trở lên
Bên mua điện là khách hàng sử dụng điện lớn phục vụ mục đích sản xuất đấu nối cấp điện áp từ 22 kV trở lên; hoặc đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được Khách hàng sử dụng điện lớn phục vụ mục đích sản xuất ủy quyền mua điện từ Tổng công ty Điện lực, ký kết Hợp đồng kỳ hạn với đơn vị phát điện năng lượng tái tạo.
Trong trường hợp này, đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn có trách nhiệm thanh toán theo giá thị trường điện giao ngay cộng với các loại giá, chi phí sử dụng dịch vụ hệ thống điện và các chi phí hợp lý, hợp lệ khác mà khách hàng phải trả và thỏa thuận trong hợp đồng CfD giữa 2 bên.
Về trình tự thực hiện tham gia mua bán điện trực tiếp, khách hàng sử dụng điện lớn hoặc đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền gửi hồ sơ đăng ký tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp về đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện.
Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện có trách nhiệm gửi hồ sơ cho các đơn vị liên quan để xác nhận hồ sơ và khả năng chuyển đổi hợp đồng sang cơ chế DPPA; cũng như xác nhận khả năng ký kết Hợp đồng mua bán điện trên thị trường điện giao ngay với Đơn vị phát điện từ năng lượng tái tạo theo quy định tại Nghị định; đồng thời chịu trách nhiệm rà soát tính đáp ứng của hồ sơ theo quy định tại Nghị định về nguyên tắc phân bổ sản lượng thực phát.
Sau đó, các đơn vị liên quan xác nhận bằng văn bản cho Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện. Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện có văn bản trả lời Khách hàng sử dụng điện lớn hoặc Đơn vị bán lẻ điện tại các mô hình khu, cụm được ủy quyền về Thời điểm dự kiến ký kết và chuyển đổi các hợp đồng liên quan và Thời điểm dự kiến áp dụng cơ chế DPPA.
Các bên đàm phán, ký kết hợp đồng theo quy định tại Nghị định. Các bên có trách nhiệm đầu tư, trang bị cơ sở hạ tầng đáp ứng điều kiện tham gia cơ chế DPPA và gửi văn bản cho Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện về việc xác nhận hoàn thành các điều kiện tham gia cơ chế DPPA. Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện kiểm tra hồ sơ và thông báo bằng văn bản về thời điểm chính thức vận hành mua bán điện trực tiếp của các đơn vị.
Xem toàn văn Nghị định số 80/2024/NĐ-CP trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Hàng tháng, đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện, Tổng công ty Điện lực báo cáo Bộ Công Thương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về kết quả thực hiện.
Hàng quý, EVN báo cáo Bộ Công Thương về tình hình triển khai, kết quả thực hiện trên phạm vi toàn quốc trong quý.
Hàng năm, EVN, Đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện, Tổng công ty Điện lực báo cáo Bộ Công Thương, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về kết quả thực hiện của năm.
Ngoài ra, Nghị định số 80/2024/NĐ-CP quy định rõ, Bộ Công Thương chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện thống nhất quản lý nhà nước về các nội dung quy định tại Nghị định này; chủ trì, phối hợp với các bộ chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp; hướng dẫn, theo dõi và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện cơ chế mua bán điện trực tiếp theo thẩm quyền.
Các Bộ, cơ quan ngang Bộ có trách nhiệm quản lý nhà nước về các nội dung quy định tại Nghị định này trong phạm vi quản lý của đơn vị. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Công Thương xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện cơ chế DPPA.