tpnest.asia - Chuyên thiết bị âm thanh nhà yến

Sàn thương mại điện tử nộp thuế thay người bán: Chưa khả thi, quá rủi ro?

Theo đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam, đề xuất sàn thương mại điện tử phải kê khai, nộp thuế thay các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh trên sàn chưa khả thi và quá rủi ro.

Hiện, trong dự thảo Luật Quản lý thuế sửa đổi, Bộ Tài chính đề xuất trách nhiệm của các sàn TMĐT phải kê khai và nộp thuế thay các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh trên sàn (người bán). Điều này ngay lập tức nhận được phản đối gay gắt của các cơ quan chuyên môn.

Chưa thống nhất với Luật thuế TNCN

Trong văn bản góp ý gửi tới Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội, Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) kiến nghị bãi bỏ nội dung này.

VECOM lý giải, tại Đông Nam Á, các quốc gia và vùng lãnh thổ như Thái Lan, Indonesia, Singapore, Malaysia, Philippines, Đài Loan (Trung Quốc) đều không có quy định yêu cầu các sàn TMĐT phải kê khai thuế thay cho người bán. Người bán tự chịu trách nhiệm đối với các nghĩa vụ về thuế.

Chỉ có một số nước có quy định yêu cầu các nền tảng khấu trừ và nộp thuế cho cơ quan thuế số thuế VAT cho người bán nước ngoài kinh doanh dịch vụ số.

Sàn thương mại điện tử nộp thuế thay người bán: Chưa khả thi, quá rủi ro?- Ảnh 1.

Bùng nổ mua sắm online qua sàn TMĐT. Ảnh: Hồng Hạnh.

Hiệp hội này cũng cho rằng, các sàn TMĐT phải kê khai thay, nộp thuế thay người bán không phù hợp với quy định tại Điều 24 Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN). Tức là, việc nộp thuế của tổ chức chi trả thu nhập phải dựa trên cơ sở khấu trừ thu nhập mà họ chi trả cho đối tượng nộp thuế, khác hoàn toàn về bản chất với việc kê khai thay, nộp thuế thay.

Bởi vậy, VECOM lo lắng về tính khả thi, những rủi ro mà các sàn TMĐT phải gánh chịu khi phải chịu trách nhiệm kê khai thay, nộp thuế thay cho người bán, đặc biệt nếu xảy ra tình huống kê khai sai, tính thiếu hay thừa số thuế phải nộp của người bán.

Đồng quan điểm, đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lập luận thêm, Điều 24 Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007 (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 điều 1 luật Sửa đổi, bổ sung luật Thuế thu nhập cá nhân 2012) chỉ quy định 2 chủ thể có trách nhiệm thực hiện kê khai, nộp thuế, gồm: cá nhân có thu nhập chịu thuế và tổ chức, cá nhân trả thu nhập.

Theo quy định tại các điều 28 và 29 Nghị định 65 năm 2013, thu nhập từ hoạt động kinh doanh của cá nhân cư trú không thuộc loại thu nhập phải khấu trừ thuế do tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện.

Vì thế, sàn TMĐT không được coi là tổ chức, cá nhân trả thu nhập cho người bán. Như vậy, trách nhiệm kê khai, nộp thuế thuộc về cá nhân có thu nhập chịu thuế, trong trường hợp này là người bán trên sàn.

Sàn thương mại điện tử nộp thuế thay người bán: Chưa khả thi, quá rủi ro?- Ảnh 2.

Hàng giả, hàng nhái trên sàn TMĐT tăng mạnh. Ảnh: DMS.

Các sàn thương mại điện tử có thể phải tăng tổng chi phí

Nguyên nhân khác, theo VCCI, quy định tại dự thảo có thể tạo ra gánh nặng tuân thủ lớn cho các sàn TMĐT, trong khi chưa đánh giá tác động một cách đầy đủ về lợi ích có thể đạt được so với chi phí bỏ ra.

Theo nghiên cứu năm 2022 của VCCI, nếu áp dụng quy định này, các sàn TMĐT có thể phải tăng tổng chi phí hơn 10% vào năm đầu tiên thực hiện và hơn 8% vào năm tiếp theo để tuân thủ quy định này. Các chi phí chủ yếu bao gồm chi phí công nghệ thông tin và chi phí nhân sự.

Tuy nhiên, từ các tài liệu dự thảo, VCCI nhận thấy rằng chưa có một đánh giá tác động toàn diện về các chi phí mà người dân, doanh nghiệp phải bỏ ra, cũng như lợi ích mà phương án này đạt được, đặc biệt là so sánh với phương pháp hiện nay.

Mặt khác, theo VCCI, quy định này chưa được hoàn thiện, còn nhiều điểm chưa rõ ràng. Chẳng hạn, việc thu thuế với người bán vừa kinh doanh trên sàn TMĐT vừa có cửa hàng truyền thống sẽ được thực hiện như thế nào? Hiện nay, người bán đã nộp thuế (dạng thuế khoán) cho cơ quan thuế địa phương; nếu thu thêm thuế trên TMĐT, liệu có gây ra vấn đề thu thuế 2 lần hay không?

Ngoài ra, việc thu thuế với người bán lần đầu, người bán dưới ngưỡng thu thuế sẽ được thực hiện như thế nào? Do không có cơ chế hoàn thuế, nếu sàn TMĐT đã thu và nộp cho cơ quan thuế rồi thì có cách nào hoàn trả lại cho người bán hay không?

VCCI cũng đặt ra vấn đề người bán có trách nhiệm như thế nào? Nhiều công việc các sàn TMĐT khó có thể tự làm mà phụ thuộc vào người bán như kê khai các thông tin làm căn cứ nộp thuế; xác định mức thuế với từng mặt hàng…

Doanh thu tính thuế được xác định như thế nào? (giá bán, giá bán sau khi trừ khuyến mãi hay giá người mua chi trả…).

Trước những thắc mắc trên, Bộ Tài chính cho biết, sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn cụ thể về việc hỗ trợ, phối hợp trong tổ chức thực hiện giữa cơ quan thuế và các tổ chức quản lý sàn TMĐT, nền tảng số.

Bên cạnh đó, thống nhất về phạm vi trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức quản lý sàn, nền tảng khi thực hiện khấu trừ, nộp thuế thay và khai nghĩa vụ nộp thuế thay cho các hộ, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử trên cơ sở tổ chức làm việc, trao đổi trực tiếp với một số sàn .

Temu, Shein, 1688 phải hoàn thành thủ tục đăng ký kinh doanh trong tháng 11/2024

Liên quan đến các sàn TMĐT xuyên biên giới như Temu, Shein, 1688 hoạt động rầm rộ ở Việt Nam nhưng chưa đăng ký cấp phép, việc này đồng nghĩa rằng “các sàn không chịu quản lý pháp luật về thuế”.

Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hoàng Long cho biết, các sàn này phải dừng các hoạt động quảng cáo, marketing để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Bộ Công thương cũng đã làm việc với đại diện của sàn trên và yêu cầu phải hoàn thành thủ tục đăng ký kinh doanh trong tháng 11/2024.

“Nếu các sàn này không tuân thủ, Bộ Công thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng thực hiện các biện pháp kỹ thuật như ngăn chặn ứng dụng, chặn tên miền”, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long nói và cho biết thêm, Bộ đã báo cáo Thủ tướng và đang triển khai việc rà soát các quy định pháp lý có liên quan, kiến nghị nghiên cứu các biện pháp để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý của lĩnh vực này trong thời gian tới.

Hồng Hạnh -

công ty TNHH DKK

Bạn cũng có thể thích