Sẽ có nhiều doanh nghiệp không thưởng Tết?
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các chuyên gia cho rằng sẽ có nhiều doanh nghiệp không có thưởng Tết.
Thấp thỏm thưởng Tết
Nghĩ đủ mọi cách để duy trì hoạt động công ty những năm qua, bà Nguyễn Thị Diễm Hằng, Phó chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Dược phẩm Vinapharma Group cho biết, đang mất ăn mất ngủ để nghĩ thưởng Tết cho người lao động.
So với thời điểm Covid-19 ập đến, tình hình kinh doanh ở giai đoạn phục hồi khó khăn hơn nhiều. Theo bà Hằng, năm nay, doanh thu công ty hụt hàng nghìn tỷ đồng (giảm 80% so với năm ngoái) nên việc kinh doanh những tháng cuối năm rất áp lực.
“Hoạt động ở cả ba nền tảng là chuỗi hệ thống, kênh thương mại nội địa và kênh xuất khẩu nhưng đều yếu vì hàng chế biến sâu năm nay không được ưa chuộng bằng hàng tươi”, bà Hằng giải thích lý do doanh thu lao dốc.
Năm nay, bà Hằng dự định viết tâm thư mong hàng nghìn nhân viên thấu hiểu và sẻ chia cùng công ty trong giai đoạn khó khăn này. Thay vì thưởng tiền mặt ít nhất 5 triệu đồng như mọi năm, dịp Tết dương lịch năm nay, bà dự kiến sẽ quy ra hàng hóa để thưởng. Còn Tết Nguyên đán, sẽ cố gắng lo lắng cho nhân viên một tháng lương và thưởng thêm nửa tháng lương nữa cho lao động xa quê để họ có chi phí trang trải trong năm mới.
Đại diện công đoàn Công ty cổ phần TKG Taekwang Vina cũng cho biết đơn hàng sụt giảm mạnh trong 9 tháng đầu năm khiến một số lao động phải nghỉ luân phiên trong tháng. Đến nay, tình hình đơn hàng đã cải thiện, công nhân đã làm đủ ngày công.
Công ty đang nỗ lực tốt nhất có thể để lo thưởng Tết cho người lao động. Song, mức thưởng Tết vẫn phải đợi chủ doanh nghiệp quyết định, còn công đoàn cố gắng duy trì các hoạt động chăm lo Tết cho người lao động giống các năm trước như tổ chức chương trình Tết sum vầy, chuyến xe về quê, hỗ trợ công nhân khó khăn, chợ công nhân…
Đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam cũng bày tỏ để có thưởng Tết Nguyên đán năm 2024, các doanh nghiệp ngành dệt may phải cố gắng rất nhiều. Bởi ngành này cả năm nay đã phải gồng gánh giữ lao động khi đơn hàng sụt giảm đến 60%…
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, khi tình hình kinh tế năm nay được đánh giá ảm đạm hơn năm ngoái, các chuyên gia cho rằng sẽ có nhiều doanh nghiệp không có thưởng Tết. Ông Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nhận định, năm nay, nhiều doanh nghiệp sẽ khó trả lương cho lao động, thưởng Tết lại càng khó hơn.
Theo ông Huân, khối ngành đang gặp khó khăn nhất là công nghiệp, chế biến chế tạo (chiếm 42%), tiếp theo là các hoạt động dịch vụ khác… Đây sẽ là những nhóm ngành khả năng gặp khó khăn trong việc lo thưởng Tết cho công nhân, người lao động.
Song, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tin rằng thưởng Tết được xem là hoạt động thường niên nên các doanh nghiệp sẽ nỗ lực trong khả năng của mình.
Công khai kế hoạch thưởng trước Tết 20 ngày
Đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết tình hình kinh tế biến động sẽ khó dự đoán trước mức thưởng Tết. Con số cụ thể phải chờ báo cáo từ địa phương.
Cục Quan hệ Lao động và Tiền lương đã có công văn trình Bộ về việc yêu cầu các địa phương báo cáo tình hình tiền lương, thưởng Tết năm 2024 của doanh nghiệp đối với người lao động. Thời hạn báo cáo tình hình tiền lương và thưởng Tết của doanh nghiệp đối với người lao động năm nay tương tự năm ngoái, vào ngày 25/12.
Còn Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, đã có công văn yêu cầu các đơn vị trực thuộc tăng cường thực hiện các giải pháp tham gia ổn định quan hệ lao động. Theo nhận định đơn vị này, tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp chưa ổn định; đời sống, việc làm một bộ phận không nhỏ người lao động tiếp tục khó khăn. Tình hình quan hệ lao động thời gian cuối năm 2023 và trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 tiềm ẩn có thể xảy ra tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể.
Do vậy, công đoàn các công ty cần triển khai thiết thực, hiệu quả các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, đảm bảo mọi đoàn viên, người lao động đều có Tết.
Doanh nghiệp cần tập trung thực hiện hỗ trợ đoàn viên, người lao động bị giảm thời gian làm việc, mất việc làm do doanh nghiệp bị cắt, giảm đơn hàng đảm bảo đúng thời gian, đúng quy định, không để sót đối tượng đủ điều kiện hỗ trợ.
Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị nắm chắc tình hình quan hệ lao động, tình hình sản xuất, kinh doanh, chấp hành pháp luật, chế độ, chính sách với người lao động; Quan tâm đặc biệt tới các công đoàn cơ sở doanh nghiệp có quan hệ lao động không ổn định, hay xảy ra tranh chấp lao động tập thể, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, tiềm ẩn nguy cơ nợ lương, nợ BHXH, BHYT, BHTN, không có thưởng Tết, có nguy cơ mất an toàn lao động, doanh nghiệp có chủ bỏ trốn…
Đặc biệt, Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam yêu cầu công đoàn cấp trên cơ sở chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ công đoàn cơ sở chủ động tham gia, đề xuất với người sử dụng lao động xây dựng, công khai kế hoạch trả lương, thưởng Tết trước ngày nghỉ Tết Nguyên đán ít nhất 20 ngày.
Đồng thời giám sát việc thực hiện trả lương, thưởng Tết, điều kiện làm việc, thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi, làm thêm giờ; đảm bảo quyền lợi thỏa đáng cho đoàn viên, người lao động tăng ca, làm thêm giờ, làm việc trong dịp Tết…