Thân thương hủ tiếu gõ
Buổi tối bạn nhắn tin gọn lỏn: ‘Hủ tiếu gõ nha!’. Trời mưa lất phất từ chiều. Những cơn mưa mùa này khó đoán. Có khi chỉ lất phất vài giọt, nhưng cũng có khi ào xuống thật nhanh chẳng kịp trở tay.
Hình ảnh xe hủ tiếu gõ đã trở thành một nét đặc trưng của TPHCM
Tôi xách chiếc dù, tản bộ trong tiết trời có chút hơi nước lành lạnh. Hủ tiếu gõ là món ăn gắn liền với chúng tôi từ thời sinh viên. Thời ấy, một tô hủ tiếu chỉ năm ngàn đồng. Vừa ngon, vừa no, vừa tiện khỏi phải nấu nướng; và cũng để đổi vị khi đã ngán đến tận cổ những bữa cơm bụi.
Đến giờ, ra trường có công việc ổn định, túi tiền cũng xông xênh hơn rồi, có thể bước vào những hàng quán với máy lạnh, chỗ ngồi sang trọng hơn nếu thích, nhưng thỉnh thoảng vẫn ghé mấy xe hủ tiếu gõ ăn cho đỡ thèm. Bởi vì đây là món ăn hoài không ngán, lại không quá no để lăn tăn lo lên ký như một số món ăn buổi tối khác…
Dù có biết bao thứ đổi thay thì hủ tiếu vẫn giữ nguyên hương vị thuở ban đầu. Sau một ngày làm việc, buổi tối, ngồi giữa trời gió lộng, chậm rãi thưởng thức tô hủ tiếu gõ thôi mà thấy sao đủ đầy, tưởng như chẳng còn thèm thuồng bất cứ món ngon vật lạ nào. Hủ tiếu gõ là món ăn quen thuộc với nhiều thế hệ. Đến nỗi chẳng mấy ai quan tâm nó đến từ đâu hay xuất hiện từ khi nào. Chị hai tôi kể thời của chị, giá mỗi tô hủ tiếu chỉ có một, hai ngàn đồng. Nhưng khác bây giờ là hủ tiếu không đứng yên một chỗ mà bán dạo.
Tiếng gõ lóc cóc là thanh âm như một lời chào đầy mong đợi của những cái bụng rỗng. Thực khách nghe tiếng lóc cóc liền chạy ra đường, ngó trước ngó sau, nếu không thấy người chỉ cần gọi lớn “hủ tiếu” là chỉ chừng vài phút sau có ngay tô hủ tiếu nóng hổi, thơm ngào ngạt đặt trước cửa nhà. Hủ tiếu gõ có vị thơm ngon đặc trưng, được kết hợp nhiều món, gồm vắt hủ tiếu trụng vừa ăn, vài lát thịt heo thái mỏng, thêm ít giá hẹ trụng sơ, hành phi, vài miếng tóp mỡ giòn rụm… Đơn giản vậy thôi mà khi chế nước dùng từ nồi nước xương đang hầm sôi sùng sục vào, tô hủ tiếu dậy lên mùi thơm ngon khó cưỡng. Món hủ tiếu có mặt từ rất lâu nên cũng là công việc “cha truyền con nối”.
Cặp vợ chồng trẻ với xe hủ tiếu mà chúng tôi thường ăn có lần khoe mình là đời thứ 3 được truyền nghề trong gia đình. Với chiếc xe được thiết kế riêng, khoang giữa xe đặt thùng nước lèo, hủ tiếu có thơm ngon hay không, ngoài nguyên liệu còn phụ thuộc vào độ nóng của nước lèo. Vì vậy mà nồi nước lèo bao giờ cũng nóng, sôi sùng sục. Chiếc xe ấy, cùng với kinh nghiệm gia truyền đã mang đến nguồn kinh tế cho nhiều thế hệ.
Khách đến ăn đa phần là quen mặt vì là khách ruột, ghé nhiều lần. Thỉnh thoảng có khách còn xin xỉ than về trồng cây. Xỉ than đặt dưới đáy chậu giúp cây thoát nước tốt, nếu biết xử lý, xỉ than còn là nguồn dinh dưỡng cho một số cây trồng. Cứ vậy, vừa ăn vừa nói dăm ba câu chuyện qua lại, cảm giác lòng cũng nhẹ tênh sau một ngày dài.