Tập trung nguồn lực thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới
Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 5/6/2024 phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2024. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo dõi sát diễn biến tình hình quốc tế, việc điều chỉnh chính sách của các nước, đối tác, nhất là chính sách tài khóa, tiền tệ, thương mại, đầu tư… để chủ động dự báo, phân tích, xây dựng các kịch bản, phương án điều hành, phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả hơn đối với những vấn đề phát sinh; phối hợp chặt chẽ, hài hòa giữa chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách kinh tế vĩ mô khác.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết, các khoản dự toán chi thường xuyên đã giao cho các bộ, cơ quan trung ương trong dự toán đầu năm nhưng đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024 chưa phân bổ, giao dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách theo quy định (trừ trường được Thủ tướng Chính phủ cho phép).
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong thu, chi ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, mở rộng cơ sở thu và chống thất thu thuế, nhất là đối với các dịch vụ kinh doanh ăn uống, nhà hàng, thương mại điện tử, kinh doanh trên các nền tảng xuyên biên giới… Quyết liệt triển khai hóa đơn điện tử; kiên quyết rút, thu hồi ngay giấy phép kinh doanh đối với các doanh nghiệp, đơn vị không thực hiện đúng quy định về hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng và xử lý nghiêm theo pháp luật hiện hành.
Nắm chắc tình hình thị trường, cân đối cung cầu, giá cả hàng hóa để có giải pháp phù hợp, hiệu quả ổn định thị trường, giá cả, nhất là đối với các mặt hàng xăng, dầu, hàng hóa thiết yếu, nhà ở và lương thực, thực phẩm. Chuẩn bị các phương án giá, lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý, không tăng giá đột ngột và tăng giá cùng một thời điểm, hạn chế tác động lên lạm phát, bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra.
Đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược
Chính phủ yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đồng bộ, toàn diện 3 đột phá chiến lược (hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng); khẩn trương hoàn thành, đưa vào sử dụng các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia. Triển khai hiệu quả các động lực tăng trưởng truyền thống (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu), thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, như phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các ngành, lĩnh vực mới nổi…
Quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, khắc phục các bất cập để giải ngân nhanh hơn, sử dụng hiệu quả hơn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi nước ngoài…
Giải quyết dứt điểm nguồn vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm trong tháng 6/2024
Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các địa phương có liên quan tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long chịu trách nhiệm toàn diện trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc giải quyết dứt điểm trong tháng 6 năm 2024 đối với nguồn vật liệu san lấp cho các dự án giao thông trọng điểm trong khu vực.
Các bộ, cơ quan, địa phương liên quan, chủ đầu tư, đơn vị thi công phải khẩn trương giải quyết các khó khăn, vướng mắc, hoàn tất các thủ tục về chuyển mục đích sử dụng rừng, đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, hỗ trợ đền bù, giải phóng mặt bằng và các công việc liên quan khác, bảo đảm hoàn thành dự án đường dây 500 kV mạch 3 (519 km) từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) trước ngày 30/6/2024 theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; kiểm điểm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, không làm hết trách nhiệm làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công dự án. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải chủ động tiến hành kiểm tra tại 9 địa phương liên quan và xử lý trước ngày 10 tháng 6 năm 2024.
Khẩn trương triển khai các chính sách đã ban hành, rà soát, bổ sung, điều chỉnh kịp thời nhằm phát huy cao nhất hiệu quả của chính sách và bố trí nguồn lực; tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách thí điểm, giải pháp mới hiệu quả, thiết thực để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân; tập trung xử lý, giải quyết kịp thời, dứt điểm các vấn đề tồn đọng, kéo dài.
Tháo gỡ “điểm nghẽn” đang là rào cản trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi số
Các bộ, ngành, địa phương xây dựng Đề án chuyển đổi số của bộ, ngành, địa phương mình và giao Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trực tiếp chỉ đạo (tương tự như Đề án 06), bảo đảm tránh chồng chéo, lãng phí, khắc phục, tháo gỡ các “điểm nghẽn” đang là rào cản trong quá trình thúc đẩy chuyển đổi số của các bộ, ngành, địa phương.
Tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ, phát huy hiệu quả hoạt động của 26 Tổ công tác do Thành viên Chính phủ làm Tổ trưởng theo Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24 tháng 4 năm 2023 và 05 Tổ công tác theo Quyết định số 235/QĐ-TTg ngày 14 tháng 3 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ để tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh và thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội.
Nghiên cứu phát hành thêm 100 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho đầu tư công trình trọng điểm quốc gia
Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải khẩn trương nghiên cứu, đề xuất việc phát hành thêm 100 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ cho đầu tư các công trình trọng điểm quốc gia theo đúng kết luận của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 231/TB-VPCP ngày 18 tháng 5 năm 2024.
Thực hiện quyết liệt các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa công tác thu thuế, mở rộng triển khai hóa đơn điện tử; tập trung xử lý nợ đọng thuế, chống thất thu thuế, nhất là đối với dịch vụ ăn uống, nhà hàng, giao dịch thương mại điện tử, nhà cung cấp nước ngoài… Cương quyết và triệt để cắt giảm các khoản chi thường xuyên, các nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp bách để bổ sung nguồn lực cho đầu tư phát triển.
Khẩn trương ban hành văn bản theo thẩm quyền tiếp tục giảm các khoản thu phí, lệ phí áp dụng trong 6 tháng cuối năm 2024; trình Chính phủ xem xét, ban hành quy định về việc gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, tiền thuê đất và thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; đề xuất Chính phủ xem xét, ban hành quy định về việc giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước theo chỉ đạo tại Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2024 của Chính phủ.
Thúc đẩy và phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả, công khai, minh bạch các thị trường tài chính, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Khẩn trương xử lý các khó khăn, vướng mắc để đáp ứng các tiêu chí, sớm nâng hạng thị trường chứng khoán từ cận biên lên mới nổi theo lộ trình đề ra.
Phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện nghiêm quy định về hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trong hoạt động kinh doanh, mua, bán vàng, hoàn thành chậm nhất trước ngày 15/6/2024.
Phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay 1 – 2%
Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm ổn định thị trường ngoại tệ; chủ động xây dựng các kịch bản, phương án và phản ứng chính sách kịp thời hơn, hiệu quả hơn với biến động của thị trường ngoại hối trong và ngoài nước.
Điều hành tăng trưởng tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm an toàn hoạt động ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng. Chỉ đạo các ngân hàng thương mại thực hiện hiệu quả các giải pháp tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho người dân, doanh nghiệp, hướng tín dụng vào sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng, phấn đấu tăng trưởng tín dụng cả năm 2024 đạt khoảng 15%; chỉ đạo, khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số để phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay 1 – 2%; tiếp tục theo dõi, chỉ đạo các tổ chức tín dụng công khai lãi suất cho vay tại các tổ chức tín dụng, có chế tài xử lý nghiêm đối với các tổ chức tín dụng không thực hiện.
Tiếp tục thực hiện quyết liệt, nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp quản lý thị trường vàng cả trước mắt và lâu dài theo ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ tại các Nghị quyết, Công điện, Chỉ thị và các văn bản có liên quan, khắc phục ngay tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và giá vàng thế giới, bảo đảm thị trường vàng hoạt động ổn định, hiệu quả, lành mạnh, công khai, minh bạch, đúng quy định pháp luật, không để vàng hóa nền kinh tế và ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô.
Rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện nguyên nhân chậm giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện nguyên nhân chậm giải ngân gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng dành cho nhà ở xã hội; khẩn trương có giải pháp thiết thực, khả thi, hiệu quả để tháo gỡ vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân, trong đó tập trung vào các vấn đề liên quan đến đối tượng vay vốn, lãi suất, quy trình, thủ tục cho vay, việc hoàn thiện pháp lý dự án của chủ đầu tư với chính quyền địa phương…
Bộ Xây dựng phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết liệt thúc đẩy tiến độ triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội. Thường xuyên giám sát, đôn đốc các địa phương tập trung thực hiện Đề án Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030, đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu xây dựng nhà ở xã hội năm 2024 được giao.
Chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ, cơ quan liên quan đánh giá tổng thể, toàn diện, đầy đủ các chính sách, chương trình hỗ trợ về nhà ở hiện hành để hoàn thiện các chính sách phù hợp với mục tiêu, đối tượng, sát thực tiễn, đặc trưng, đặc điểm kinh tế – xã hội của các vùng, miền.