Tham dự buổi làm việc, về phía Bộ Công Thương có Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Thứ trưởng Phan Thị Thắng, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài; đại diện Lãnh đạo các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Bộ Công Thương.

Về phía các Bộ, ban, ngành có đại diện Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế, cùng đại diện Lãnh đạo một số Tập đoàn, Tổng công ty.

Công Thương
Quang cảnh buổi làm việc

 

Bộ trưởng
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên phát biểu tại buổi làm việc

Báo cáo tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng cho biết, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, 8 tháng đầu năm 2024 toàn ngành Công Thương đã nỗ lực phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao, đóng góp vào kết quả phát triển kinh tế – xã hội chung của cả nước với một số kết quả nổi bật.

Sản xuất công nghiệp phục hồi rõ nét, đạt mức tăng trưởng cao. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 8/2024 của ngành sản xuất đạt 52,4 điểm, vẫn cho thấy mức cải thiện mạnh mẽ của các điều kiện kinh doanh khi sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục tăng đáng kể. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) 8 tháng tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, là mức lũy kế cao nhất kể từ tháng 2/2024 đến nay; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng tới 9,7%; sản xuất công nghiệp tăng trưởng ở 61/63 địa phương. Ngành điện cung cấp đủ điện an toàn, tin cậy cho sinh hoạt và nhu cầu sản xuất.

Thị trường trong nước tiếp tục xu hướng tăng dần từ đầu năm, đạt mức tăng trưởng khá cao (8,5%); mặt bằng giá cả cơ bản ổn định, nguồn cung các mặt hàng thiết yếu được đảm bảo.

Xuất nhập khẩu là điểm sáng nổi bật trong 8 tháng đầu năm 2024 với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 511 tỷ USD, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu tiếp tục phục hồi mạnh mẽ với kim ngạch 8 tháng ước đạt 265 tỷ USD, bằng 70% kế hoạch năm và tăng 15,8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng cao so với nhiều nước trong khu vực ASEAN và châu Á. Nhập khẩu đạt 246 tỷ USD, bằng 67% kế hoạch năm, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm trước.

Cơ cấu hàng nhập khẩu giữ xu hướng tích cực với nhóm hàng tư liệu sản xuất chiếm 89% và tăng tới 18,7% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy tín hiệu phục hồi rõ nét của sản xuất và xuất khẩu. Cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu hơn 19 tỷ USD. Công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu được tập trung triển khai, kết hợp khai thác các thị trường truyền thống với việc mở rộng các thị trường mới; xuất khẩu sang hầu hết các thị trường tăng, nhất là xuất khẩu sang các đối tác thương mại lớn…

Công tác hoàn thiện thể chế, xây dựng quy hoạch, chiến lược, chính sách được chú trọng triển khai trên nhiều lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Bộ Công Thương đã trình cấp có thẩm quyền ban hành 02 Luật, 20 Nghị định, 04 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ và ban hành theo thẩm quyền 128 Thông tư.

Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Công Thương cũng đã hoàn thành việc xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành các Nghị quyết, Chiến lược, Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, logistics và các ngành công nghiệp. Ngay sau khi 04 Quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực năng lượng và khoáng sản được ban hành, Bộ đã khẩn trương xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt 04 Kế hoạch thực hiện các Quy hoạch và tổ chức triển khai tới các địa phương, doanh nghiệp.

Đồng thời, Bộ đã tích cực tham mưu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành các quy định về khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, cơ chế giá với các loại hình điện năng, cơ chế khuyến khích điện gió ngoài khơi,… để tạo cơ sở phát triển lĩnh vực năng lượng tái tạo theo chủ trương lớn của Đảng và Chính phủ.

Thứ trưởng Thắng
Thứ trưởng Phan Thị Thắng báo cáo tình hình phát triển ngành Công Thương 8 tháng năm 2024

Có thể nói, đến hết tháng 8/2024, ngành Công Thương đang đi đúng hướng để đạt các mục tiêu đề ra trong năm 2024 (IIP cả năm 2024 tăng trưởng từ 7 – 8%; xuất khẩu tăng trưởng 6%; tổng bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 tăng trưởng 9%). Riêng các chỉ tiêu tăng trưởng xuất khẩu và chỉ số IIP có thể vượt kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 vừa qua sẽ đòi hỏi toàn ngành phải nỗ lực cao hơn nữa để đạt kết quả cả năm 2024“, Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết.

Bên cạnh đó, dự báo trong thời gian tới công tác phát triển ngành Công Thương cũng đối mặt với không ít các khó khăn, thách thức như: Nhiệm vụ đảm bảo đủ điện là thách thức lớn; sản xuất công nghiệp phục hồi chưa toàn diện; hoạt động thương mại trong nước tăng trưởng khá nhưng hạ tầng thương mại phát triển chưa đồng đều, đặc biệt tại các vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn; hoạt động xuất khẩu đạt kết quả tích cực nhưng còn phụ thuộc vào một số thị trường chính, chịu tác động mạnh từ bất ổn trong chuỗi cung ứng…

Năm 2024 là năm bứt tốc, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2021-2025, trong bối cảnh tình hình quốc tế, trong nước được dự báo tiếp tục có những thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen. Để góp phần đạt được mục tiêu phát triển KT-XH cả nước năm 2024 theo chỉ đạo của Chính phủ, ngành Công Thương phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu đã đề ra (IIP tăng khoảng 78%; kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 6%; cán cân thương mại duy trì trạng thái thặng dư khoảng 15 tỷ USD; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng khoảng 9%; điện thương phẩm đạt khoảng 280,1 tỷ Kwh; điện sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống đạt khoảng 309,24 – 309,42 tỷ Kwh, tăng khoảng 9,4 – 9,47%).

Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, Bộ Công Thương tiếp tục triển khai các giải pháp chủ yếu.

Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt sâu sắc và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo của Chính phủ;

Thứ hai, chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xây dựng thể chế;

Thứ ba, khẩn trương hoàn tất trình Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực năng lượng (điện, xăng dầu);

Thứ tư, tiếp tục đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm cơ cấu lại ngành Công Thương dựa trên nền tảng của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số;

Thứ năm, tích cực tham mưu tổng kết cơ chế, chính sách về hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là việc thực hiện chính sách thu hút đầu tư FDI trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại;

Thứ sáu, tập trung khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực và ký kết, triển khai các Hiệp định mới;

Thứ bảy, phát triển mạnh thương mại nội địa để khai thác có hiệu quả thị trường trong nước. Đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử để khai thác hiệu quả hơn sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng số hóa nền kinh tế;

Thứ tám, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo, điều hành gắn với đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Tạp chí Công Thương sẽ tiếp tục thông tin về nội dung buổi làm việc của Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn với Bộ Công Thương.