Nợ xấu sẽ đạt đỉnh cuối năm nay
TS. Nguyễn Hữu Huân, giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, so với đầu năm, tình hình nợ xấu của ngành ngân hàng hiện đỡ hơn, nhưng phải đến cuối quý IV/2023 mới đạt đỉnh và giảm dần từ đầu năm sau.
Nợ xấu được cho là sẽ giảm dần từ đầu năm tới
Nhận định của ông về tình hình nợ xấu của ngành ngân hàng hiện nay?
Theo tôi, tình hình nợ xấu của ngành ngân hàng hiện đã đỡ hơn so với giai đoạn đầu năm 2023 và cuối năm 2022. Do đó, tỷ lệ nợ xấu được dự báo sẽ giảm trong thời gian tới. Tuy nhiên, tỷ lệ giảm của nợ xấu không quá mạnh và còn phụ thuộc vào sự phục hồi của nền kinh tế cũng như các doanh nghiệp và tính hiệu quả của các chính sách hỗ trợ thị trường.
Do có độ trễ nhất định nên những chính sách này phải từ quý IV/2023 mới bắt đầu phát huy tác dụng. Chưa kể, tốc độ giảm của nợ xấu cũng còn tùy thuộc vào diễn biến của thị trường bất động sản, nếu phục hồi sớm sẽ tác động tích cực đến việc xử lý tài sản đảm bảo và kéo nợ xấu giảm.
Nhiều ý kiến cho rằng, nợ xấu sẽ đạt đỉnh vào cuối quý III/2023, theo ông thì sao?
Điều này cũng có thể đúng nhưng chưa đủ, bởi nợ xấu còn phụ thuộc vào diễn biến hồi phục cũng như sức cầu của nền kinh tế. Nợ xấu cũng tùy thuộc vào sự chống chọi của doanh nghiệp trước điều kiện khó khăn từ thị trường. Nếu nền kinh tế hồi phục nhanh thì nợ xấu ngành ngân hàng sẽ giảm nhanh, hay nói cách khác, sự hồi phục của nền kinh tế tỷ lệ thuận với nợ xấu ngành ngân hàng.
Do đó, tôi cho rằng, đến cuối quý IV/2023 hoặc đầu năm 2024 nợ xấu mới có thể đạt đỉnh sẽ hợp lý hơn, bởi hiện cũng đã hết quý III/2023, song chúng ta chưa nhận thấy sự khởi sắc thực sự của nền kinh tế. Kinh tế vẫn khó khăn và không ít doanh nghiệp vẫn báo lỗ và nợ xấu khá nhiều. Trong khi đó, số lượng hợp đồng, đơn hàng của doanh nghiệp chưa về nhiều. Quý IV/2023 được kỳ vọng thị trường hồi phục thì nợ xấu mới đạt đỉnh.
Thông tư số 02/2023/TT-NHNN chỉ giúp ngân hàng và doanh nghiệp tái cơ cấu, giãn nợ trong ngắn hạn. Như vậy, nợ xấu sẽ tăng khi thông tư này hết hiệu lực?
Quy định của Thông tư 02/2023 cho phép các ngân hàng được tái cơ cấu, giãn nợ, giúp các ngân hàng có thể khoanh nợ, khách hàng được chậm trả nợ, nhưng chỉ mang tính chất ngắn hạn. Đồng thời, chỉ số dư nợ gốc và/hoặc lãi phát sinh nghĩa vụ trả nợ trong khoảng thời gian từ ngày Thông tư 02/2023 có hiệu lực đến hết ngày 30/6/2024 mới được thực hiện cơ cấu nợ, chứ không phải toàn bộ dư nợ của khoản nợ. Chưa kể, các điều kiện để được tái cơ cấu, giãn nợ cũng khá khắt khe nên không phải doanh nghiệp nào cũng được ngân hàng cho tái cơ cấu nợ.
Thực tế, nợ trong nền kinh tế tuy lớn nhưng với quy định của Thông tư 02/2023 sẽ không bị nhảy nhóm nên tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng vẫn nằm trong vùng an toàn. Đồng thời, với các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, nhất là doanh nghiệp lĩnh vực xuất khẩu, thời gian tới, khi các giải pháp phát huy hiệu quả thì nợ xấu sẽ giảm, ngay cả khi thông tư này hết hiệu lực.
Với thị trường bất động sản, nhiều người cho rằng đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất và chuẩn bị bước vào chu kỳ hồi phục, từ đó giúp ngân hàng có thể đẩy nhanh tiến độ xử lý, phát mãi tài sản đảm bảo, thu hồi nợ xấu?
Thực tế, nợ trong nền kinh tế tuy lớn nhưng với quy định của Thông tư 02/2023 sẽ không bị nhảy nhóm nên tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng vẫn nằm trong vùng an toàn.
