Nhiều ý kiến về xã hội hoá chi phí sử dụng máy điều hoà cho học sinh ở Đà Nẵng
Đà Nẵng đang lấy ý kiến của phụ huynh về chi phí sử dụng điện trong quá trình xây dựng Đề án đầu tư bổ sung gần 5.000 máy điều hoà ở các trường học.
Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng)
Không thể thu 9 tháng tiền sử dụng điện
Ngày 30/10, một phụ huynh đã đăng bản chụp phiếu lấy ý kiến cha mẹ học sinh do Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) ban hành, lên mạng xã hội.
Theo đó, nhà trường tổ chức cho giáo viên chủ nhiệm các lớp khảo sát ý kiến về chủ trương thực hiện xã hội hóa kinh phí hỗ trợ từ cha mẹ học sinh để vận hành, bảo trì hệ thống máy điều hòa theo đề án của thành phố.
Trong phiếu lấy ý kiến, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm thông báo chủ trương của thành phố sẽ trang bị máy điều hòa không khí cho toàn bộ các cơ sở giáo dục trong thời gian đến. Kèm theo đó là chủ trương thực hiện xã hội hóa kinh phí do cha mẹ học sinh đóng góp để chi trả tiền điện, chi phí vận hành, bảo trì khi đưa vào sử dụng cho học sinh.
Nhà trường đưa ra các dự kiến về mức kinh phí vận động xã hội hóa trong 1 năm học. Cụ thể: tiền điện trong 9 tháng ước tính khoảng 8,6 triệu đồng/1 lớp; phí bảo trì, vệ sinh 2 máy với mức 600.000 đồng. Phí vận hành ban đầu cho 2 máy là 5 triệu đồng. Khoản này chỉ thu năm đầu tiên khi bắt đầu sử dụng thiết bị. Dự kiến tổng chi phí tối đa là hơn 14 triệu đồng.
Với bình quân mỗi lớp 35 học sinh, dự kiến 1 học sinh đóng khoảng hơn 45.000 đồng/tháng.
Trong biên bản lấy ý kiến, Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm cũng đề xuất 3 mục gồm: Đồng ý, không đồng ý và ý kiến khác.
Dãy phòng học phía tây của Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) rất nóng và oi bức về mùa hè, nhà trường tăng cường quạt mát nhưng không cải thiện đáng kể.
Trong bài đăng trên mạng xã hội, phụ huynh này cho rằng việc thu 5 triệu đồng tiền lắp đặt/lớp và tiền điện của 9 tháng/1 học sinh/1 năm học là bất hợp lý.
Theo phụ huynh này, những tháng mùa đông, học sinh sẽ không dùng điều hòa, vì vậy không thể thu tiền sử dụng điện trong 9 tháng được. “Khoản thu 5 triệu lắp đặt ban đầu cũng rất bất hợp lý. Nếu thu phí lắp đặt 3 triệu là cao lắm rồi”, phụ huynh này ý kiến.
Bài đăng này đã thu hút nhiều bình luận không đồng tình với phương án dự kiến do Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm đưa ra.
Có bình luận còn cho biết, hiện nay, các lớp học có sử dụng điều hòa ở tiểu học không thu tiền điện mà lấy từ nguồn phục vụ bán trú để chi trả. Vì vậy, nhà trường đưa ra mức thu này là vô lý.
Khảo sát lấy ý kiến thì phải có phương án chi tiết
Ông Nguyễn Hữu Phước, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm cho biết, ngày 31/10 là hạn cuối để giáo viên chủ nhiệm các lớp nộp kết quả thăm dò ý kiến của phụ huynh.
Kết quả này sẽ được nhà trường tổng hợp và gửi báo cáo về chủ trương xã hội hóa chi phí sử dụng điện sau khi lắp máy điều hòa tại các phòng học.
Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm tổ chức khảo sát lấy ý kiến của phụ huynh theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT và Phòng GD&ĐT quận Thanh Khê.
