Siêu thị kêu gọi khách không cần tích trữ, nguồn cung hàng hóa luôn đáp ứng đủ
Nhiều hệ thống phân phối hàng hóa lớn như Saigon Co.op, AEON, Central Retail,… đều cho biết đã tăng lương dự trữ, tăng nguồn cung hàng hóa gấp nhiều lần và cam kết không tăng giá bán.
Đơn hàng trực tuyến của Saigon Co.op tăng gấp 2-3 lần
Trước những diễn biến phức tạp của tình hình mưa lũ của hoàn lưu cơn bão số 3 Yagi, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) tập trung nguồn lực tiếp ứng cho hệ thống phân phối và kho vận miền Bắc; đảm bảo nguồn hàng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả không biến động; làm việc với các đối tác kinh doanh để khuyến mãi đậm dành riêng cho thị trường miền Bắc, góp phần bình ổn thị trường, ổn định tâm lý người dân.
Saigon Co.op đã tăng lượng hàng hóa dự trữ dành cho khu vực miền Bắc gấp 3 lần so với ngày thường. Trung tâm phân phối miền Bắc của Saigon Co.op (tại Bắc Ninh) được đặt trong trạng thái khẩn trương nhất, toàn bộ nhân viên được chia ca kíp, tăng ca làm việc để Trung tâm hoạt động 24/24 với nhiệm vụ xử lý và điều phối xe vận chuyển hàng hóa.
Số lượng xe cũng được Saigon Co.op điều hướng từ các trung tâm khác đến phục vụ riêng cho thị trường miền Bắc, theo đó tăng gấp 3 lần so với ngày thường. Ngoài xe chuyên dụng, xe bảo ôn, Trung tâm phân phối Saigon Co.op đã linh động sử dụng xe tải gọn nhẹ nhằm có thể di chuyển nhanh chóng trên những tuyến đường. Nhờ vậy, mặc dù một số vùng đang bị ngập úng, nhưng Saigon Co.op vẫn đảm bảo đường vận chuyển thông suốt từ toàn quốc đến Trung tâm phân phối miền Bắc và từ Trung tâm đến hệ thống Co.opmart, Co.op Food.
Rau ăn lá, trái cây là mặt hàng chịu ảnh hưởng nhiều nhất theo tình hình thời tiết, nên Saigon Co.op đã tăng cường mặt hàng này từ Đồng Nai, Lâm Đồng, Đà Lạt và một số tỉnh miền Tây Nam Bộ. Saigon Co.op đã đặt hơn 200 tấn bao gồm rau muống, cải ngọt, bí đao, cải thảo, dưa leo, cà chua, xà lách, ớt chuông, bầu, bí, bưởi, chuối, xoài, dưa hấu, dưa lưới, cam… từ các nhà vườn, hợp tác xã, hộ kinh doanh… và sẽ vận chuyển liên tục từ Nam ra Bắc. Co.opmart hướng dẫn nhà cung ứng thịt gia súc, thịt gia cầm giao sản phẩm trực tiếp đến siêu thị. Như vậy, sản phẩm sẽ giữ được độ tươi mát đồng thời khai thác tối đa hệ thống vận chuyển của 2 bên.
Tại từng điểm bán, Co.opmart đã tăng giờ phục vụ, chỉ đóng cửa khi vị khách cuối cùng ra về. Nhân viên Co.opmart túc trực tại các line hàng, cash thu ngân, kho bãi… để hỗ trợ khách hàng mua sắm thuận tiện và nhanh chóng. Sức mua và lượt khách tại siêu thị tăng 50% so với ngày thường.
Các đơn hàng đặt trực tuyến tăng gấp 2 – 3 lần, đơn tập trung vào nhóm các thực phẩm khô như mì, bún, miến phở ăn liền, lương khô, sữa, bánh kẹo. Đơn hàng được nhân viên sắp xếp, nỗ lực giao trong ngày. Đối với những khu vực đang bị giao thông chia cắt, Co.opmart trao đổi với khách hàng nhằm tìm kiếm giải pháp giao nhận thuận tiện nhất.
