Phan Quốc Việt tự bào chữa: Việt Á có công trạng khi chống dịch
Phan Quốc Việt cho rằng, nhờ kit test của Công ty Việt Á nên nhiều địa phương đã dập được dịch. Việt còn nói bản thân không có động cơ vụ lợi.
“Cả nước cần Việt Á về kit test, chống dịch, tôi nói thẳng điều đó”
Chiều 28/12, sau khi đại diện Viện Kiểm sát (VKS) quân sự Trung ương luận tội và đề nghị mức án đối với 7 bị cáo trong vụ Việt Á, Tổng giám đốc công ty này là Phan Quốc Việt được quyền nêu quan điểm tranh luận với công tố viên.
Xuất hiện tại tòa với tâm trạng tỏ ra bình thường và thi thoảng còn mỉm cười, Phan Quốc Việt khi tự bào chữa đã thừa nhận những sai phạm do bị cáo gây ra như cáo buộc của VKS.
Tuy nhiên, ngay từ phần đầu bào chữa, bị cáo nhiều lần quả quyết “hoàn toàn không có bất kỳ động cơ vụ lợi nào”.
Theo Phan Quốc Việt, kể từ năm 2020 khi xác định sẽ tham gia vào quá trình nghiên cứu, sản xuất kit xét nghiệm Covid-19, Việt Á đã “hứng chịu” thiệt hại.
Bị cáo lập luận nếu Học viện Quân y làm được quy trình nghiên cứu, sản xuất kit test thì Việt Á sẽ không đầu tư vào. Còn sau khi xông vào tâm dịch, phía doanh nghiệp đã chấp nhận hy sinh cả tính mạng, do đó bị cáo cho rằng bản thân không có lý do gì để động cơ vụ lợi.
Việt còn cho rằng ở giai đoạn đầu chống dịch, không đơn vị nào có kit test ngoài Công ty Việt Á. Sau đó, một số nơi có sản phẩm này song không thể đáp ứng được về chất lượng như kit của Việt Á.
“Cả nước cần Việt Á về kit test, chống dịch, tôi nói thẳng điều đó”, bị cáo Việt nhìn nhận trên quan điểm tự bào chữa của mình.
Theo bị cáo này, Việt Á còn đầu tư hàng trăm tỷ đồng cùng nhân lực đi chống dịch và đạt hiệu quả.
“Như khi dịch xảy ra hàng tháng ở Bắc Giang nhưng không chống dịch được, đến khi Việt Á vào thì ba tuần đã chống dịch thành công”, Phan Quốc Việt trình bày và cho rằng đó là công trạng của Việt Á.
Ngoài những lý luận nêu trên, Phan Quốc Việt còn cho rằng về vấn đề xét nghiệm, công trạng của Việt Á phải lớn hơn Bộ Y tế. Do đó, bị cáo mong tòa án quân sự xem xét các tình tiết này.
Mong hội đồng xét xử xem xét bối cảnh chống dịch
Đối với cáo buộc vi phạm quy định về đấu thầu, Phan Quốc Việt đối đáp rằng cho đến thời điểm hiện tại, bị cáo với những suy nghĩ của mình có thể chắc chắn một điều là không còn cách nào khác.
Ông chủ Việt Á cũng khăng khăng, nếu được quay lại từ đầu, bị cáo vẫn làm như những gì đã thực hiện. “Bị cáo tin tưởng rằng trong bối cảnh đó những người khác chắc chắn cũng sẽ làm”, Việt phân trần.
Sau hơn nửa giờ trình bày, Tổng giám đốc Việt Á mong hội đồng xét xử xem xét bối cảnh trên và cho rằng “nếu không sai phạm thì chắc chắn không thể nào đóng góp kịp thời cho chống dịch”.
Trước đó, VKS quân sự lập luận khi Học viện Quân y có công văn gửi Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đề xuất nhiệm vụ phát triển kit test, Phan Quốc Việt và Trịnh Thanh Hùng (cựu Phó vụ trưởng Vụ Các ngành kinh tế – kỹ thuật, Bộ Khoa học và Công nghệ) đã cấu kết, trao đổi thống nhất để Việt Á tham gia đề tài này.
Cuối năm 2020, Bộ Y tế cấp phép sản xuất kit test Covid-19 nên Phan Quốc Việt bồi dưỡng ông Trịnh Thanh Hùng 350.000 USD. Việt còn chỉ đạo Phó tổng giám đốc Vũ Đình Hiệp thông qua việc chi % tiền ngoài hợp đồng mua kit của Học viện Quân y để chia sẻ lợi nhuận đề tài cho Hồ Anh Sơn (cựu Phó giám đốc Viện Nghiên cứu y dược học quân sự) số tiền 2,49 tỷ.
Trên cơ sở tố tụng, VKS đã đề nghị tòa tuyên Phan Quốc Việt tổng hình phạt 25-26 năm tù về các tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ trong vụ án liên quan Học viện Quân y.
Với tội danh Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, VKS đề nghị tuyên phạt ông Trịnh Thanh Hùng 15 năm tù và Hồ Anh Sơn từ 11-13 năm tù.