Sẵn sàng chặn tên miền, khóa ứng dụng các sàn TMĐT Temu, Shein
Đối với các nền tảng thương mại điện tử (TMĐT) đang hoạt động mà chưa đăng ký với Bộ Công thương, chúng ta có đủ khả năng và công nghệ để chặn bất cứ lúc nào, nếu muốn.
Đó là chia sẻ của ông Lê Nam Trung, phó Cục trưởng Cục Công nghiệp Công nghệ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) tại hội thảo về TMĐT tổ chức mới đây. Theo ông Trung, Việt Nam đã có một bước tiến lớn về công nghệ trong những năm gần đây, có đủ khả năng và công nghệ để kiểm soát không gian mạng. Chúng ta có thể chặn các nền tảng TMĐT hoạt động trái phép, hay hoạt động không đúng với mục đích đăng ký với cơ quan chức năng.
Chặn tên miền, khóa ứng dụng
Cụ thể, ông Trung cho biết các cơ quan chức năng đã nắm bắt tình hình hoạt động của sàn TMĐT Temu ngay từ lúc triển khai phiên bản tiếng Việt tại Việt Nam. Trước đó, một sàn TMĐT khác là Shein cũng đã tiếp cận với khách hàng Việt Nam. Tuy nhiên, chúng ta đang tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động, kể cả đối với các sàn TMĐT xuyên biên giới, chứ không phải không thể ngăn chặn được. Cơ quan chức năng chỉ cần chặn các tên miền và ứng dụng trên IOS hoặc Android là họ không thể xuất hiện ở lãnh thổ Việt Nam.
Cũng theo ông Trung, sự xuất hiện của các sàn TMĐT xuyên biên giới như Temu đặt ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam trong việc cạnh tranh. Sàn TMĐT này đang bán với mức giá siêu rẻ nhằm thu hút người tiêu dùng Việt Nam và hàng hóa chủ yếu đưa từ Trung Quốc sang. Mặc dù vậy, nếu buộc Temu chấp hành các quy định về thuế, về chất lượng sản phẩm… chưa chắc sàn TMĐT đến từ Trung Quốc có thể cạnh tranh được với một số sàn TMĐT khác đang hoạt động tại Việt Nam từ lâu như Shopee, Lazada hay Tiki.
Phát biểu tại cuộc họp Chính phủ vào cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hoàng Long cho biết, các sàn TMĐT như Temu hay Shein phải đăng ký hoạt động trong tháng 11 này, nếu không sẽ bị chặn.
Gần đây, nhiều quan chức Chính phủ và các doanh nghiệp Việt Nam đã bày tỏ lo ngại về ảnh hưởng của các sàn TMĐT của Trung Quốc đối với thị trường nội địa trước chiêu giảm giá sâu. Trong khi đó, Bộ Công thương phải phát đi công văn kêu gọi người tiêu dùng không tham gia mua bán trên các sàn TMĐT chưa đăng ký hoạt động để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng.
“Sau khi thông báo, nếu các nền tảng TMĐT này không tuân thủ đăng ký hoạt động trong tháng 11 này, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan để thực hiện các biện pháp kỹ thuật như chặn các ứng dụng và tên miền”, Thứ trưởng Long cho biết.
Temu bị cấm, hoặc điều tra vi phạm ở nhiều nước
Shein trước đây nổi tiếng với các mặt hàng thời trang trực tuyến đã bán hàng vào Việt Nam gần 2 năm, trong khi Temu – sàn TMĐT thuộc sở hữu của tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc PDD Holdings bắt đầu cho phép người dùng tại Việt Nam mua sắm từ hồi tháng trước.
Việc các sàn TMĐT xuyên biên giới tấn công vào thị trường bán lẻ của Việt Nam cũng do quy định chưa chặt chẽ của cơ quan chức năng. Theo quy định, Việt Nam cho phép hàng hóa nhập khẩu có giá trị lên từ 1 triệu đồng trở xuống không phải chịu thuế giá trị gia tăng. Bộ Tài chính cho biết, hầu hết các mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế này đều nhập khẩu thông qua các nền tảng TMĐT và bộ này đang cân nhắc chấm dứt ưu đãi này.
Cả Temu và Shein hiện phải đối mặt với sự giám sát ngày càng chặt chẽ và các cáo buộc vi phạm quy định ở nhiều nước. Tháng trước, Indonesia đã yêu cầu Apple và Google chặn Temu khỏi các cửa hàng ứng dụng để bảo vệ các doanh nghiệp nhỏ của nước này trước việc cạnh tranh với các mặt hàng siêu rẻ.
Gần đây, sàn TMĐT Temu bị Ủy ban châu Âu (EC) cáo buộc hàng loạt vi phạm đối với các quy định của Liên minh châu Âu (EU). Cơ quan bảo vệ người tiêu dùng các quốc gia thuộc khối EU dự kiến cũng sẽ chặn sàn TMĐT này nếu không tuân thủ luật pháp.
Theo báo cáo Google, Temasek và Bain & Company công bố hồi tuần trước, thị trường TMĐT Việt Nam đã tăng trưởng 18% trong năm nay, đạt giá trị 22 tỷ đô la Mỹ, lớn thứ ba ở Đông Nam Á, chỉ sau Indonesia và Thái Lan.
Các nền tảng TMĐT khác chiếm thị phần lớn tại Việt Nam là Shoppe – nền tảng đặt trụ sở chính tại Singapore; Lazada do Alibaba hậu thuẫn; còn Tiki và Sendo thuộc các doanh nghiệp trong nước.