Ngoài việc đảm bảo nguồn hàng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả bình ổn, Co.opmart cũng tăng cường thực hiện khuyến mãi để đưa các mặt hàng thiết yếu được giảm giá sâu. Các mặt hàng khuyến mãi cụ thể: các loại mì/phở/cháo ăn liền; sữa chua; sữa tươi; các loại bánh quy, bánh gạo; các loại nước giặt, nước xả vải; các loại rau, củ, quả tươi; thịt heo, bò, gia cầm các loại,…
Nhiều hệ thống cũng siêu thị kêu gọi khách mua đủ, không cần tích trữ hàng hóa
Để đáp ứng nhu cầu tăng đột biến, AEON khu vực phía Bắc đã nâng lượng hàng đặt từ các nhà cung cấp lên gấp 2-3 lần. Tuy nhiên, trong ngắn hạn, bão số 3 và hoàn lưu sau bão sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng cục bộ đối với các nhà cung cấp, đặc biệt là đối với mặt hàng tươi sống.
“Với mặt hàng rau củ quả, mưa lớn làm cho cây trồng hoa màu bị dập nát và úng ngập nước. Đối với các mặt hàng đánh bắt ngoài biển, do biển động nên có ảnh hưởng gây khó khăn tới việc đánh bắt xa bờ” – bà Quỳnh cho hay.
Mặc dù vậy, AEON Việt Nam vẫn sẽ liên tục làm việc với nhà cung cấp, vận chuyển rau từ Đà Lạt ra miền Bắc để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, đảm bảo đầy đủ nguồn cung hàng hóa phục vụ người dân.
Vì vậy, đại diện AEON Việt Nam kêu gọi khách hàng yên tâm mua đủ theo nhu cầu sử dụng, không cần tích trữ hay mua gom hàng hóa. “Chúng tôi luôn có các nguồn hàng dự phòng trong trường hợp khẩn cấp.” – bà Quỳnh khẳng định.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Hiền – Phó Tổng Giám đốc BRGMart cũng cho biết, hệ thống đã đặt hàng, tăng lượng dự trữ hàng hóa thiết yếu 30% so với bình thường. Giá cả hàng hóa cũng không có biến động. “Chính vì vậy, tôi khẳng định “sẽ không thiếu hàng” với người tiêu dùng sau bão” – bà Hiền nhấn mạnh.
Đại diện MM Mega Market cũng cho biết duy trì nguồn cung ổn định nhất, đặc biệt là các mặt hàng tươi sống thiết yếu như rau củ quả thịt cá… MM Mega Market đã tăng gấp 3 chuyến xe vận chuyển rau củ quả từ trạm cung ứng tại Lâm Đồng ra các tỉnh phía Bắc (dự kiến lên đến 7 chuyến xe/ tuần với tổng cộng hơn 40 tấn rau củ quả).
Còn tại Central Retail Việt Nam – đơn vị vận hành hệ thống GO!, BigC cũng đã tăng 100% sản lượng cung ứng hàng hóa rau củ các loại so với ngày thường.
Bên cạnh đó, ngay từ cuối tuần trước, Central Retail Việt Nam đã chuẩn bị những chuyến xe tăng cường hàng hóa cho miền Bắc. Theo đó, trung bình mỗi chuyến xe đi từ Đà Lạt giao cho miền Trung và miền Bắc là 40 tấn/chuyến, nay tăng lên 75 – 80 tấn/chuyến.
“Giá cả vẫn được giữ nguyên như trước khi xảy ra bão. Chúng tôi không tăng giá bán, vì đã có chuẩn bị nguồn hàng từ trước cùng các đối tác ở Đà Lạt“, đại diện Central Retail Việt Nam khẳng định.