So với thời điểm đầu năm, thị trường bất động sản hiện tại ghi nhận sự chuyển biến, nhưng chưa thể hồi phục một cách nhanh chóng, mà ít nhất cũng phải đợi đến năm sau. Chưa kể, sự hồi phục của thị trường cũng không đồng đều, mà tùy thuộc vào từng phân khúc, trong đó có những phân khúc phải cần thời gian dài từ 4-5 năm, chứ không thể trong một sớm một chiều, chẳng hạn như các dự án mang tính chất đầu cơ, bất động sản nghĩ dưỡng cao cấp…, còn với phân khúc nhà phố hoặc căn hộ chung cư ở khu vực trung tâm đô thị lớn, có tính thanh khoản cao… thì khả năng sẽ hồi phục nhanh hơn.
Theo ông, với các điều chỉnh của Thông tư 06/2023/TT-NHNN cho phép ngân hàng cho khách hàng vay để trả nợ ngân hàng khác có tác động lên nợ xấu?
Tôi cho rằng điều đó sẽ không tác động nhiều lên tình hình nợ xấu của các ngân hàng. Bởi thực tế, ngân hàng không dễ cho khách hàng vay để trả các khoản nợ cũ ở ngân hàng khác. Mặt khác, nếu khách hàng muốn tất toán nợ trước hạn cũng phải mất khoản phí khá cao nên họ cũng phải tính toán kỹ. Vừa qua, các ngân hàng đã đưa ra nhiều gói tín dụng lãi suất thấp để thu hút khách hàng sau khi Thông tư 06/2023 được điều chỉnh, song thực tế không dễ giải ngân. Lãi suất cho vay mới ưu đãi trong giai đoạn đầu và không kéo dài, hết thời gian ưu đãi là tăng cao trở lại nên khó kích cầu.
Trong khi nợ xấu tăng thì tỷ lệ bao phủ nợ xấu lại có xu hướng giảm. Điều này có đáng ngại?
Rủi ro là khó tránh nếu nợ xấu tăng, tỷ lệ bao phủ dự phòng của ngân hàng giảm. Tuy nhiên, hiện ngân hàng cũng dần hết “của để dành” để trích lập thêm dự phòng rủi ro và chi phí hoạt động trong năm nay lại khá cao nên buộc phải trích giảm dự phòng. Năm nay, tình hình khó khăn và hoạt động của ngành ngân hàng cũng không nằm ngoài vòng xoáy này khi tín dụng khó tăng, thu ngoài lãi giảm, nhất là doanh thu bảo hiểm sụt giảm mạnh sau cuộc khủng hoảng truyền thông vừa qua, thay vì lãi cao như những năm trước và điều này cũng đã được dự báo trước.
Thế nhưng, lợi nhuận ngành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm nhìn chung vẫn khá tích cực và tới nay, chưa nhà băng nào điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận so với kế hoạch đã được cổ đông thông qua?
Lợi nhuận ngân hàng trong năm nay tuy không giảm nhiều so với năm trước, nhưng không thể không bị ảnh hưởng. Lý do bởi lợi nhuận của ngân hàng phụ thuộc vào thu từ lãi và hoạt động phi tín dụng, nhưng hiện nguồn thu từ lãi tăng chậm (do tăng trưởng tín dụng mới tăng 5,56% tính đến ngày 15/9/2023, theo số liệu Ngân hàng Nhà nước đưa ra), trong khi nguồn thu phi tín dụng khó tăng mạnh như năm trước.
Trong bối cảnh nợ xấu tăng, nhưng tỷ lệ bao phủ nợ xấu của hầu hết ngân hàng lại suy giảm trong nửa đầu năm nay, chỉ 3 ngân hàng cải thiện được tỷ lệ này là Vietcombank, Kienlongbank và SHB. Trong đó, Vietcombank ghi nhận sự cải thiện mạnh mẽ nhất với mức tăng 70%, còn Kienlongbank và SHB chỉ tăng nhẹ 4%.
Ở chiều ngược lại, MBBank chứng kiến tỷ lệ bao phủ nợ xấu suy giảm mạnh nhất, từ 238% xuống còn 156% và đứng thứ 4 trong hệ thống về chỉ số này. Nếu xét riêng Ngân hàng mẹ MBBank thì tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã giảm từ 330% về 197%. Nhiều ngân hàng nhỏ ghi nhận tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở dưới mức 50% như Saigonbank, VietABank, Nam A Bank, PGBank, ABBank, VietBank, NCB… Trong đó, NCB là ngân hàng có tỷ lệ bao phủ nợ xấu thấp nhất, trong khi nợ xấu tăng cao nhất.