Tăng cường cảnh báo sớm, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại
Công tác cảnh báo sớm cũng như hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra thời gian qua đã đem lại một số kết quả tích cực, nhờ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tăng cường công tác cảnh báo sớm, hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại
Báo cáo của Bộ Công Thương cho biết, công tác khởi kiện, điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại tiếp tục được đẩy mạnh, tạo lập lại môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các ngành sản xuất trong nước trước bối cảnh nhiều hàng hóa nhập khẩu có dấu hiệu bán phá giá hoặc được trợ cấp, gây thiệt hại nghiêm trọng cho một số ngành sản xuất trong nước.
Đến nay, Bộ Công Thương đã khởi xướng điều tra 28 vụ việc phòng vệ thương mại và đã áp dụng 22 biện pháp với hàng hóa nhập khẩu. Tính trong 06 tháng đầu năm 2024 đã triển khai công tác điều tra, rà soát các vụ việc phòng vệ thương mại, cụ thể gồm: tiếp tục điều tra, rà soát 07 vụ việc đã khởi xướng trong năm 2023; khởi xướng điều tra 01 vụ việc mới; tiếp nhận và xử lý 07 hồ sơ đề nghị điều tra và rà soát mới.
Hiện tại, có 04 biện pháp phòng vệ thương mại đang có hiệu lực với các sản phẩm thép nhập khẩu và 01 biện pháp phòng vệ thương mại với sản phẩm liên quan tới thép (vật liệu hàn) và 02 vụ việc đang trong quá trình điều tra liên quan tới sản phẩm cáp thép dự ứng lực và tháp điện gió.
Bộ Công Thương đang tiến hành rà soát cuối kỳ việc áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với sản phẩm thép không gỉ cán nguội (AD01) và thép phủ màu (AD04) để đánh giá hiệu quả biện pháp cũng như khả năng tiếp tục gia hạn biện pháp thêm 05 năm nữa. Dự kiến trong tháng 10/2024 sẽ có kết quả rà soát của 02 vụ việc này.
Liên quan đến công tác kháng kiện, đến nay, hàng xuất khẩu của Việt Nam đã phải đối mặt với 252 vụ việc điều tra phòng vệ thương mại từ 24 thị trường và vùng lãnh thổ. Trong đó, đứng đầu là các vụ điều tra chống bán phá giá (138 vụ việc), tiếp đó là các vụ việc tự vệ (50 vụ việc), chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại (37 vụ việc) và chống trợ cấp (27 vụ việc).
Trong 6 tháng đầu năm 2024, Bộ Công Thương đã cập nhật danh sách cảnh báo các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh phòng vệ thương mại (danh sách cập nhật tháng 3/2024 và tháng 6/2024) gửi các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, Hiệp hội, doanh nghiệp liên quan để phối hợp theo dõi.
Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đăng tin cảnh báo về nguy cơ Hoa Kỳ điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp với đĩa giấy; nguy cơ Canada điều tra chống bán phá giá với dây thép, đinh ốc nhập khẩu từ Việt Nam; nguy cơ Hàn Quốc điều tra chống bán phá giá với thép không gỉ cán nguội nhập khẩu từ Việt Nam.
Công tác cảnh báo sớm cũng như hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các vụ việc phòng vệ thương mại do nước ngoài khởi xướng điều tra đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thời gian qua đã đem lại một số kết quả tích cực như Việt Nam chứng minh doanh nghiệp xuất khẩu không có các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đang áp dụng với nước thứ ba trong vụ việc Hoa Kỳ điều tra chống lẩn tránh với thép dây không gỉ dạng tròn, việc Australia chấm dứt điều tra chống bán phá giá với amoni nitrat, các doanh nghiệp xuất khẩu pin mặt trời sang Hoa Kỳ được miễn thuế phòng vệ thương mại tạm thời, mức thuế chống bán phá giá chính thức do Mexico áp dụng với thép mạ giảm so với sơ bộ…
Nhờ đó, các doanh nghiệp xuất khẩu không bị áp thuế phòng vệ thương mại hoặc bị áp thuế ở mức thấp, góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu.
Tăng cường thông tin, phổ biến kiến thức phòng vệ thương mại cho doanh nghiệp
Bộ Công Thương đánh giá, tiếp nối đà phục hồi từ cuối năm 2023, trong 6 tháng đầu năm 2024, các lĩnh cực chính của ngành Công Thương đã cho thấy kết quả rất khả quan, đóng góp tích cực đối với kết quả tăng trưởng của cả nền kinh tế.
Tuy nhiên, trong 6 tháng cuối năm 2024, Bộ Công Thương cho rằng, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các thị trường lớn (EU, Hoa Kỳ) tiếp tục phải đối mặt với các áp lực về điều tra phòng vệ thương mại, các rào cản kỹ thuật liên quan đến môi trường, phát triển bền vững, chuyển đổi xanh.
Vì vậy, thời gian tới, Bộ Công Thương đề nghị, tăng cường năng lực về phòng vệ thương mại, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế, cơ chế phối hợp liên ngành, địa phương; chủ động theo dõi, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước.
Tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; tiếp tục đẩy mạnh công tác chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Bên cạnh đó, tăng cường công tác thông tin, phổ biến kiến thức về phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất, doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới. Đồng thời, tiếp tục kịp thời thông tin với các Hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường; duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài. Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.