Tạo ‘cú hích’ trong giáo dục tại huyện vùng biên
Ngày 13/10, UBND huyện Yên Minh (Hà Giang) tổ chức Hội nghị đánh giá thực trạng và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo.
Tham dự hội nghị có ông Hoàng Anh Tuấn, Ủy viên BTV Huyện ủy, Quyền Chủ tịch UBND huyện; Thường trực UBMTTQ và các cơ quan ban, ngành huyện; lãnh đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo, cùng toàn thể hiệu trưởng các trường học trên địa bàn huyện Yên Minh.
Tại hội nghị, ông Nguyễn Đức Tuyên, Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Yên Minh đã báo cáo tóm tắt thực trạng và giải pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục đào tạo trên địa bàn huyện. Theo đó, những năm qua, nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành, sự đồng thuận của các tầng lớp Nhân dân, cùng sự thống nhất hành động, quyết tâm cao của Ngành Giáo GD&ĐT trong toàn huyện, chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn của huyện Yên Minh từng bước được nâng lên; công tác quản lý giáo dục được đổi mới; đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên phát triển về mọi mặt.
Ông Hoàng Anh Tuấn, Ủy viên BTV Huyện ủy, Quyền Chủ tịch UBND huyện Yên Minh phát biểu tại Hội nghị.
Tuy nhiên, thực tế chất lượng GD&ĐT của huyện vẫn còn hạn chế nhiều mặt do Yên Minh là huyện vùng cao biên giới, điều kiện tự nhiên khắc nghiệt, địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, các nguồn lực đầu tư để phát triển kinh tế, xã hội còn nhiều hạn chế.
Đời sống của đại đa số người dân còn gặp nhiều khó khăn, kinh tế chưa phát triển, trình độ dân trí chưa cao, nhận thức của người dân về giáo dục chưa được đầy đủ.
Bên cạnh đó, dân cư sinh sống không tập trung, mạng lưới trường lớp rộng, có nhiều các điểm trường lẻ tại các thôn bản, thiếu biên chế giáo viên các cấp học.
Ngoài ra, công tác quản lý trường học chưa có hiệu quả, một số lãnh đạo các đơn vị trường chưa có tinh thần, trách nhiệm cao trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, thiếu sự chủ động, sáng tạo, một bộ phận nhỏ giáo viên chưa tâm huyết với nghề, có biểu hiện không đúng mực trong đạo đức, lối sống, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học vẫn còn sơ sài,…
Những thực trạng trên đã gây ra tác động không nhỏ đến chất lượng giáo dục của huyện. Vì thế, Hội nghị có nhiệm vụ tổng hợp những tồn tại vướng mắc để tiến hành trao đổi, thảo luận tìm ra biện pháp tháo gỡ, trong đó tập trung vào công tác đổi mới tổ chức dạy và học của giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng thực chất,… nhằm đưa chất lượng giáo dục của huyện Yên Minh chuyển biến đi lên.
Trường Tiểu học thị trấn Yên Minh là trường duy nhất trên địa bàn huyện đạt chuẩn cấp độ 2.
Cũng tại Hội nghị, thầy cô giáo trực tiếp giảng dạy tại các trường học trên địa bàn huyện cũng có những bài tham luận đánh giá, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn huyện Yên Minh trong năm học 2023-2024 và những năm tiếp theo.
Trong đó có một số tham luận nổi bật như: “Biện pháp phụ đạo học sinh yếu kém để đạt chuẩn kiến thức, kỹ năng trong trường tiểu học” của cô Hà Thị Lượng – Giáo viên trường PTDTBT tiểu học Lao Và Chải.
“Các biện pháp nâng cao chất lượng dạy học ở các trường THCS” của cô Vũ Thị Trang – Giáo viên giảng dạy bộ môn ngữ văn tại trường THCS Hữu Vinh,… Các báo cáo tham luận đều sâu sắc, có chất lượng, thể hiện tinh thần trách nhiệm của từng bộ phận và cá nhân với nhiệm vụ cụ thể được giao.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, ông Hoàng Anh Tuấn, Ủy viên BTV Huyện ủy, Quyền Chủ tịch UBND huyện Yên Minh cho biết: Hội nghị là cơ hội để đội ngũ cán bộ lãnh đạo, các nhà giáo của huyện được trao đổi, học tập kinh nghiệm, rút ra bài học để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo trên địa bàn huyện.
Đồng thời, Quyền Chủ tịch UBND huyện đánh giá cao những tham luận của các thầy cô giáo trực tiếp làm công tác giảng dạy tại trường, trên cơ sở đó UBND huyện sẽ tiếp thu và sẽ có giải pháp chỉ đạo, điều hành cụ thể nhằm tháo gỡ những khó khăn của ngành trong thời gian tới.
Trong đó, UBND huyện Yên Minh đề ra 5 nhóm giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của huyện trong thời gian tới, đó là: Huy động, duy trì sĩ số học sinh đi học chuyên cần. Nhóm giải pháp về biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ. Nhóm giải pháp về cơ sở vật chất, mạng lưới trường lớp. Nhóm giải pháp về công tác quản lý, lãnh đạo, phối hợp để nâng cao hiệu quả quản lý giáo dục. Đổi mới tổ chức dạy và học của giáo viên để nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng thực chất.