Ninh Bình: Tham dự Hội nghị trực tuyến toàn quốc về quản lý, phát triển cụm công nghiệp
Ngày 23/4, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai Nghị định số 32 ngày 15/3/2024 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp. Tham dự hội nghị có lãnh đạo Sở Công thương và các sở ngành, địa phương trong cả nước và của tỉnh Ninh Bình.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Nghị định số 32/2024/NĐ-CP (Nghị định 32) ngày 15/3/2024 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp (CNN) được ban hành là cơ sở pháp lý quan trọng để các địa phương tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và lao động theo hướng công nghiệp hoá ở khu vực nông thôn theo chủ trương của Đảng, Nhà nước về “ly nông bất ly hương” và xây dựng nông thôn mới, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương.
Nghị định số 32 gồm 7 chương, 38 điều, thay thế Nghị định số 68 ngày 25/5/2017 của Chính phủ về quản lý, phát triển cụm công nghiệp và Nghị định số 66 ngày 11/6/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 68. Nội dung của Nghị định tiếp tục kế thừa các nguyên tắc, nội dung quản lý hiện vẫn còn phù hợp với tình hình thực tế và đang phát huy hiệu quả. Đồng thời, sửa đổi, bổ sung các nội dung, quy định đồng bộ với các văn bản pháp luật liên quan để đáp ứng công tác quản lý nhà nước.
Nghị định 32 phân cấp hoàn toàn cho địa phương từ công tác xây dựng phương án phát triển cụm công nghiệp đến thành lập/mở rộng CCN, quản lý quy hoạch chi tiết xây dựng CCN, quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và dự án đầu tư sản xuất kinh doanh trong CCN; ban hành Quy chế, quy định theo thẩm quyền và tổ chức thực thi các chính sách, pháp luật về CCN… bảo đảm cho chính quyền địa phương có đủ công cụ, điều kiện cần thiết để thực hiện vai trò, chức năng quản lý nhà nước về CCN.
Trong đó, Nghị định quy định nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển cụm công nghiệp; đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp là ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư. Nghị định quy định Ngân sách địa phương cân đối hỗ trợ đầu tư, phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài cụm công nghiệp trên địa bàn theo quy định của Luật Đầu tư công và Luật Ngân sách nhà nước. Nhà nước hỗ trợ không quá 30% tổng mức vốn đầu tư của dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật cụm công nghiệp.
Dù Nghị định 32 đã cơ bản tháo gỡ, khắc phục được những vướng mắc, bất cập phát sinh trong thực tiễn quản lý, phát triển cụm công nghiệp thời gian qua, nhưng vẫn còn một số nội dung các địa phương phản ánh chưa được giải quyết triệt để. Về vấn đề này, Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết đã gửi Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 32, các địa phương có thể đóng góp ý kiến.
Việc triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện, đúng quy định các nội dung Nghị định 32 và Thông tư hướng dẫn của Bộ Công Thương sẽ tăng cường quản lý, hiệu quả hoạt động phát triển các cụm công nghiệp tại địa phương.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã thành lập, mở rộng 18 cụm công nghiệp với tổng diện tích 680,78 ha, trong đó 14 CCN đi vào hoạt động với tổng diện tích 530,5068 ha.
Theo Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 218/QĐ-TTg ngày 04 tháng 3 năm 2024, toàn tỉnh Ninh Bình có 24 cụm công nghiệp với tổng diện tích quy hoạch khoảng 1.254 ha.
Việc triển khai hiệu quả Nghị định số 32/2024/NĐ-CP ngày 15/3/2024 của Chính phủ sẽ giúp tỉnh Ninh Bình phát huy thế mạnh các CCN trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH địa phương.