Thiếu kinh phí, công tác khắc phục hư hỏng trên Quốc lộ 1 gặp khó khăn
Sau 10 năm đi vào khai thác, vận hành, tuyến Quốc lộ 1 đoạn từ cầu Bến Thủy đến thành phố Hà Tĩnh đang bị xuống cấp, hư hại khá nặng nề. Mặc dù đơn vị quản lý đã chú trọng công tác duy tu, bảo trì, tuy nhiên do thiếu kinh phí nên kết quả khắc phục sửa chữa các vị trí hư hỏng mặt đường vẫn còn khiêm tốn, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
40% diện tích mặt đường bị hư hỏng
Theo số liệu từ Ban An toàn giao thông Hà Tĩnh, tính đến thời điểm hiện nay, diện tích mặt đường bị hư hỏng kết cấu, bong tróc, nứt lưới, rạn nứt mai rùa, trồi lún, hằn lún vệt bánh xe… trên tuyến Quốc lộ 1 đoạn từ cầu Bến Thủy đến tuyến thành phố Hà Tĩnh chiếm gần 40% diện tích toàn bộ mặt đường toàn tuyến (257.483,5 m2/657.900m2). Ngoài ra, trên tuyến còn có 15.565m2 diện tích vạch sơn mòn mờ, mất tác dụng bảo đảm an toàn giao thông.
Cùng với đó, hệ thống an toàn giao thông như: Hệ thống lưới chống chói, mắt phản quang, cọc H, cọc tiêu, màn phản quang… bị thiếu, hư hỏng, mất tác dụng. Một số đoạn trên tuyến bị đọng nước bên lề đường do chưa được bố trí rãnh dọc. Nhiều cầu trên tuyến bị hư hỏng khe co giãn, bong tróc dầm cầu, mặt cầu bị hư hỏng…
Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh Hà Tĩnh, Nguyễn Văn Tân cho biết, trước thực trạng xuống cấp, hư hỏng trên tuyến đường, tỉnh Hà Tĩnh đã có nhiều công văn gửi Bộ Giao thông vận tải đề nghị các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục sữa chữa, bảo đảm an toàn giao thông trên Quốc lộ 1 đoạn nam cầu Bến Thủy tới bắc tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh trong tháng 3/2023. Cùng với đó, Cục Đường bộ Việt Nam và Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã có các văn bản đôn đốc các đơn vị liên quan khắc phục, sửa chữa các vị trí hư hỏng, hằn lún, bong tróc mặt đường, khắc phục hệ thống vạch sơn bị mờ mất tác dụng… có nguy cơ gây mất an toàn giao thông trước ngày 15/9/2023.
Tuy vậy, đến thời điểm hiện nay, công tác khắc phục, sửa chữa vẫn chưa được tiến hành một cách đồng bộ, nhà đầu tư đang triển khai theo kiểu manh mún, nhỏ lẻ, chắp vá, chưa đáp ứng được yêu cầu, dẫn đến nhiều vị trí trên tuyến bị hư hỏng nặng, tiềm ẩn nguy cơ cao gây mất an toàn giao thông và ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng, khả năng khai thác của công trình, gây bức xúc trong nhân dân, dư luận xã hội và cử tri của tỉnh.
Đại tá Đặng Hoài Sơn, Phó Giám đốc Công an tỉnh Hà Tĩnh cho biết, nếu tình trạng hư hỏng không được khắc phục kịp thời thì khi để xảy ra tai nạn giao thông cơ quan chức năng xem xét trách nhiệm của nhà đầu tư và các đơn vị có liên quan nếu phát hiện dấu hiệu tác động từ thực trạng xuống cấp của tuyến đường.
Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn đang cận kề, lưu lượng người và phương tiện lưu thông trên tuyến gia tăng lớn, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông lại càng cao hơn. Vì vậy, doanh nghiệp thực hiện dự án cần có cam kết lộ trình và thực hiện ngay việc duy tu, bảo dưỡng.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Hồng Lĩnh, Tôn Quang Ngọc cho rằng, đây là tuyến đường giao thông có thu phí, vì vậy người tham gia giao thông phải được thụ hưởng dịch vụ, chất lượng tương xứng với số tiền mình bỏ ra. Do đó, chủ đầu tư khẩn trương khắc phục theo cam kết để bảo vệ quyền lợi, an toàn tính mạng cho người tham gia giao thông.
