Thừa Thiên Huế: Sản xuất công nghiệp tăng trưởng ổn định, ngành dịch vụ tăng mạnh nhờ du lịch
Trong 8 tháng đầu năm 2024, mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng tình hình sản xuất công nghiệp, thương mại và du lịch của tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những chuyển biến tích cực và các chỉ số phục hồi tốt.
Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định
Theo báo cáo Cục Thống kê Thừa Thiên Huế, chỉ số IIP 8 tháng đầu năm tăng 3,98% so với cùng kỳ 2023, trong đó: ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,29%; cấp nước và thu gom rác thải tăng 10,38%; công nghiệp khai khoáng giảm 0,01%; sản xuất và phân phối điện, khí đốt giảm 7,76%.
Các ngành công nghiệp cấp 4 trong 8 tháng đầu năm 2024 có chỉ số sản xuất ước tăng so với cùng kỳ như: sản xuất các loại bánh từ bột (+36,9%); sản xuất bia và mạch nha ủ men bia (+3,3%); sản xuất sợi (+1,5%); may trang phục (6,9%); cưa, xẻ, bào gỗ và bảo quản gỗ (+25,4%); sản xuất xe có động cơ có chỉ số tăng 13,5 lần so với cùng kỳ,…
Bên cạnh tăng trưởng các ngành sản xuất chủ lực, một số ngành sản xuất công nghiệp vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Hiện tượng El Nino xuất hiện vào nửa cuối mùa hè năm 2023 vẫn duy trì đến nay, làm cho các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh thiếu nước để hoạt động nên ngành sản xuất điện có chỉ số giảm mạnh (-7,8%). Chính sách thắt chặt tiền tệ ở nhiều quốc gia làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng, dẫn đến nhiều đơn hàng sản xuất của doanh nghiệp bị cắt giảm như: chế biến, bảo quản thuỷ sản và các sản phẩm từ thuỷ sản (-8,0%); sản xuất vật liệu xây dựng từ đất sét (-5,6%); sản xuất xi măng, vôi, thạch cao (-8,2%); sản xuất giường tủ, bàn ghế (-23,3%)…
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tăng 15,7%
Trong tháng 8 năm 2024 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 5.073,5 tỷ đồng tăng 2,8% so với tháng trước và tăng 12,3% so với cùng kỳ. Chia theo ngành kinh tế: Bán lẻ hàng hóa ước đạt 3.453,5 tỷ đồng chiếm 68,1% trong tổng số, tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 11,9% so với cùng kỳ. Doanh thu dịch vụ lưu trú và ăn uống tháng 8 ước đạt 1.112,6 tỷ đồng, chiếm 21,9%, tăng 4,1% so với tháng trước và tăng 31,0% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ lữ hành đạt 37,9 tỷ đồng chiếm 0,7%, tăng 7,5% so với tháng trước và tăng 9,4% so với cùng kỳ; doanh thu dịch vụ khác đạt 469,5 tỷ đồng chiếm 9,3%, tăng 18,4% so tháng trước và tăng 36,1% so với cùng kỳ.
Dự ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng đầu năm 2024 đạt 37.352,6 tỷ đồng tăng 15,7% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 26.717,6 tỷ đồng chiếm 71,5% tổng số và tăng 12,1%; dịch vụ lưu trú và ăn uống đạt 7.426,7 tỷ đồng chiếm 19,9% và tăng 18,2%; dịch vụ lữ hành đạt 223,3 tỷ đồng chiếm 0,6% và tăng 27,8%; dịch vụ khác đạt 2.985,1 tỷ đồng chiếm 8,0% và tăng 23,7%.
Hoạt động du lịch trong 8 tháng đầu năm 2024, lượt khách do các cơ sở lưu trú phục vụ đạt 1.397 nghìn lượt tăng 21,0% so với cùng kỳ. Trong đó, lượt khách ngủ qua đêm 8 tháng đầu năm đạt 1.120,6 nghìn lượt tăng 25,6% so với cùng kỳ. Trong lượt khách ngủ qua đêm, khách quốc tế 440,3 nghìn lượt, tăng 25,7%; khách trong nước 680,4 nghìn lượt, tăng 20,3% so với cùng kỳ. Lượt khách trong ngày 8 tháng đầu năm 2024 đạt 276,4 nghìn lượt, tăng 15,9% so với cùng kỳ.
Theo Cục Thống kê Thừa Thiên Huế, tổng vốn đầu tư thực hiện theo giá hiện hành trên địa bàn 8 tháng đầu năm 2024 ước đạt 20.416,6 tỷ đồng, bằng 59,9% KH năm tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tháng 8 năm 2024 trên địa bàn tỉnh có 1 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký mới với tổng số vốn đăng ký 1,1 triệu USD. Lũy kế từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh có 9 dự án FDI đăng ký mới với tổng số vốn đăng ký 34,3 triệu USD.