Thanh Hóa: “Tăng tốc” bảo đảm an toàn thực phẩm
Thanh Hóa ngày càng chú trọng thực thi nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân. Đây là một “cuộc chiến” mà mỗi người dân đều là một chiến sĩ!
Đồng bộ, quyết liệt trong đảm bảo an toàn thực phẩm cho nhân dân
Ngay từ đầu năm 2024, các sở, ban, ngành tỉnh Thanh Hóa đã chủ động triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ về an toàn thực phẩm được giao ngay từ đầu năm. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã ban hành gần 60 văn bản triển khai thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo ATTP trong phạm vi ngành quản lý. Sở Công Thương ban hành kế hoạch xây dựng và duy trì chợ kinh doanh thực phẩm, triển khai thí điểm “Phiên chợ thực phẩm an toàn”, lấy mẫu giám sát an toàn thực phẩm, thông tin tuyên truyền và đào tạo tập huấn về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2024.
Với chức năng của mình, Sở Y tế đã ban hành hơn 10 văn bản và chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm ban hành gần 40 văn bản triển khai thực hiện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2024. Các sở, ngành thành viên Ban Chỉ đạo về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện công tác đảm bảo an toàn thực phẩm năm 2024, kế hoạch triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân an toàn thực phẩm, kế hoạch triển khai Tháng hành động vì an toàn thực phẩm, kế hoạch thông tin tuyên truyền về an toàn thực phẩm theo lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách.
UBND các huyện, thị xã, thành phố đã đưa chỉ tiêu về an toàn thực phẩm vào kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2024 và giao chỉ tiêu về an toàn thực phẩm cho UBND các xã, phường, thị trấn; ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các chỉ tiêu về an toàn thực phẩm năm 2024, Kế hoạch thông tin tuyên truyền và đào tạo tập huấn về an toàn thực phẩm năm 2024, Kế hoạch kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm năm 2024, Kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Giáp Thìn và mùa Lễ hội Xuân 2024, Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm năm 2024…
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2024, Thanh Hóa đã đạt được một số kết quả về an toàn thực phẩm như sau: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn được giao xây dựng 1 chuỗi thịt gia súc và 1 chuỗi thủy sản. Sở đã chỉ đạo Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản tiến hành khảo sát, đánh giá, lựa chọn các cơ sở tự nguyện và đáp ứng yêu cầu tham gia chuỗi; dự kiến hoàn thành cuối năm 2024.
Ở cấp huyện, các UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo thực hiện hoàn thành 349.615/619.846 tấn thực phẩm tiêu dùng chủ yếu thông qua các chuỗi (đạt 56,4% kế hoạch), 17/112 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn (đạt 15,2% kế hoạch), 10/17 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm (đạt 58,8% kế hoạch)…
Đặc biệt, trong toàn tỉnh không để xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm trên địa bàn mặc dù tình hình ngộ độc thực phẩm trong cả nước có những diễn biến phức tạp, khó lường.
Đảm bảo an toàn thực phẩm chợ
Thời điểm cuối năm, Sở Công Thương Thanh Hóa tập trung vào nhiệm vụ đảm bảo an toàn thực phẩm chợ. Mới đây, Sở đã tổ chức Hội nghị tập huấn, hướng dẫn công tác duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí chợ kinh doanh thực phẩm cho các học viên là thành viên Ban quản lý chợ và Tổ giám sát an toàn thực phẩm tại chợ của TP. Thanh Hóa, TP. Sầm Sơn, các huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa, Hậu Lộc, Quảng Xương, Nga Sơn, Hà Trung và thị xã Bỉm Sơn.
Thanh Hóa là một tỉnh có số lượng chợ khá nhiều, với khoảng 388 chợ có kinh doanh thực phẩm đang hoạt động trên địa bàn. Trong số 388 chợ đó có 370 chợ đạt tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm, đạt 95%. Trong đó, có 253 chợ công bố hợp chuẩn theo TCVN 11856:2017 và 116 chợ được Giám đốc Sở Công Thương quyết định công nhận chợ kinh doanh thực phẩm theo tiêu chí chợ tạm tại Quyết định số 08/2020/QĐ-UBND ngày 19/02/2020 của UBND tỉnh về việc quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận chợ kinh doanh thực phẩm đối với chợ tạm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa trở thành tỉnh có số lượng chợ được công bố hợp chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm cao nhất trong cả nước.
Thông qua việc áp dụng các tiêu chuẩn quy định tại TCVN 11856:2017 hoặc tiêu chí tại Quyết định số 08/2020/QĐ- UBND ngày 19/02/2020 của UBND tỉnh, cơ sở vật chất, hạ tầng tại hầu hết các chợ trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa được quan tâm đầu tư, xây dựng, cải tạo; trang thiết bị phục vụ hoạt động kinh doanh thực phẩm tại chợ được trang bị phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương, đáp ứng yêu cầu về an toàn thực phẩm; các hộ tiểu thương kinh doanh tại chợ được tuyên truyền và có nhận thức, ý thức về việc thực hiện các quy định về an toàn thực phẩm, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa trong việc kinh doanh tại chợ, trách nhiệm của Ban quản lý chợ, Tổ giám sát an toàn thực phẩm tại chợ được nâng cao.
Tuy nhiên, Sở Công Thương Thanh Hóa cũng thừa nhận vẫn còn tồn tại nhiều chợ sau khi được xây dựng, đầu tư cải tạo, nâng cấp hạ tầng nhưng có nhiều hạng mục không duy trì bảo dưỡng, duy tu thường xuyên, công tác vệ sinh trong chợ không được chú trọng, trang thiết bị bày bán thực phẩm xuống cấp, hư hỏng, không còn phù hợp với các tiêu chuẩn tại TCVN 11856:2017 hoặc tiêu chí chợ kinh doanh thực phẩm đối với chợ tạm theo Quyết định số 08/2020/QĐ-UBND ngày 19/02/2020 của UBND tỉnh.
Các Hội nghị tập huấn, hướng dẫn công tác duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí chợ kinh doanh thực phẩm tại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh sẽ là mục tiêu nhắm tới của Sở Công Thương Thanh Hóa trong việc duy trì các tiêu chí sau khi được công nhận chợ kinh doanh thực phẩm, góp phần nâng cao kết quả xây dựng chợ kinh doanh thực phẩm.