tpnest.asia - Chuyên thiết bị âm thanh nhà yến

Người lao động vượt qua nỗi lo cắt giảm nhân sự

Tình trạng cắt giảm nhân sự tiếp diễn khi nhu cầu tuyển mới của doanh nghiệp năm 2024 không cao, chỉ ưu tiên những ứng viên có thể thích ứng tốt.

Nhiều lao động đã chọn nghề xe ôm công nghệ để bảo đảm cuộc sống.
Nhiều lao động đã chọn nghề xe ôm công nghệ để bảo đảm cuộc sống.

Về quê ăn Tết sớm vì thu nhập giảm sút

Thời điểm này, gia đình chị Lê Thị Thúy Đào (35 tuổi), công nhân ngành dệt may ở huyện Thạch Thất, Hà Nội đã lục tục về quê ăn Tết. Hai vợ chồng chị cùng quê Nghệ An, làm công nhân tại khu vực huyện Thạch Thất đã gần 10 năm, chuyển qua vài công ty. Họ thuê một phòng trọ nhỏ để sống cùng hai con, mức lương trung bình thời điểm ổn định của cả hai vợ chồng là 14 triệu đồng/tháng (bao gồm tăng ca, thưởng).

Tuy nhiên, từ nửa năm nay, công ty của anh Nguyễn Văn Hùng (36 tuổi), chồng chị Đào đã giảm lượng việc khiến thu nhập của anh chỉ còn hơn một nửa so với trước. Chị Đào lại bị công ty cắt giảm nhân sự nên mất việc. Cả hai cho biết, họ cố gắng cầm cự mấy tháng trời để chờ thời điểm cuối năm may ra có tăng ca, tăng thu nhập, có thêm thưởng để ăn Tết. Tuy nhiên, đến giờ này tình hình vẫn không khá hơn nên cả hai quyết định nghỉ việc, về quê trước kỳ nghỉ Tết.

Không chỉ gia đình chị Đào mà nhiều công nhân đang làm việc tại một số công ty, xưởng hoạt động không hiệu quả cũng lựa chọn cách về sớm. Bởi theo họ, nếu trước Tết mà đơn hàng không nhiều thì có chờ đợi đến Tết cũng vẫn thế, mức giá tàu xe về quê thì càng cận Tết càng cao. Hơn nữa, qua Tết càng là thời điểm thu nhập thấp, nhiều người quyết định sẽ ở quê một thời gian sau đó vào xin việc ở công ty mới. Những công nhân đang làm việc ở các công ty hoạt động hiệu quả, có đơn hàng dịp Tết mới yên tâm ở lại làm việc cho đến cận Tết hoặc qua Tết.

Anh Phan Văn Bảo (28 tuổi, quê Vĩnh Phúc, đang làm công nhân tại Tân Uyên, Bình Dương) thì quyết định nghỉ việc, gia nhập vào đội ngũ xe ôm công nghệ, nhận giao hàng thuê dịp cận Tết ở TPHCM. Theo anh Bảo, anh làm công nhân công ty chuyên về cơ khí, nhưng cả năm nay thu nhập sụt giảm, mỗi tháng lương chỉ còn 3 – 4 triệu đồng, không đủ sống mà còn có nguy cơ bị cắt giảm trong đợt này. Nhiều bạn bè anh Bảo cũng từng làm công nhân ra ngoài làm shipper kiếm sống, tuy vất vả, dầm mưa dãi nắng, nhưng thu nhập tốt hơn. Tết này, anh Bảo chọn ở lại TPHCM để làm xuyên Tết. Sau Tết lượng việc ít hơn, anh sẽ về quê ăn Tết muộn.

Ảnh minh họa ITN.

Tăng khả năng thích ứng

Vào làm hơn 1 năm, những tháng gần đây, chị Trần Liên Hương (26 tuổi, quận Hà Đông, Hà Nội) thấy rõ tình hình kinh doanh của công ty có dấu hiệu đi xuống. Vào những ngày cuối tháng 11/2023, ban lãnh đạo thông báo giảm 50% lương và kèm lời hứa bảo đảm cho toàn thể nhân viên có một cái Tết trọn vẹn.

Nhưng kết quả dường như kém khả quan, giữa tháng 12/2023, chị Hương cùng nhiều người khác được cho nghỉ việc. Công ty chỉ có thể chi trả lương tháng 12. Hiểu tình cảnh của công ty, chị Hương chấp nhận lời đề nghị song cảm thấy thất vọng vì “cố gắng cả năm nhưng giờ thành công cốc”. Khoản thưởng Tết bao lâu chị mong đợi, nay đã hết hy vọng.

Mất việc, chưa dám nói với gia đình, hàng ngày, chị Hương mang laptop ra quán cà phê giả vờ đi làm. Tích cực rải hồ sơ ứng tuyển, cộng với 5 năm kinh nghiệm trong ngành truyền thông, nên chị sớm nhận được thư mời nhận việc. Dù vậy, chị Hương đang lưỡng lự vì môi trường không phù hợp, định hướng phát triển không rõ ràng và mức lương nhà tuyển dụng chi trả thấp hơn lương cũ. “Tôi rất sợ lặp lại tình cảnh cũ, vào làm thời gian ngắn, công ty gặp khó khăn lại phải đi tìm việc nên tôi còn cân nhắc”, chị Hương nói.

Theo khảo sát của Navigos Group (đơn vị tuyển dụng) năm 2023, cắt giảm nhân sự là biện pháp được doanh nghiệp sử dụng nhiều nhất khi bị ảnh hưởng bởi các biến động thị trường (chiếm 68,7%). Lựa chọn thứ hai là ngưng tuyển dụng mới (52,6% ý kiến). Trong đó, ngành xây dựng – bất động sản và dịch vụ tư vấn có tình trạng cắt giảm quy mô lớn, từ 50% đến dưới 75%. Quy mô cắt giảm dưới 25% nhân sự diễn ra ở tất cả các nhóm ngành.

Bà Trần Thị Ngọc Thảo, Giám đốc cấp cao Công ty CP Asia White Collar – Chi nhánh TPHCM, cho rằng tình trạng cắt giảm hàng loạt lao động phổ biến hơn so với trước đây. Trong đó, cắt giảm giai đoạn trước Tết có 2 nguyên nhân, do tình hình kinh doanh hiện tại không mấy tích cực và tránh việc chi trả lương tháng 13, thưởng Tết. Chưa kể, dự đoán 2 quý đầu năm nay, thị trường chưa kịp khởi sắc, nên cũng ảnh hưởng tới kế hoạch nhân sự của doanh nghiệp.

Theo bà Đào Hạnh Giang, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Build Talents, năm 2024, không ít doanh nghiệp lựa chọn hình thức tuyển dụng mới như: Tuyển cộng tác viên, bán thời gian, lao động tự do… Đây cũng là một cách để công ty cắt giảm chi phí, trên thực tế có những doanh nghiệp duy trì 50% lương và 50% phúc lợi không tiền mặt. Nếu sử dụng cách thức này, doanh nghiệp vẫn có người đảm đương công việc nhưng không tốn chi phí lớn.

Trong hoàn cảnh này, khả năng thích ứng của người lao động cần phải được phát huy. Điều đó được thể hiện qua cách họ duy trì tâm lý tích cực, không để tình cảnh thất nghiệp kéo tụt năng lượng, tinh thần. “Đừng tư duy rằng việc của bạn có thể sẽ được thay thế bằng công nghệ mà phải chủ động cập nhật kiến thức, kỹ năng mới”, bà Giang đưa ra lời khuyên.

Bảo Hân - Văn Minh
Bạn cũng có thể thích