Sở GD&ĐT Đà Nẵng đã triển khai đến các địa phương, yêu cầu tổ chức lấy ý kiến của cha mẹ học sinh liên quan việc đầu tư máy điều hòa.
UBND quận Thanh Khê đã yêu cầu hiệu trưởng các trường mầm non, tiểu học và THCS tổ chức lấy ý kiến rộng rãi đối với phụ huynh, tổng hợp và gửi báo cáo về Phòng GD&ĐT quận trước 4/11.
Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm thông tin: “Khi khảo sát lấy ý kiến của phụ huynh, chúng tôi phải xây dựng phương án dự kiến các chi phí đi kèm để tính toán được mức thu nếu đề án được triển khai. Chúng tôi làm dự kiến ở mức tối đa để phụ huynh có thể dự liệu được nhằm chọn được ý kiến sát nhất. Nếu mình dự kiến chi phí thấp mà khi triển khai lại phát sinh nhiều thì rất khó “ăn nói” với phụ huynh”.
Ông Phước nêu quan điểm: “Vì là khảo sát phục vụ cho việc xây dựng đề án, nên nhà trường ghi nhận tất cả các ý kiến của phụ huynh. Thậm chí, chúng tôi sẽ đăng tải các ý kiến đóng góp của phụ huynh lên website của trường sau khi đã tổng hợp xong.
Quá trình lấy ý kiến cũng đồng thời sẽ giúp nhà trường, cơ quan cấp trên dự lường được những tình huống xảy ra khi đi vào vận hành thực tế. Ví dụ như hỗ trợ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, với những học sinh có cơ địa không phù hợp ngồi học trong phòng máy lạnh thì giải quyết thế nào…”.
Cũng theo ông Phước, các chỉ đạo của Sở GD&ĐT và quận Thanh Khê về vấn đề này không ghi cụ thể từng mục kinh phí nhưng nhà trường muốn xây dựng khung dự kiến để tạo sự rõ ràng, thống nhất ngay từ đầu với phụ huynh.
Công bằng trong hưởng thụ giáo dục
Ông Nguyễn Hữu Phước cho rằng, chủ trương lắp đặt điều hòa ở các phòng học của thành phố là hết sức nhân văn, góp phần cải thiện điều kiện dạy – học của các trường vùng khó.
“Nhà trường đóng trên địa bàn dân cư có điều kiện kinh tế tương đối khó khăn. Người dân chủ yếu sống bằng nghề biển và lao động phổ thông. Vì vậy, lâu nay một số lớp, phụ huynh có ủng hộ máy quạt hơi nước, chúng tôi tiếp nhận. Chứ không thể thực hiện xã hội hóa lắp đặt máy điều hòa được”, ông Phước thông tin.
Nhiều cán bộ quản lý các trường học cho rằng, đây mới chỉ là chủ trương để xây dựng đề án. Đề án còn phải được HĐND TP thông qua và phải xây dựng khung kinh tế kỹ thuật về mức thu, chi phí vận hành, bảo trì… nếu đi vào triển khai.
Trước đó, hồi tháng 3, từ đề nghị của Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng, Chủ tịch UBND TP giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính xử lý kiến nghị về việc bổ sung máy điều hòa tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn.
Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng đã tổng hợp đề xuất đầu tư bổ sung 4.829 máy điều hòa cho các cơ sở giáo dục, tổng chi phí hơn 92 tỉ đồng.
Ngày 18/8, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đà Nẵng có công văn gửi Sở GD&ĐT, trong đó có ý kiến, việc đề xuất đầu tư bổ sung máy điều hòa sẽ dẫn đến phát sinh chi phí vận hành, tiền điện và bảo trì.
Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Sở GD&ĐT tổ chức đánh giá tác động và hiệu quả đầu tư của đề xuất trên, đặc biệt ở cấp mầm non và tiểu học. Đối với các trường đề xuất kinh phí từ xã hội hóa thì phải tổ chức lấy ý kiến phụ huynh. Từ đó Sở GD&ĐT TP Đà Nẵng đã triển khai cho các quận, huyện tổ chức lấy ý kiến phụ huynh.