Thiếu chi phí sửa chữa, khắc phục
Theo báo cáo của Chi nhánh BOT tuyến tránh Vinh (doanh nghiệp dự án), những năm gần đây, mặc dù gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn do một số yếu tố khách quan, nhất là doanh thu thu phí sụt giảm ảnh hưởng kế hoạch bảo trì nên công tác khắc phục một số đoạn tuyến chưa kịp thời. Tuy nhiên năm 2023, doanh nghiệp dự án đã bố trí 37 tỷ đồng để thi công hoàn thành 5 dự án sửa chữa, khắc phục nhỏ và triển khai đợt trung tu đường lần 2 với khối lượng sửa chữa mặt đường đạt 92.617m2, sơn vạch sơn kẻ đường đạt 9.138m2…
Về tiến độ dự án trung tu lần 2, theo Giám đốc Chi nhánh BOT tuyến tránh Vinh, Cao Xuân Cường, sau gần 3 tháng được Cục Đường bộ Việt Nam chấp thuận dự án, đến nay doanh nghiệp dự án đã tiến hành thi công, sửa chữa các vị trí hư hỏng mặt đường, đạt 15% (16.000m2/108.000m2) khối lượng được phê duyệt. Dự kiến đến tháng 6/2024, dự án trung tu lần 2 trên tuyến Quốc lộ 1 đoạn nam cầu Bến Thủy tới bắc tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh sẽ được hoàn thành.
“Doanh nghiệp dự án xác định lưu lượng Quốc lộ 1 đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh là rất lớn và có nhiều hư hỏng sẽ phát sinh trong thời gian sắp tới nên chúng tôi đã tập trung nguồn vốn hơn 40 tỷ đồng/61,5 tỷ đồng của toàn dự án để xử lý triệt để các hư hỏng trên tuyến nhằm bảo đảm cho người dân đón Tết được thuận lợi, an toàn”, ông Cao Xuân Cường cho biết thêm.
Tập đoàn Cienco 4 cùng Chi nhánh BOT tuyến tránh Vinh cần cân đối nguồn lực, xây dựng kế hoạch và đề xuất Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ kinh phí thực hiện các đợt trung tu, đại tu, đột xuất, bão lũ, bảo dưỡng thường xuyên một cách kịp thời, đồng bộ.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Trần Báu Hà
Theo đánh giá của đại diện lãnh đạo Sở Giao thông vận tải Hà Tĩnh, mặc dù dự án trung tu lần 2 đang được nỗ lực triển khai, tuy nhiên khối lượng các hạng mục sữa chữa, đầu tư được phê duyệt còn khá khiêm tốn so với yêu cầu, thực trạng của tuyến đường. Trong khi đó, năng lực tài chính của doanh nghiệp dự án hiện đang gặp nhiều khó khăn, vì vậy doanh nghiệp dự án cần đề xuất Bộ Giao thông Vận tải thực hiện dự án đại tu tuyến đường sớm hơn so kế hoạch.
Gợi mở một số giải pháp khắc phục tình trạng xuống cấp, hư hỏng trên Quốc lộ 1A đoạn qua tỉnh Hà Tĩnh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Trần Báu Hà cho rằng, trước mắt doanh nghiệp dự án cần ưu tiên nguồn lực khẩn trương khắc phục, sửa chữa triệt để các hư hỏng, hằn lún, ổ gà, bong tróc mặt đường, hệ thống vạch sơn bị mờ mất tác dụng trên tuyến bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phục vụ nhân dân đi lại an toàn thuận lợi trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn và lễ hội Xuân 2024.
Về lâu dài, Tập đoàn Cienco 4 cùng Chi nhánh BOT tuyến tránh Vinh cần cân đối nguồn lực, xây dựng kế hoạch và đề xuất Bộ Giao thông vận tải hỗ trợ kinh phí thực hiện các đợt trung tu, đại tu, đột xuất, bão lũ, bảo dưỡng thường xuyên một cách kịp thời, đồng bộ.
Trường hợp việc khắc phục, sửa chữa chưa đạt yêu cầu, có nguy cơ gây mất an toàn giao thông cao, tỉnh Hà Tĩnh và Khu quản lý đường bộ II sẽ có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam xem xét tạm dừng thu phí tại trạm thu phí cầu Bến Thủy.
Dự án nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1 đoạn từ nam cầu Bến Thủy tới bắc tuyến tránh thành phố Hà Tĩnh dài 35km có kinh phí hơn 2.400 tỷ đồng do Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco 4 làm chủ đầu tư theo hình thức BOT (xây dựng-vận hành-chuyển giao). Đầu năm 2014, công trình hoàn thành, đưa vào sử dụng. Đây là tuyến giao thông huyết mạch, tạo thuận lợi cho người và phương tiện lưu thông, tuy nhiên sau nhiều năm khai thác đến nay đã ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra tai nạn giao thông.