Tư vấn - xây dựng và lắp đặt nhà nuôi chim yến

Rốt ráo thực hiện thủ tục phá sản Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy

Tổng Công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) gồm công ty mẹ và 7 công ty thành viên sẽ thực hiện thủ tục phá sản bắt đầu từ quý I/2024. Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đang rốt ráo thực hiện thủ tục phá sản. Nhiều vấn đề đặt ra như người lao động, vốn nhà nước… khi phá sản sẽ ra sao?

Hoạt động đóng tàu tại Công ty Đóng tàu Rừng Phà. (Ảnh: SBIC).
Hoạt động đóng tàu tại Công ty Đóng tàu Rừng Phà. (Ảnh: SBIC).

Lãnh đạo Bộ GTVT làm việc với từng đơn vị

SBIC – tiền thân là Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin), hoạt động trong lĩnh vực đóng mới, sửa chữa tàu biển. Mới đây, Chính phủ có Nghị quyết thông qua Kế hoạch thực hiện chủ trương xử lý SBIC (Nghị quyết số 220/NQ-CP ngày 22/12/2023). Theo đó, Công ty mẹ SBIC và 7 công ty con (các Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu: Hạ Long, Phà Rừng, Bạch Đằng, Thịnh Long, Cam Ranh; Công ty TNHH một thành viên Công nghiệp tàu thủy Sài Gòn; Công ty TNHH một thành viên Đóng tàu và Công nghiệp hàng hải Sài Gòn) được yêu cầu khẩn trương rà soát, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Thời gian thực hiện dự kiến từ quý I/2024.

Một đơn vị khác là Công ty Cổ phần Đóng tàu Sông Cấm, cũng thuộc SBIC nhưng không phải thực hiện thủ tục phá sản vì đơn vị này vẫn làm ăn có lãi, không có nợ xấu. Chính phủ chỉ yêu cầu thu hồi phần vốn góp của Công ty mẹ – SBIC tại Công ty Cổ phần Đóng tàu Sông Cấm.

Việc thực hiện phá sản đối với SBIC, Chính phủ yêu cầu thu hồi tối đa vốn và tài sản, hạn chế tối đa việc sử dụng ngân sách nhà nước, trường hợp phải sử dụng ngân sách nhà nước thì thực hiện đúng quy định của pháp luật; giảm thiểu tổn thất tiền, tài sản của Nhà nước, tổ chức và cá nhân liên quan cũng như đối với ngành đóng, sửa chữa tàu.

Thực hiện nhiệm vụ trên, thời gian qua, Bộ GTVT đã có những động thái thể hiện sự vào cuộc rốt ráo trong việc thực hiện thủ tục phá sản SBIC. Cụ thể, chỉ 5 ngày sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết về chủ trương phá sản SBIC, Bộ GTVT đã có công văn gửi Hội đồng thành viên, Kiểm soát viên tại SBIC, yêu cầu rà soát, đánh giá đầy đủ thực trạng của từng doanh nghiệp; tổng hợp hồ sơ, tài liệu và xây dựng phương án xử lý cụ thể cho từng doanh nghiệp.

Đặc biệt, ông Nguyễn Xuân Sang – Thứ trưởng Bộ GTVT có kế hoạch làm việc với Công ty mẹ và 7 công ty thành viên SBIC để phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 220/NQ-CP ngày 22/12/2023 của Chính phủ. Đến thời điểm này, ông Nguyễn Xuân Sang đã làm việc với 4 đơn vị, gồm: Công ty TNHH MTV Đóng tàu Phà Rừng, Công ty TNHH MTV Đóng tàu Bạch Đằng, Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Sài Gòn (SSIC) và Công ty TNHH MTV Đóng tàu và Công nghiệp Hàng hải Sài Gòn.

Tinh thần chung tại các buổi làm việc, ông Nguyễn Xuân Sang cho rằng, việc thực hiện phá sản, thực chất là bán doanh nghiệp cho một chủ sở hữu mới. “Phá sản là để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hồi sinh. Phá sản để tổ chức lại, nâng cao năng lực, hiệu quả của các đơn vị. Dù ai làm chủ thì vẫn rất cần đến đội ngũ cán bộ quản lý, người lao động có kinh nghiệm, dày dạn kinh nghiệm” – ông Sang cho hay.

Giải quyết vấn đề vốn và người lao động

Theo giới chuyên gia, việc phá sản một doanh nghiệp nhà nước nếu thực hiện không khéo có thể để lại nhiều hệ lụy. Do đó, ưu tiên quan trọng của việc phá sản doanh nghiệp nhà nước là hạn chế thiệt hại về vốn, tài sản của Nhà nước. Được biết, ngoài vốn, thì tại SBIC và 7 đơn vị thành viên cần phá sản có nhiều loại tài sản có giá trị như máy móc thiết bị, kho bãi, bất động sản… Do đó, việc xác định giá trị tài sản, bán đấu giá, thu hồi vốn nhà nước là việc khá nhạy cảm, cần tuân thủ đúng các quy định, tránh thất thoát tài sản nhà nước một cách tối đa nhất.

Ngoài ra, việc sắp xếp, bảo đảm quyền lợi của người lao động tại các doanh nghiệp cũng rất quan trọng. Nếu trong quá trình thực hiện phá sản, quyền lợi người lao động bị ảnh hưởng có thể gây khiếu kiện, khiếu nại kéo dài, ảnh hưởng đến đời sống người lao động. Được biết, quyết định chủ trương phá sản được công bố trước dịp Tết Nguyên đán 2024 đang khiến nhiều lao động rất tâm tư.

Theo lãnh đạo Công ty TNHH MTV Công nghiệp Tàu thủy Sài Gòn, hiện nay có nhiều khách hàng, đối tác nước ngoài rất quan tâm, lo lắng về hoạt động của Công ty khi triển khai làm thủ tục phá sản. Một đối tác của đơn vị này lo lắng về hợp đồng đóng tàu đến tháng 6/2025 mới hoàn tất, liệu quyền lợi có được bảo đảm. Các doanh nghiệp bị phá sản cũng mong muốn có thông tin cụ thể từ Bộ GTVT về tình hình hoạt động trong thời gian sắp tới…

Theo ông Nguyễn Trí Đức – Vụ trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp (Bộ GTVT), về nguyên tắc, trong vai trò chủ sở hữu phần vốn tại Công ty mẹ, Bộ GTVT sẽ xây dựng phương án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, trên cơ sở đó thực hiện nộp đơn phá sản tới tòa án. HĐTV SBIC sẽ xây dựng phương án phá sản đối với 7 công ty con thành viên, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và trực tiếp nộp đơn phá sản tới tòa án.

Minh Hữu

công ty TNHH DKK

Bạn cũng có thể thích