Nhà mạng phải gỡ thuê bao đứng tên sai trong một ngày
Nếu nhận phản ánh về việc người dùng đứng tên thuê bao lạ, nhà mạng phải thực hiện gỡ số điện thoại đó khỏi danh sách.
Tại họp báo chiều 8/4, Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, đã nhận được báo cáo từ các nhà mạng trong việc xây dựng quy trình tiếp nhận, xác minh xử lý phản ánh của người sử dụng khi phát hiện mình đứng tên sim “lạ”.
Cục Viễn thông cho biết, từ ngày 20/3 đã gửi văn bản yêu cầu các nhà mạng “trong thời gian một ngày kể từ khi tiếp nhận phản ánh chính thức của người dùng về số thuê bao họ không sử dụng, phải tiến hành ngay biện pháp bảo đảm số bị phản ánh không còn trong danh sách của người dùng”.
“Theo báo cáo, các doanh nghiệp viễn thông di động đã thực hiện theo đúng yêu cầu nêu trên”, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó cục trưởng Viễn thông nói.Từ tháng 3, Bộ Thông tin và Truyền thông yêu cầu các nhà mạng rà soát những người đang đứng tên từ bốn sim trở lên để đảm bảo sim được chính chủ sử dụng. Người dùng sẽ phải chịu trách nhiệm trong trường hợp số thuê bao họ đứng tên bị sử dụng cho hành vi vi phạm pháp luật.
Tại họp báo, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Lê Văn Tuấn cho biết, trong tháng 3/2024, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức đấu giá băng tần cho 4G/5G.
Theo đó, Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội (Viettel) trúng đấu giá khối băng tần B1 (2500-2600 MHz) với giá 7.533 tỷ đồng; Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) trúng đấu giá khối băng tần C2 (3700-3800 MHz) với giá 2.581 tỷ đồng.
Riêng khối băng tần C3 (3800-3900 MHz), do chỉ có 1 doanh nghiệp nộp tiền đặt trước để tham gia đấu giá, không đủ số lượng tối thiểu doanh nghiệp đủ điều kiện tham gia đấu giá theo quy định của Luật Đấu giá tài sản nên cuộc đấu giá khối băng tần C3 không thành.
Sau thông báo trên, nhiều người dùng đã chủ động kiểm tra các thuê bao theo cú pháp TTTB Số giấy tờ gửi 1414. Tuy nhiên, khi phát hiện mình đứng tên sim lạ, họ lại gặp khó khăn khi muốn gỡ bỏ số điện thoại đang gắn với giấy tờ của mình. Ngoài ra, họ cũng không biết thông tin cá nhân có đang bị sử dụng ở nhà mạng khác hay không.
Theo Cục Viễn thông, trong tháng 3, các nhà mạng đã tiếp nhận hơn 6 triệu lượt tra cứu thông tin thuê bao. Trong đó, có 1.000 khách hàng với 1.200 thuê bao có phản ánh về việc thuê bao không đăng ký hoặc không còn sử dụng. Sau quá trình làm rõ, các nhà mạng đã khóa một chiều, hai chiều với 200 số.
“Ngoài trả về danh sách thuê bao, tra cứu 1414 còn cung cấp thông tin liên quan đến cá nhân. Do đó, để bảo đảm bí mật thông tin cá nhân, hiện chỉ cho phép tra cứu thông tin trong từng nhà mạng”, đại diện Cục Viễn thông giải thích.
Rà soát thuê bao là một trong những biện pháp giúp ngăn chặn sim không chính chủ, một trong những nguyên nhân của sim rác và cuộc gọi rác. Theo văn bản của Bộ gửi đến nhà mạng, sim tồn kênh nếu đang bị khóa một chiều, có dấu hiệu kích hoạt sẵn phải chuyển trạng thái về sim không có thông tin thuê bao. Đến ngày 15/4, doanh nghiệp viễn thông sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm nếu trên thị trường còn xuất hiện sim được phát triển mới không đúng quy định.
Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký ban hành Công điện số 33, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Theo công điện, tình hình hoạt động tấn công mạng, đặc biệt là mã độc tống tiền (ransomware) tăng mạnh gần đây và có thể diễn biến phức tạp trong giai đoạn tới, có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động phát triển kinh tế – xã hội.
Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, trưởng ngành và lãnh đạo địa phương trực tiếp chỉ đạo, phụ trách công tác bảo đảm an toàn thông tin mạng.
Lãnh đạo bộ, ngành, địa phương phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Thủ tướng nếu hệ thống thông tin thuộc phạm vi quản lý không bảo đảm an toàn thông tin mạng, để xảy ra sự cố nghiêm trọng.
Trường hợp xảy ra sự cố tấn công mạng, Thủ tướng quán triệt cần kịp thời báo cáo sự cố về cơ quan chủ quản, đơn vị chuyên trách ứng cứu sự cố cùng cấp và Cơ quan điều phối quốc gia, các cơ quan, doanh nghiệp có chức năng quản lý an ninh mạng.
Cùng với đó, Thủ tướng lưu ý các đơn vị tuân thủ sự điều phối ứng cứu sự cố của Cơ quan điều phối quốc gia và cơ quan chức năng có liên quan trong việc thu thập, phân tích thông tin; xử lý, khắc phục sự cố; xác minh nguyên nhân và truy tìm nguồn gốc; phát ngôn và công bố thông tin…
Thông tin về sự cố, thiệt hại và các thông tin liên quan về Cơ quan điều phối quốc gia phải được thông tin đầy đủ, đồng thời tổng kết, phân tích, đánh giá, rút ra bài học và báo cáo về Cơ quan điều phối quốc gia để tổng hợp, phổ biến.